Đánh giá về đề thi tốt nghiệp môn Địa Lý năm 2015

Nhận định của giáo viên về đề thi tốt nghiệp môn Địa Lý năm 2015

  • Cô Phùng Thanh Thảo, tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Anhxtanh Hà Nội: Đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng

Đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để  xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Đề có cấu trúc như đề thi minh họa, nhưng sắp xếp lại rõ ràng mạch lạc hơn. Nhìn chung, đề thi dễ và giảm được việc học thuộc lòng của thí sinh.

Đi vào các câu cụ thể, câu 1, kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK, câu hỏi dễ, không cần phải tư duy để trả lời. Xem đáp án Địa Lý 2015 tại đây.

Câu 2: Câu trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat, các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc bản đồ đã có thể trả lời rất dễ dàng và đây là câu “ăn điểm” tuyệt đối cho các em.

Câu 3, ý a: Đề thi yêu cầu rất rõ rang là vẽ biểu đồ kết hợp (giữa cột chồng và đường) nên học sinh sẽ đạt điểm tuyệt đối ở câu này nếu các em vẽ đúng, rõ ràng  và khoa học.

Ý b: Nhận xét và giải thích tình hình phát triển của ngành trồng cây công nghiệp dựa vào biểu đồ kết hợp kiến thức đã học trong chương trình Địa lý 12. Với những em có kĩ năng thực hành tốt thì đây là việc đơn giản.

Câu 4: Câu này đòi hỏi thí sinh cần có tư duy, logic, kết hợp cả kiến thức có trong SGK và kiến thức thực tế để trả lời. Đây là câu hỏi hay, đánh giá được năng lực của học sinh.

Ý b câu hỏi ra nội dung về biển đảo. Đây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm. Bên cạnh đó bảo vệ biển đảo đã được ra trong đề thi môn văn học nên đây là nội dung không gây bất ngờ cho các em và dễ dàng cho các em “ăn điểm”.

Nhìn chung, kiến thức đề thi bao quát các nội dung trong chương trình SGK.  Đề thi vừa sức với trình độ của học sinh, nội dung các câu hỏi không khó và nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%.

  • Tiến sĩ Phạm Ngọc Trụ - Giảng viên Học viện chính sách và phát triển: Đề thi gắn với nhiều vấn đề thực tiễn của đất nước

Đề thi khá hay, đã gắn với nhiều vấn đề kinh tế chính trị xã hội của đất nước như: Đường biên giới với Trung Quốc, vấn đề biển đảo. Đồng thời, đề có khả năng phân loại học sinh cao. Các học sinh trung bình có thể đạt được khoảng 4 - 6 điểm từ các câu hỏi sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ, đặc điểm nguồn lao động...

Trong khi đó, các học sinh khá và giỏi có thể đạt điểm cao từ các câu hỏi đòi hỏi suy luận như giải thích câu 3 và câu 4.

Về các câu hỏi cụ thể: Câu 1 vừa sức với học sinh; câu 2 tương đối dễ, thích hợp với học sinh thi tốt nghiệp; câu 3 phần vẽ biểu đồ, tuy học sinh đã được luyện nhưng vẫn có thể mắc sai sót như khoảng cách năm, chia tỷ lệ;

Câu 4, ý thứ nhất tương đối vừa sức với học sinh vì có thể sử dụng cả kiến thức đã học và Atlat Địa lý để làm bài. Đây cũng là ý mang tính phân loại học sinh.

Ý thứ 2 là gắn với vấn đề chủ quyền biển đảo học sinh có thể có nhiều tư liệu để viết về nội dung này.

  • Cô Lại Thanh Huyền - Giáo viên Địa lý trường THPT Trần Văn Quan (Vũng Tàu): Sẽ có nhiều điểm thi khá

Đề thi môn Địa lý năm nay cơ bản vừa sức với học sinh, có sự phân hóa khá tốt, những vấn đề đặt ra khá thiết thực, gần gũi và có ý nghĩa đối với cuộc sống.

Cấu trúc đề thi phù hợp với tâm thế học sinh vì cấu trúc này đã được đưa ra trước đây mấy tháng trong đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Về độ khó: Các câu hỏi trong đề phân bố đều từ dễ đến khó. Câu 2 ý 1 và câu 4 ý  có sự liên hệ mở rộng khá hay.  Đề thi đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ (xác định các tỉnh có đường biên giới chung với Trung Quốc), vấn đề biển đảo vừa mang tính thời sự vừa mang tính giáo dục cao. Giúp các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ lãnh thổ cả đất liền lẫn đảo xa.

Những học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT cũng ít nhất làm được 5 điểm.

Câu 4 sẽ nhận ra được học sinh có năng lực thực sự ở mức cao nhất. Vì câu này để làm kín kẽ, học sinh phải nắm chắc kiến thức và liên hệ thực tế. Điều này, sẽ chỉ có học sinh giỏi trở lên mới làm được. Điểm môn thi Địa lý năm nay sẽ rất nhiều điểm 8,9.

  • Cô Đinh Thị Hoài Thu – Giáo viên Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội):  Đề thi được phân bố đều kiến thức lớp 12

Đề địa năm nay không khó và rất dễ “ăn” điểm. Ngay như câu II, chỉ cần chăm chú lắng nghe thầy, cô giảng bài thì các em hoàn toàn đạt được điểm tuyệt đối.

Đặc biệt, tôi khá là thích thú với cấu trúc đề thi năm nay. Kiến thức được phân bố đều từ đầu đến cuối chương trình sách giáo khoa lớp 12. Điều này khắc phục được tình trạng học sinh học tủ, học lệch.

Đề thi cũng tích hợp với kiến thức xã hội, điều này được thể hiện rõ nhất ở  Câu II và câu IV. Cụ thể thí sinh phải tìm được mối liên hệ giữa kiến thức địa lý với những vấn đề trong thực tiễn hiện nay. Điều này cũng đòi thí sinh phải tư duy và có những kỹ năng vận dụng kỹ thức nhất định và bài làm của mình.

Tuy nhiên, tôi hơi tiếc vì đề thi năm nay chưa có sự phân hóa cao. Tôi muốn có những câu hỏi khó khăn để thí sinh phát huy được năng lực cũng như là khả năng tổng kiến thức từ nhiều môn học khác nhau và kiến thức về xã hội.

Nhìn chung, đề thi năm nay đại đa số thí sinh sẽ đạt được từ 5 đến 7 điểm.

  • Thầy Sải Văn Trung – Giáo viên trường THPT Số II Bắc Hà (Lào Cai): Đề thi phù hợp với học sinh trên mọi miền

Đề thi năm nay khá hay, nội dung kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12. Đề cũng có sự phân hóa rõ ràng từ dễ đến khó nhưng chưa ở mức cao.

Đặc biệt, với đề thi này phù hợp với kiến thức của tất cả các học sinh trên mọi vùng miền và học sinh ở vùng dân tộc có học lực trung bình cũng có thể đạt được ít nhất là 5 điểm.

Một điểm đáng ghi nhận nữa là, đề thi cũng tích hợp cả những kiến thức xã hội. Chẳng hạn ở câu IV - câu dành cho những thí sinh có học lực khá, giỏi. Với câu hỏi này để đạt được số điểm tuyệt đối, đòi hỏi các em phải tư duy, có một kiến thức phổ rộng ngay trong lĩnh vực địa lý nói riêng và kiến thức xã hội nói chung.

Song có kiến thức rồi cũng cần phải có kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tế bài làm của mình. Vì thế tôi cho rằng, đây là một điểm mới và khá hấp dẫn của đề thi môn Địa lý năm nay.

  • Thầy Nguyễn Đăng Lợi - Giáo viên Địa lý Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú, TPHCM): Tính phân loại của đề thi rất cao

Đề thi tương tự như cấu trúc trong đề minh họa về môn Địa lý của Bộ GD&ĐT. Đề nằác em trong chương trình ôn tập của cm học sinh.

Về nội dung đề thi gần như là toàn bộ chương trình SGK lớp 12: Địa lý tự nhiên Việt Nam, địa lý dân cư, Địa lí kinh tế ngành, kinh tế vùng.

Về cấu trúc đề, đề thi đảm bảo hai phần, phần về kĩ năng và kiến thức của HS.

Về kỹ năng đó là những câu hỏi về cách sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ.

Về mức độ kiến thức: Đề có những câu hỏi có tỷ lệ lớn về  nhận biết, ví dụ như về sông ngòi Việt Nam, về nguồn nhân lực Việt Nam. Câu thứ 2 cũng rất đơn giản, dựa vào Atlat các em có thể làm tốt và dễ dàng ghi điểm.

Về phần vẽ biểu đồ, tôi thấy đề không đánh đố các em, vì đề ra đã chỉ rõ cho các em là vẽ biểu đồ kết hợp giữa cột chồng và đường. Nếu những em không biết thì cũng có thể tham khảo Atlat để vẽ.  Như vậy khi làm đến đây với những em ở mức trung bình cũng có thể đạt điểm 5-6.

Ở mức độ cao hơn đó là thông hiểu, bắt đầu từ câu thứ 3 và 4. Ở câu 3, các em phải hiểu được thế mạnh về đặc điểm tự nhiên để phát triển công nghiệp khai thác than và dầu khí ở nước ta. Hiểu được đặc điểm tự nhiên của vùng để giải thích đựợc  sao lại có những nhà máy thủy điện có công suất hàng đầu ở khu vực miền núi và trung du Bắc bộ.

Ở câu 4 cũng tương tự, vế thứ hai là câu hỏi vận dụng - giải thích tại sao việc khai thác tài nguyên biển đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Từ việc các em nắm được đặc điểm tự nhiên của nước ta để từ đó giải thích, chứng minh được vấn đề. Ngoài ra, các em cũng cần vận dụng sự hiểu biết của các em, quan điểm của các em để liên hệ  đến đề bảo vệ đất nước.

Theo tôi, đề ra cũng không quá khó, các em trung bình có thể đạt trên điểm 5, với những em khá, giỏi có thể dễ dàng lấy điểm 7, 8. Và tôi nghĩ sẽ có học sinh đạt điểm 9.

  • Cô Đỗ Thị Bảy – Giáo viên Địa lý Trường THPT Phan Đình Phùng (HN): Cấu trúc đề thi rõ ràng theo hướng: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao

Đề thi Địa lý năm nay rất rõ ràng, chính xác, khoa học, bám sát chương trình và ngắn gọn. Đặc biệt là sự phân hóa học sinh rất rõ nét.

Mức độ khó, dễ của đề rất rõ để đánh giá thí sinh. Cấu trúc đề gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Trong đó, 60% đề là nhận biết và thông hiểu nên những học sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt điểm 5, 6.

Hơn nữa, ở câu II (2 điểm), thí sinh được sử dụng Atlat, không khó để xác định các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở câu IV, không phải học sinh nào cũng có đạt điểm tuyệt đối ở câu này.  Thí sinh cần vận dụng những kiến thức thực tế để ghi điểm.

Phần vẽ biểu đồ là phần dễ cho thí sinh vì câu hỏi rất rõ ràng, không cần phải đoán xem là vẽ biểu đồ gì cho phù hợp.

Điểm mới nhất của đề thi Địa lý năm nay là cấu trúc và nội dung vừa sức cho từng đối tượng học sinh, có thể dễ dàng chọn ra được những học sinh chỉ xét tốt nghiệp, vừa chọn được thí sinh vào Đại học.

Đề thi dễ, không quá khó, tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp cao nhưng điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.

  • Thầy Lê Đình Diệp – Giáo viên Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi): Đề thi có tính giáo dục cao

Đề thi Địa lý năm nay nằm trong chương tình lớp 12, đáp ứng được chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD&ĐT đã đề ra, đồng thời đáp ứng được 2 mục tiêu: Xét tốt nghiệp và phân hóa để xét tuyển vào đại học.

Trong đề, mức độ nhận biết nằm ở câu 1 và câu 2, hai câu này, thí sinh có thể lấy điểm khá dễ dàng. Các câu yêu cầu hiểu và vận dụng là 4 và 5, đây cũng là câu phân loại để chọn thí sinh vào đại học, cao đẳng. Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt từ 5 đến 6 điểm.

Đề thi Địa lý năm nay gắn liền với chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Ví dụ, có vấn đề rất hay được nêu ra trong đề là xác định các tỉnh có đường biên giới chung với Trung Quốc. Nội dung này có tính giáo dục, tác động đến ý thức về lãnh thổ của Tổ quốc, cả đất liền và trên biển với học sinh.

Không chỉ khẳng định lãnh thổ đất nước, đề thi còn nêu được sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cho thấy tiềm năng to lớn của đất nước ta trong thời kỳ hội nhập. Do đó, đề có tính chất giáo dục cao.

Về nội dung kiến thức của đề không phải mới lạ, tương tự như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố, nhưng có mức độ nhận thức cao hơn. Đề không khó nhưng lại yêu cầu cao. Nếu học sinh nắm chắc quy trình làm bài, quy trình phân tích một vấn đề sẽ làm bài tốt. Còn hiểu không đầy đủ, mức độ phân tích sẽ không cao.

  • Cô Nguyễn Kim Hoa - Giáo viên Địa lý trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình): Học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm

Khi đọc đề thi môn Địa lý năm nay, tôi cảm thấy an tâm hơn cho học trò của mình đăng ký thi đại học khối C bởi đề thi này giống với đề thi minh họa mà Bộ đã cho và các em đã có dịp ôn luyện trước đó. Học sinh thi tốt nghiệp có thể đạt 5 điểm.

Đề thi năm nay vừa sức với thí sinh với khoảng 50% câu hỏi ở mức độ trung bình. Nhưng để đạt điểm 10 phải là những em có năng lực thực sự.

Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực người học. Đặc biệt ý 2 câu 4 yêu cầu “chứng minh việc khai thác tài nguyên trên biển có ý nghĩa với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo” là câu gắn liền với tình hình xã hội hiện nay đòi hỏi học sinh phải biết liên hệ thực tế, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Như vậy đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.

  • Cô Lê Thị Mỹ Tín, giáo viên dạy Địa Lý, trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng đề thi bám sát đề minh họa của Bộ vừa rồi và chương trình sách giáo khoa. Dễ đạt 5,6 điểm

Đề không hay, dù có nói về vấn đề kinh tế biển đảo nhưng đã quá quen thuộc với các em. các em đã được làm quen từ nhiều năm nay và trong quá trình ôn tập.

Tuy nhiên, đề có 4 cậu nhưng câu nào cũng có ý dễ, ý khó, đòi hỏi TS phải nắm kiến thức và tư duy nhiều hơn mới ghi được điểm cao. Mỗi câu đều có tính phân hóa năng lực HS, các em vừa có thể trình bày kiến thức một cách cơ bản nhưng dể đạt điểm trọn vẹn thì khó, đòi hỏi HS phải suy nghĩ nhiều hơn, vận dụng các bài học nhiều hơn.
Ví dụ câu 1, tưởng rằng dễ nhưng khó đạt điểm trọn vẹn. HS nếu không chịu khó thì không để ý đến bài sông ngòi trong sách hoặc chỉ nêu cơ bản. HS thông minh sẽ tận dụng atlat để làm chi tiết và hay hơn.
Hoặc với câu biểu đồ, trông dễ nhưng hơi lắt léo nếu HS không tập trung nghe giảng và làm quen nhiều dạng biểu đồ. Thông thường HS chỉ biết vẽ biểu đồ cột là chủ yếu nhưng ở câu này đòi hỏi HS phải linh hoạt, kết hợp giữa biểu đồ cột và đường thẳng.
Nhìn chung, HS đạt điểm 5, 6 thì dễ nhưng điểm cao từ 9 điểm là khó, nhất là với HS học khối GDTX và trường ngoài công lập sẽ khó có điểm cao.

  • Thầy Đoàn Nhật Quang, giáo viên Địa Lý của trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho rằng, đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, chủ yếu là lớp 12.  Không muốn điểm liệt, làm xong câu 2 là có điểm!

Nội dung đề giống với đề minh họa mà Bộ đưa ra với cấu trúc là 4 câu, phân bổ đều bốn nội dung của chương trình gồm: tự nhiên, dân cư, địa lý ngành và địa lý vùng.

Đề thi chỉ bám sát kiến thức sách giáo khoa, HS không cần học thuộc lòng nhiều cũng có thể làm được. Đề chưa có sự đổi mới mang tính đột phá, chỉ ra theo khuôn mẫu và an toàn, không gắn với thực tế.

Với kỳ thi quốc gia mà ra đề như thế này thì chưa tương xứng lắm vì hết 70-80% là cơ bản rồi, trong đó có những nội dung HS đã ôn rất kỹ và chắc. Tính phân loại của đề này chưa cao, nội dung các câu hỏi cơ bản và rời rạc quá, chưa kích thích tư duy và giáo dục ý thức cho các em. Ngay cả có chủ đề biển đảo cũng vậy, nhiều người có thể cho là hay nhưng nó đã quá quen thuộc với các em.Nếu đề địa lý mà không cho câu hỏi chủ đề này thì không phù hợp lắm.

Vì vậy, người ra đề nên chọn thông tin thời sự nào thực tế hơn để làm điểm nhấn cho đề, đơn cử như về chủ đề bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Vì những năm gần đây chủ đề này chưa hề có trong khi vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang là vấn đề “nóng” và diễn ra mạnh mẽ.

Với đề này, điểm của các em sẽ khá cao, 7-8 điểm sẽ rất nhiều vì các em đã nắm trong tay 5 điểm rồi.
Tuy nhiên, phân bố điểm ở các câu chưa hợp lý lắm, có những câu quá dễ lại điểm cao nhưng có câu quá khó lại điểm rất ít. Ví dụ như câu 2 là câu cực kỳ dễ vì đề đã ... chỉ luôn số trang atlat để thí sinh mở ra làm (!), chỉ cần liệt kê thôi là có điểm rồi nhưng câu này đến tận 2 điểm. Câu này coi như cho không thí sinh 2 điểm.
trong khi câu 1 có hai phần là trình bày về sông ngòi và nguồn lao động sẽ có rất nhiều ý phải làm nhưng cũng chỉ có hai điểm. Câu này bám sát nội dung kiến thức từ sách. Nếu HS không học bài cũng có thể nói được vài ý theo hiểu biết của các em ngoài xã hội, kết hợp với kiến thức các em đã học. HS nào biết vận dụng attalt thì nêu chi tiết và rõ hơn. Tuy nhiên, câu hỏi này đơn giản nhưng chưa “nóng” lắm. Nếu đề lồng thêm câu hỏi về thiên tai, môi trường hoặc nắng nóng để HS tìm hiểu, tư duy làm bài thì sẽ hay hơn.

Dự đoán của các thầy cô rằng đề năm nay sẽ ra về vấn đề môi trường, khí hậu nắng nóng hoặc thiên tai để giáo dục ý thức cho HS, gợi mở trách nhiệm của các em về bảo vệ môi trường nhưng đề lại ra đơn điệu khiến thầy cô thất vọng quá.

Đề ra nêu đặc điểm sông ngòi thì quá cũ rồi, nó đơn thuần và không hay lắm. Còn đặc điểm về nguồn lao động thì đã có trong nội dung bài học.

Ở câu ba về vẽ biểu đồ, những năm trước, đề ra không cho tên biểu đồ để HS vẽ nhưng năm nay đề đã ghi tên biểu đồ rất rõ là “vẽ biểu đồ kết hợp giữa cột chồng và đường” nên rất dễ dàng với HS. Đây là dạng biểu đồ khó, nếu không cho tên dễ khiến HS lúng túng nhưng các em đã được ôn tập đầy đủ nên không có gì khó cả. các em chỉ cần chú ý, kỹ càng trong việc ghi các chi tiết trên biểu đồ để không bị trừ điểm đáng tiếc.

Trong câu biểu đồ này có một một ý để phân loại HS đó là ở ý hai, HS không chỉ nhận xét biểu đồ mà còn thêm phần giải thích tình hình phát triển cây công nghiệp, đòi hỏi HS vừa phải có kiến thức sách vở vừa có kiến thức từ thực tế thì mới giải thích được rằng tại sao tăng hay giảm.

Với câu số 4 chỉ có 3 điểm nhưng số lượng câu hỏi nhiều. Đây là câu phân loại khá cao, đặc biệt là ở phần một về khai thác than và dầu khí, đòi hỏi HS phải hiểu biết và tư duy mới trả lời trọn vẹn được. Ở phần hai là về kinh tế biển đảo, cũng là câu về tư duy nhưng câu này nằm trong chủ đề dự đoán của giáo viên cũng như HS nên HS đã được ôn tập kỹ nên các em làm khá dễ. Kể cả ý hỏi giải thích tại sao thì các em cũng đã chuẩn bị kỹ rồi, chỉ cần các em nêu được quan điểm đi theo chủ đề, chắt lọc kiến thức, không lan man là được.

Tóm lại. với đề này coi như đã cho không các em 5 điểm, kể cả HS trung bình, yếu, không cần học bài cũng có thể làm được 5-6 điểm. Câu hai là dễ nhất vì HS chỉ cần liệt kê ra thôi, nhiều HS nhắm mắt, muốn tránh điểm liệt thì vào phòng thi đặt bút làm câu 2 thôi là ra về rồi

Theo Giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/mon-thi-dia-ly-nam-nay-se-nhieu-diem-7-8-1082658-v.html