Thuật ngữ cần hiểu trong việc xin hỗ trợ tài chính du học Mỹ 2016
Award Letter: thông báo chính thức về học bổng được trao cho sinh viên bởi một trường đại học, trong đó nêu rõ loại học bổng và số tiền được nhận.
Demonstrated Need: khoản chênh lệch giữa tổng chi phí giáo dục và số tiền mà gia đình sinh viên có thể chi trả.
Expected Family Contribution (EFC): số tiền mà sinh viên và gia đình có thể chi trả cho việc học tập. Số tiền này dựa vào đơn FAFSA và tính toán của chính phủ liên bang.
Financial Aid: từ này là khái niêm chung dùng để chỉ trợ cấp hoặc học bổng du học Mỹ cho sinh viên. Tuy nhiên, một số trường khi nói đến \'Financial Aid\', họ có ý nói đến tiền trợ cấp của nhà nước Mỹ dành cho sinh viên là người Mỹ hoặc định cư tại Mỹ. Còn một số trường khác dùng từ này để gọi cả trợ cấp nhà nước lẫn học bổng. Để chắc chắn hơn, các bạn nên dùng scholarship khi hỏi về học bổng và need-based aid khi hỏi về tiền trợ cấp.
Free Application for Federal Student Aid (FAFSA): đơn đăng ký mà mỗi sinh viên phải nộp để được trợ cấp liên bang. Để biết thêm thông tin và nộp đơn cho FAFSA, hãy truy cập trang web www.fafsa.ed.gov.
Grants: khoản tiền trợ cấp dựa trên nhu cầu, không cần phải trả lại và chủ yếu là được cấp bởi chính quyền tiểu bang và liên bang.
Danh sách thuật ngữ xin hỗ trợ tài chính du học Mỹ 2016
Institutional Aid (Campus-Based Aid): hỗ trợ tài chính được trao bởi trường đại học, thường dựa trên thành tích học tập hoặc nhu cầu của sinh viên.
International Student Financial Aid Application (ISFAA): thuật ngữ hỗ trợ tài chính du học Mỹ này hiểu giống như đơn FAFSA nhưng dùng cho sinh viên quốc tế. Các sinh viên phải nộp đơn này khi xin tài trợ từ nhà trường, đặc biệt là những trường có học bổng toàn phần hoặc trợ cấp ở mức cao.
Loans hoặc Student Loans: tiền cho sinh viên vay và phải được trả lại. Có nhiều lựa chọn khác nhau đối với các khoản vay, nhưng các khoản vay từ chính phủ liên bang như Stafford Loan và Perkins Loan là lựa chọn tốt nhất vì có lãi suất thấp và sinh viên không phải trả tiền cho đến khi họ tốt nghiệp. Các khoản cho vay cũng được cung cấp bởi các ngân hàng tư nhân và công đoàn tín dụng, nhưng tỷ lệ lãi suất thường cao hơn.
Merit Aid: hay còn gọi là scholarship. Đây hỗ trợ tài chính được cấp bởi một tổ chức hoặc nhà trường dựa trên thành tích và tài năng của sinh viên . Danh sách đầy đủ có thể xem tại www.meritaid.com.
Need-Based Aid: hỗ trợ tài chính du học Mỹ được cấp dựa trên khả năng chi trả học phí của sinh viên và gia đình.
Scholarships: tiền hỗ trợ học phí không cần trả lại (một loại merit aid). Tiền này được cấp cho sinh viên dựa trên các tiêu chí cụ thể như thành tích học tập, thành tích nghệ thuật và sáng tạo, hoạt động ngoại khóa, dân tộc .v.v Học bổng được trao tặng bởi các tổ chức khác nhau bao gồm nhà trường, các tổ chức tư nhân, các bang và nhà thờ.
Student Aid Report (SAR): bản báo cáo về số tiền mà gia đình sinh viên có thể chi trả cho việc học tập (EFC) và họ có đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính hay không. Sinh viên nhận được SAR sau khi đã nộp đơn FAFSA. Trường học của sinh viên cũng sẽ nhận được báo cáo này.
Work Study: hỗ trợ tài chính bằng cách làm việc, thường là trong khuôn viên của trường. Trong hầu hết các trường hợp, sinh viên phải nộp đơn FAFSA để được xem xét cho chương trình vừa học vừa làm.
Nếu bạn còn lúng túng cho việc lên kế hoạch học tập và làm việc của mình tại nước ngoài hãy đăng ký ngay khóa học Lập kế hoạch du học tại cổng đào tạo trực tuyến Academy.vn
5 hình thức hỗ trợ tài chính từ các trường Đại học bạn cần biết khi du học Mỹ
1.Học bổng Toàn phần :Đối với sinh viên quốc tế, để đạt được học bổng toàn phần du học Mỹ bao gồm tất cả các chi phí học phí (không bao gồm vé máy bay) là rất khó. Đó là bởi vì chỉ có khoảng 2.000 suất học bổng toàn phần mỗi năm và chỉ được cấp tại khoảng 100 trường đại học. Vì vậy, học bổng toàn phần có tính cạnh tranh rất cao. Để có cơ hội nhận được học bổng toàn phần, sinh viên phải nằm trong số những sinh viên hàng đầu tại đất nước mình, đạt điểm “A” hoặc có kết quả xuất sắc trong hầu hết các môn học, đạt điểm SAT và TOEFL cao (trên 2000 cho SAT và trên 100 cho TOEFL), và thể hiện khả năng vượt trội trong các lĩnh vực như lãnh đạo và hoạt động cộng đồng. Tóm lại, ứng viên phải là người nổi bật so với các sinh viên xuất sắc khác bởi vì có khoảng 20 sinh viên quốc tế hàng đầu cạnh tranh cho mỗi suất học bổng. Ngoài ra, nhiều trường trao học bổng toàn phần trong lĩnh vực thể thao cho các vận động viên năng khiếu; điều này cũng nên được các sinh viên lưu tâm.
2. Học bổng không toàn phần: Học bổng không toàn phần phổ biến hơn và được nhiều trường đại học cấp. Học bổng có thể dao động từ $5000 đến $25000, số tiền này có thể giúp sinh viên nhiều trường trang trải một nửa chi phí học hàng năm. Vì những học bổng này dựa trên thành tích của sinh viên, việc xét tuyển phải dựa vào điểm thi, điểm phổ thông và hồ sơ xin học. Học bổng được trao tại thời điểm nhập học và sinh viên sẽ tiếp tục nhận được trong các năm học kế tiếp nếu duy trì được điểm số theo yêu cầu.
3. Trợ cấp Tài chính: Một hình thức hỗ trợ khác là trợ cấp tài chính. Cần lưu ý rằng, không giống như phần lớn các trường đại học đại cương, các trường đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, y tế, kiến trúc… hiếm khi trợ cấp tài chính cho sinh viên. Trên thực tế, chỉ những trường đại học giàu có mới đủ khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu được trợ cấp tài chính của sinh viên, mà số lượng những trường này lại rất ít và đầu vào có tính cạnh tranh cao. Trong bất kỳ trường hợp nào, khoản trợ cấp tài chính mà sinh viên nhận được tương đương với số chênh lệch giữa học phí và khả năng chi trả của gia đình sinh viên. Để được nhận trợ cấp tài chính, sinh viên và gia đình của họ phải chứng minh một cách cụ thể thu nhập và tài sản thông qua các sao kê tài khoản ngân hàng, chứng nhận việc làm v.v.
Xin lưu ý rằng mọi hình thức hỗ trợ tài chính thường chỉ được cấp vào đầu năm học, rất hiếm khi vào giữa năm. Mức hỗ trợ dành cho sinh viên nhập học từ năm thứ nhất cao hơn so với sinh viên chuyển tiếp từ trường khác (transfer) và được ưu tiên dành cho những sinh viên thể hiện tốt bản thân trong môi trường học.
4.Vay ngân hàng: Vay tiền cũng là một phương án, nhưng sinh viên quốc tế cần phải có chữ ký và bảo đảm từ một công dân Mỹ cho khoản vay. Thêm vào đó, trong hầu hết các trường hợp, sinh viên bắt buộc phải được nhận vào trường trước khi nộp đơn xin vay. Với những sinh viên đang cân nhắc đến việc vay tiền, điều đầu tiên cần nghĩ tới là làm thế nào để trả lại khoản vay và kiểm tra cẩn thận điều kiện đi kèm với khoản vay đó, bởi vì những điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch học tiếp và việc trở nước.
5. Làm thêm : Làm thêm cũng là một lựa chọn, mặc dù việc này nhiều hạn chế đối với sinh viên quốc tế. Sinh viên mang visa F-1 và J-1 được phép làm việc tối đa 20 giờ mỗi tuần trong khuôn viên trường trong năm học và làm toàn thời gian vào kỳ nghỉ. Với mức lương khoảng $6.5-$15/giờ, sinh viên có thể kiếm được một khoản tiền đủ để chi trả cho một số chi phí cá nhân như quần áo, sách vở… Tuy nhiên, số tiền này không đủ để trả học phí và phí sinh hoạt.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, visa du hoc my việc làm thêm khi chọn du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.