Tin liên quan:

>> Sửa đáp án môn sử khối C: Thí sinh vẫn thiệt thòi

>> Trường đại học đầu tiên công bố điểm thi

>> Đừng bỏ qua những ngành tỉ lệ chọi là âm!



Sau khi nhận được phản ánh về độ vênh giữa đề thi và đáp án môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH từ báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đã quyết định điều chỉnh ý 4a trong đáp án.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vẫn phải điều chỉnh tiếp để thí sinh không mất 1,5 điểm nữa.

Ngày 16-7, khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội đã thảo luận về đáp án trước khi chấm chính thức. Sau thảo luận, các thầy cô đã soạn một bản kiến nghị điều chỉnh dự kiến gửi lên Bộ GD-ĐT nói rõ những thắc mắc xung quanh đáp án môn lịch sử.

 

Đáp án môn Sử làm thí sinh mất điểm, Đáp án vênh, thí sinh mất điểm, Môn sử có 2 đáp án chính thức, tuyển sinh, tuoi tre, thông tin tuyển sinh, đáp án sai. đáp án môn sử 2012, nghi án sai đáp án, sửa đáp án môn sử

Đáp án vênh câu hỏi

GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên chủ nhiệm khoa lịch sử ĐH Sư phạm I Hà Nội, cho rằng để thí sinh không mất điểm thì đáp án cần có điều chỉnh linh hoạt hơn. “Câu 1 hỏi về tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đối với nền kinh tế Việt Nam thì cần chấm điểm trọng tâm vào phần trình bày về sự biến chuyển của nền kinh tế do tác động của cuộc khai thác chứ không thể theo hướng nhấn mạnh vào cuộc khai thác như đáp án.

Thí sinh cần giới thiệu về cuộc khai thác thuộc địa (thời gian, mức đầu tư, quy mô, tốc độ khai thác)... từ đó đi vào ý chính về tác động tích cực (nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dần bao trùm lên nền kinh tế phong kiến) và tác động tiêu cực (sự chuyển biến kinh tế không đồng đều, nền kinh tế đất nước vẫn lạc hậu, phụ thuộc nặng nề vào nước Pháp)” - GS Bình phân tích.

Ngoài ra, theo GS Bình, câu 3 không thể nói cơ sở quyết định hoàn thành giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975 là từ cuối 1974 - đầu 1975 được.

“Tiên lượng của Bộ Chính trị vào cuối 1974 - đầu 1975 sẽ giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và nếu thời cơ đến thì thực hiện luôn trong năm 1975 chỉ có thể xếp vào phần quyết định cùng với ý cuối tháng 3-1975 Đảng ta đưa quyết tâm tập trung nhân lực, vật lực giải phóng miền Nam trong năm 1975. Còn cơ sở để đưa ra quyết định vẫn thế, lực của ta trên đà thắng lợi của chiến dịch Tây nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Khi điều chỉnh theo hướng này thì cách tính điểm cũng sẽ phải thay đổi. Nếu trước đây phần quyết định chỉ 0,5 điểm, phần cơ sở quyết định tính 1 điểm thì nay phải chia đều cho mỗi ý này là 0,75 điểm” - GS Bình đề xuất.

Còn thầy Đặng Quang Minh (giáo viên môn lịch sử Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cho rằng với câu 2, đáp án nêu kháng chiến và kiến quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng rốt cuộc chỉ toàn nêu nội dung kháng chiến mà thiếu hẳn phần đáp án về “kiến quốc”, về những thành tích trong nông nghiệp, công nghiệp, chính trị, văn hóa... “Như vậy, nếu thí sinh đề cập được phần nội dung “kiến quốc” thì phải tính điểm cho các em. Các ý trên của câu 2 có thể bớt điểm đi để dành điểm cho phần trả lời đó của các em mới đảm bảo được sự cân bằng giữa câu hỏi và đáp án cũng như sự triển khai ý trong đáp án đã nêu”.

Làm đúng mất điểm

Đặc biệt, nhiều giáo viên phổ thông còn tỏ ra bức xúc hơn với đáp án này. ThS Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ sử - địa Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho rằng đáp án vẫn còn một số điểm chưa ổn, mặc dù học sinh hiểu đúng đề, làm đúng kiến thức sách giáo khoa sẽ không có được điểm cao.

Theo cô Vy, câu 1 yêu cầu nêu tác động của cuộc khai thác thuộc địa nhưng đáp án lại có khá nhiều nội dung liên quan đến nội dung cuộc khai thác. Như vậy nếu thí sinh chỉ nêu tác động theo yêu cầu của đề sẽ bị mất điểm. Hay như câu 4b, phần thành tựu về kinh tế, công nghiệp của Ấn Độ khá chung chung, không có vấn đề cụ thể trong khi kiến thức sách giáo khoa nêu rõ kinh tế Ấn Độ đứng thứ 10 thế giới, sử dụng năng lượng nguyên tử sản xuất điện. ý cuối cùng của đáp án chỉ là một câu kết nhưng lại cho tới 0,5 điểm là quá cao.

Cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên lịch sử Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, cho rằng rất nhiều học sinh của trường bày tỏ hoang mang lo mất 1,5 điểm, dù làm đúng theo cách được truyền dạy kiến thức trong nhà trường vì hiểu đúng câu hỏi nhưng lại... không khớp với đáp án. “Với câu 1, chúng tôi dạy học sinh giới thiệu qua về cuộc khai thác, rồi tập trung vào tác động của cuộc khai thác theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Với một câu 2 điểm, học sinh luôn được nhắc “hỏi gì làm nấy, không dài dòng” thì nhiều em đã mất đi 1 điểm dù trả lời rất trúng với tinh thần câu hỏi. Ở câu 3, học sinh của tôi lại mất tiếp 0,5 điểm khi các em đều không nhắc đến thời điểm “cuối năm 1974 - đầu 1975 Đảng đặt ra vấn đề có thể giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 nếu thời cơ thuận lợi” là cơ sở của quyết định thực hiện giải phóng miền Nam” - cô Hương phân tích.

Như vậy, với học sinh nắm chắc tinh thần của lịch sử trong nhà trường, việc mất điểm nếu giám khảo cứ khuôn cứng vào đáp án là không tránh khỏi.

Đối với thí sinh, những điểm mà nhiều giáo viên cho rằng có độ vênh giữa đề thi và đáp án lại có tác động khác nhau. Bạn Nguyễn Thị Hải Anh (Phú Yên) dự thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) tâm tư: “Tôi cứ canh theo câu hỏi mà trả lời. Ở câu 1, khi làm bài tôi liên hệ, suy luận tất cả những tác động mà cuộc cải cách có thể mang lại. Thế nhưng, đáp án lại chỉ thấy nêu về nội dung”.

Trong khi đó, bạn Lý Hà Mỹ Linh (Lạng Sơn) - thí sinh thi vào Học viện Báo chí và tuyên truyền - cho hay: “Tôi rất may mắn vì sẽ không bị mất nhiều điểm như các bạn quá chuyên về sử. Tôi không quan tâm phân tích câu hỏi nhiều, chỉ làm theo bài học thuộc trong sách nên trình bày rất kỹ về cuộc khai thác, phần tác động chỉ nói chung chung là kinh tế bị tác động mạnh mẽ.

Theo đáp án, có lẽ tôi chỉ bị mất 0,5 điểm ở câu 1. Còn câu 3, tôi và nhiều bạn hoàn toàn không nói gì đến cơ sở quyết định nằm từ cuối 1974-đầu 1975 nên chỉ mất 0,5 điểm nữa”.

Từ thực tế này, chuyên gia lịch sử nhận định sự khập khiễng của đáp án khiến học sinh chuyên dễ mất điểm hơn học sinh đại trà là do câu hỏi có vẻ khuyến khích tư duy, nhưng đáp án lại theo hướng “nhặt” ý từ sách giáo khoa để tính điểm. Đây cũng là điều gây bất công cho thí sinh và cũng khó khuyến khích học sinh học theo kiểu tư duy sáng tạo.

"Vẫn biết việc ra đề thi và đáp án của kỳ thi ĐH là công việc chịu áp lực nặng nề. Hạn chế về đáp án đề thi có thể không tránh khỏi, song việc đáp án vênh quá lớn so với đề thi sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kết quả của các em. Mong sao trong quá trình thảo luận đáp án, các nhà sư phạm hãy vì tương lai các em có những kiến nghị sao cho phù hợp để các em không phải chịu thiệt thòi"

ThS sử học NGUYỄN VŨ (giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học Huế)


Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tuoitre)