Đại Học Thủy Lợi ( Cơ sở 1 )

TLU
(Thuyloi University)
Thành lập năm: 1959
Tỉnh thành:Hà Nội
Địa chỉ:175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

Giới thiệu

Trường Đại học Thủy lợi (tiếng Anh: Thuyloi University) là một trong những trường đại học đứng đầu về tạo nhóm ngành kỹ thuật tài nguyên nước, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Thuỷ lợi - Thuỷ điện và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Giai đoạn 1959-1964 - Lịch sử phát triển Trường Đại học Thủy Lợi

Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước nói chung và ngành Thủy lợi nói riêng, tháng 1 năm 1959, Bộ Thủy Lợi trình thường vụ Hội đồng chính phủ qui hoạch xây dựng Học viện thủy lợi. Tháng 6/1959, Bộ chính trị và Ban bí thư Trung ương Đảng phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, qui mô Học viện Thủy Lợi. Năm 1959 Chính phủ ra quyết định thành lập Học viện Thủy Lợi với ba nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học thủy lợi; đào tạo đại học; đào tạo trung cấp kỹ thuật, bắt đầu một thời kỳ mới của Nhà trường, công tác đào tạo được tiến hành khẩn trương.

Năm 1959, lớp chuyên tu đại học khóa 1 được khai giảng, khóa 1 hệ tập trung đại học chính quy được chiêu sinh tại Đại học Bách khoa.

Cuối năm 1960 Trường tiến hành đào tạo tại cơ sở chính thức hiện nay.

Năm 1961 ngay sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đào tạo hệ đại học tại chức, mặc dù mới thành lập Nhà trường vẫn quyết tâm mở 2 khóa đại học tại chức. Từ khóa 1 đến khóa 4 chương trình đào tạo chủ yếu theo chương trình đào tạo của Trung Quốc và Liên Xô (cũ) với thời gian đào tạo là 4 năm.

Bước vào năm học 1961-1962, Nhà trường có thêm Trung cấp Điện, và cũng từ thời gian này Nhà trường có tên gọi “Học viện Thủy Lợi và điện lực”.

Đầu năm 1963, do nhu cầu nghiên cứu khoa học, Bộ Thủy Lợi có quyết định số 296 TL/QĐ ngày 9/5/1963 tách Học viện Thủy Lợi điện lực thành hai đơn vị: Trường Đại học và trung cấp Thuỷ Lợi; Viện nghiên cứu khoa học Thủy Lợi.

 Năm 1963, Trung cấp điện chuyển về Bộ Công nghiệp.

Năm 1964 Bộ Thủy Lợi đã ra quyết định số 351/TL/QĐ ngày 28/4/1964 tách Trường Đại học và Trung cấp Thủy Lợi thành hai đơn vị Đại học Thủy Lợi và Trung cấp Thủy Lợi.

Tháng 6 năm 1961, lớp Đại học chuyên tu khóa 1 bảo vệ thiết kế tốt nghiệp với các đề  tài về công trình thủy lợi Việt Nam. Tháng 7 năm 1963, lớp đại học khóa1 hệ tập trung bảo vệ thiết kế tốt nghiệp- đây là lớp kỹ sư đầu tiên của Nhà trường, và từ đây tiếp nối những lớp kỹ sư được đào tạo dưới mái trường Đại học Thủy Lợi được đào tạo và đến với mọi miền Tổ quốc.

Thời kỳ đầu phát triển, nhiệm vụ chủ yếu của Nhà trường là xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất cho giảng dạy. Qui mô tuyển sinh tăng dần năm 1959 từ 40 sinh viên chuyên tu đại học đến năm 1964 Trường đã tuyển 300 sinh viên khóa 6 đại học. Chuyên ngành đào tạo đã mở rộng, từ hai ngành thủy nông, thủy công (công trình tổng hợp) tăng lên ba ngành thủy công, thủy nông, thủy văn. Đội ngũ giáo viên thời kỳ đầu có 20 người trong đó có 10 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa; 7 giáo viên học tại Trung Quốc trở về và 3 giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đến năm 1964 đã có khoảng 70 cán bộ giảng dạy được phân bổ trong 13 bộ môn. Mỗi bộ môn phụ trách nhiều môn học. Hầu hết các bộ môn có nề nếp quản lý tốt, đã có phong trào thi đua giảng dạy tốt, bước đầu đã có những đề tài nghiên cứu có giá trị thiết thực phục vụ giảng dạy và phục vụ sản xuất.

Năm 1961, Nhà trường được phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đến năm 1965, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, cơ sở của Trường Đại học Thủy Lợi đã ra đời gồm khu làm việc, giảng đường, ký túc xá , phòng thí nghiệm trên nền đất hiện nay của Nhà trường tại 175 Tây Sơn – Hà Nội. Từ một bộ phận của Học viện Thủy Lợi tách ra mang dáng vóc một Trường Đại học chuyên ngành đầu tiên của nước ta . Tuy kinh nghiệm còn non trẻ, nhưng có động lực mạnh mẽ là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc sâu sắc đã tạo nên lòng nhiệt tình, yêu ngành, yêu nghề, có ý chí vươn lên mạnh mẽ của một tập thể cán bộ, giáo viên, mở ra một thời kỳ mới của Nhà trường...

Thời kỳ phát triển đặc biệt khó khăn của Nhà trường trong điều kiện cả nước có chiến tranh.

Giai đoạn 1965-1975 - Lịch sử phát triển Trường Đại học Thủy Lợi.

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, tiếp tục đưa quân tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam với mức độ ngày càng ác liệt, cả nước bước vào chiến tranh với lời thề “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chỉ thị 88 TTg của Thủ tướng chính phủ về chuyển hướng công tác giáo dục từ điều kiện thời bình sang thời chiến, từ tập trung đào tạo ở Hà Nội và các thành phố lớn sang sơ tán về các địa phương. Tháng 6/1965, Trường Đại học Thủy Lợi tổ chức một cuộc di chuyển lớn mang tính lịch sử lên vùng núi huyện Lục Nam – Hà Bắc. Thầy trò và cán bộ công nhân viên đã vận chuyển toàn bộ phương tiện, thiết bị, tài liệu và thư viện, bàn ghế máy móc thí nghiệm lên nơi sơ tán, tự làm lấy nhà ở, giảng đường, phòng thí nghiệm, chỗ làm việc ở rải rác trong rừng sâu từ Mương Làng, Đồng Man, Ba Gò, Suối Mỡ, Đá Vách, Dùm, Bắc Máng, Bãi Viện, Ao Sen trải dài dài hàng chục km. Tại những nơi sinh viên sơ tán được sự đùm bọc của nhân dân, toàn thể cán bộ, giáo viên, sinh viên đã nhanh chóng ổn định học tập. Trong điều kiện thiếu thốn đó, tình bạn bè, tình thầy trò gần gũi, thấm đượm tình người với phong trào “ba cùng”. Công việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu không lúc nào gián đoạn. Những năm tháng kháng chiến với bao vất vả, gian lao nhưng tràn đầy lạc quan với những buổi học trong tiếng súng, tiếng gầm rú của máy bay, với những đợt thực tập qua những con đường khói bom của giặc, với những đêm luyện tập hành quân “ba sẵn sàng”. Chính từ nơi sơ tán, Nhà trường đã làm lễ tốt nghiệp Đại học cho các khóa 5, 6, 7 với gần 1000 sinh viên tỏa đi khắp mọi miền, mọi chiến trường của Tổ quốc.

Năm 1969, 1970 các khóa trở về Hà Nội, ổn định học tập được một thời gian ngắn, năm 1972 Đế quốc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, Trường Đại học Thủy Lợi lại một lần nữa sơ tán về vùng Hiệp Hòa, Việt Yên, Hà Bắc lần thứ hai.       

Mười năm đó quả là mười năm khó khăn, song lại là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Nhà trường, đó là:

-          Sự phát triển qui mô Nhà trường về công tác đào tạ

Bắt đầu từ năm 1965 số lượng sinh viên được tuyển tăng tới mức 300 – 400 mỗi khóa. Ngoài 3 ngành đã mở, năm 1965 mở thêm ngành Thủy điện, năm 1966 mở ngành Cơ khí thủy lợi, năm 1967 mở thêm ngành thi công. Hình thức đào tạo tại chức được mở rộng mỗi khóa khoảng 100 học viên. Năm 1968, lớp sau Đại học đầu tiên về chuyên đề kết cấu được mở với quy mô khoảng 60 học viên. Các khoa được thành lập, đội ngũ cán bộ, giáo viên liên tục được bổ sung đạt tới số lượng 200 giảng viên, trong đó có 30 TS, PTS. Các cán bộ, giáo viên có năng lực được cử đi đào tạo ở Liên Xô và các nước XHCN trở về được giao trách nhiệm lãnh đạo các bộ môn, các phòng chức năng. Các bộ môn được hoàn thiện lại tổ chức các bộ môn phụ trách nhiều môn học được tách ra một cách hợp lý.

            - Sự phát triển về chiều sâu, về chất lượng công tác đào tạo, NCKH phục vụ sản xuất và chiến đấu:

Hàng loạt giáo trình được xuất bản, nội dung giảng dạy được ổn định, sinh viên sau hơn ba năm học tập tỏa về các địa phương, vừa học kỹ thuật chuyên ngành vừa lập quy hoạch, thiết kế thi công các công trình, theo tinh thần Nghị quyết 142 của Bộ chính trị và chỉ thị 222 TTg của Thủ tướng chính phủ. Công tác NCKH dần đi vào nề nếp, phòng NCKH được thành lập và đã tổ chức được ba Hội nghị khoa học. Tháng 10/1966, Hội nghị tổng kết khoa học lần thứ nhất của Nhà Trường có 46 báo cáo từ thực tế, các vấn đề khoa học gắn với sản xuất chiến đấu để phục vụ sản xuất, chiến đấu và đào tạo, và hội nghị này thường xuyên được tổ chức 2 năm một lần.

Song song với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất trong không khí sôi động, hào hùng của đất nước, Nhà trường đã góp phần trực tiếp vào cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Gần 500 cán bộ, giáo viên, sinh viên thực hiện phong trào “ba sẵn sàng”, gác bút nghiên lên đường nhập ngũ với quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ. Nhiều chiến sỹ Trường Đại học Thủy Lợi lập công xuất sắc, trở thành chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ, và nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng như anh hùng Trần Văn Xuân, lớp 8Đ. Nhiều người đã hy sinh để lại một phần xương máu nơi chiến trường vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng kết thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cán bộ, giáo viên và sinh viên Nhà trường đã được Nhà nước trao tặng 200 Huân chương các hạng, 181 huy chương hạng nhất, hạng nhì.

Phong trào thi đua yêu nước, dạy tốt, phong trào học tốt được phát động từ năm 1971, hàng năm có trên 10 cán bộ giảng dạy đạt được danh hiệu cao quý. Từ một tổ lao động xã hội chủ nghĩa và 2 chiến sỹ thi đua năm 1967 đến năm 1975 đã có 7 tổ lao động XHCN và 11 chiến sỹ thi đua.

Giai đoạn 1976-1985 - Lịch sử Phát triển trường Đại học Thủy Lợi

Đây là thời phát triển khoa học kỹ thuật với quy mô cả nước là một bước ngoặt quan trọng đối với trường Đại học Thủy Lợi. Thời kỳ bắt đầu thực hiện những cải cách trong đào tạo của ngành Đại học.

Nhiều Nghị quyết đúng đắn và sáng tạo của Nhà trường trong việc cụ thể hóa nghị quyết 14/NQ-TW về cải cách giáo dục và Nghị quyết 37/NQ-TW về chính sách khoa học kỹ thuật đã từng bước khẳng định vai trò của Nhà trường không chỉ ở vị trí hàng đầu trong sự nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật Thủy Lợi trong phạm vi cả nước mà cả trong lĩnh vực mũi nhọn NCKH, PVSX.

Những năm đầu của thập kỳ 80, Trường đã có một bước chuyển hướng đúng đắn trong đào tạo. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ công tác thủy lợi với ý nghĩa là một lĩnh vực kỹ thuật “tài nguyên nước” có nhiệm vụ điều tra, đánh giá, qui hoạch, tổ chức khai thác sử dụng tổng hợp, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, nhằm đáp ứng yêu cầu dùng nước của ngành kinh tế, quốc phòng, dân sinh một cách hợp lý trong qui hoạch, kế hoạch thống nhất, đồng thời góp phần cải tạo làm tốt đất bảo vệ môi trường, môi sinh. Trường đã sắp xếp tổ chức lại ngành nghề đào tạo theo diện rộng , chuyên môn hóa hợp lý, hình thành nhóm ngành về Kỹ thuật Tài nguyên nước bao gồm:

-          Công trình Thủy lợi

-          Thủy văn và Kỹ thuật môi trường

-          Thủy năng và trạm thủy điện

-          Thủy nông và Cải tạo đất

-          Cơ khí thủy lợi

-          Kinh tế thủy lợi.

Tháng 6/1984 Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học  và Trung học chuyên nghiệp đã có quyết định chính thức phê duyệt chương trình đào tạo được điều chỉnh và Nhà trường thực hiện từ năm 1984.

Những năm 80 do tác động của xã hội, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy giảm, số thí sinh dự thi vào trường ít, Nhà trường đã phát triển về số lượng học sinh hệ tại chức, ngoài đào tạo hệ Tại chức ở cơ sở chính của trường, Trường đã tổ chức mở các lớp tại chức ở các địa phương, các lớp bồi dưỡng sau Đại học về cơ học công trình, kỹ thuật và tổ chức thi công, chỉnh trị sông, thủy lực, thủy văn, quản lý kinh tế...ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô đào tạo sau Đại học được mở rộng có chương trình hệ thống hơn. Năm 1979, Trường chính thức được công nhận là một cơ sở đào tạo sau Đại học, ở giai đoạn này chủ yếu đào tạo phó Tiến sỹ, những luận án phó Tiến sỹ khoa học kỹ thuật đầu tiên trên cơ sở các công trình nghiên cứu và phục vụ sản xuất.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường được phát triển, nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài trở về, chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng cao, đưa tổng số giảng viên của Nhà trường có trình độ học vị Tiến sỹ, phó Tiến sỹ lên hơn 50 người. Năm 1980, có 01 giảng viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Giáo sư, 05 giảng viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu phó Giáo sư. Đến năm 1984, Nhà trường lại có thêm 20 cán bộ được công nhận phó Giáo sư.

Đây cũng là thời kỳ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất phát triển mạnh mẽ.

Một cuộc hành quân rầm rộ vào mặt trận thủy lợi ở các tỉnh phía Nam. Đầu năm 1976, 16 giảng viên với 150 kỹ sư khóa 13 vừa tốt nghiệp ra trường. Những năm tiếp theo sinh viên năm cuối của các khóa 14, 15, 16 lên đường vào các tỉnh phía Nam. Thầy vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, trò vừa học tập vừa phục vụ sản xuất.. Thầy trò có mặt khắp các vùng từ Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đến Đồng bằng Sông Cửu Long và lấy tên là Đoàn ĐH (ĐH1 đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh; ĐH3 đóng tại Vĩnh Long sau sát nhập vào ĐH1 – là tiền thân của Cơ sở 2 Đại học Thủy Lợi ngày nay; ĐH2 đóng tại Phan Rang và Lâm Đồng – là tiền thân của ĐH2 hiện nay). Sự sáng tạo độc đáo này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo của Trường trong cả nước và là sợi dây nối liền Nhà trường với cơ sở sản xuất.

Đây cũng là thời điểm Nhà trường tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, những chương trình trọng điểm quốc gia như: Một số vấn đề về thủy văn – thủy lực đồng bằng sông Cửu Long; Đánh giá tiềm năng thủy điện các sông suối ở Việt Nam; Đánh giá nguồn nước mặt lãnh thổ Việt Nam và các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long.

Về quan hệ Quốc tế, ngoài quan hệ truyền thống với các nước XHCN, Nhà trường đã mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và nước khác trên thế giới. Nhà trường đã giúp đỡ nước CHND Lào đào tạo mỗi khóa 30 sinh viên và cử chuyên gia giúp đỡ nước bạn lập quy hoạch và chương trình đào tạo.

Khó khăn do hậu quả của chiến tranh xâm lược kéo dài của đế quốc Mỹ, cơ sở của Nhà trường bi hư hại nhiều, sau thời gian sơ tán trở về, Nhà trường đã bắt tay vào xây dựng lại cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu, gồm: 30 giảng đường, 11 phòng thí nghiệm, 1 phòng thí nghiệm chuyên đề về địa kỹ thuật, 1 trạm thí nghiệm tưới tiêu, 1 xưởng cơ khí, xưởng in và thư viện với 15 vạn cuốn giáo trình, sách tham khảo, các cơ sở thực tập, nghiên cứu và thực nghiệm, một số trại sản xuất...xây dựng nhiều nhà cấp 4 đề giải quyết tạm thời vấn đề nhà ở cho cán bộ, giảng viên từ nơi sơ tán trở về, đặc biệt xây dựng và đưa vào sử dụng nhà 5 tầng số 12.

Phong trào thi đua dạy tốt, phục vụ tốt và học tốt được duy trì trở thành nề nếp hàng năm. Trong thời kỳ này, Nhà trường đã được Nhà nước trao tặng  Huân chương lao động hạng Ba (1976), Huân chương lao động hạng Nhì (1978), Huân chương lao động hạng Nhất (1984); 9 Bộ môn đã được trao tặng Huân chương lao động hạng Ba; nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ; UBND các Tỉnh, Bộ trưởng các Bộ; Tổng công đoàn, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể giáo viên và sinh viên được công nhận là tổ đội lao động XHCN.

Thời kỳ này là thời kỳ phát triển và trưởng thành vượt bậc của Nhà trường về chất, cũng là thời kỳ định hướng vững chắc cho việc đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật phát triển tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước ngầm và ven biển.

Giai đoạn 1986 đến nay: Vững bước đi lên trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế

Luôn luôn giữ gìn khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở bảo đảm hạt nhân lãnh đạo của Đảng uỷ, sự quản lý điều hành thống nhất tập trung của Ban giám hiệu và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của mọi thành viên trong nhà trường thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội cựu chiến binh. Thực hiện dân chủ hoá đi đôi với kỷ luật kỷ cương; công bằng cả về quyền lợi và nghĩa vụ.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta trải qua những khó khăn do hậu quả của 2 cuộc chiến tranh kéo dài, do chính sách cấm vận của các nước thù địch với Việt Nam. Các trường Đại học kỹ thuật rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, số thí sinh đăng ký thi vào Trường Đại học Thủy Lợi rất thấp, có năm chỉ tuyển được khoảng 100 sinh viên. Nhà trường đứng trước nguy cơ phải sát nhập hoặc giải thể theo tinh thần Nghị quyết 73/TTg của Thủ tướng chính phủ. Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên của Trường đã từng bước vượt qua thử thách, khó khăn đưa Nhà trường vững bước đi lên.

Dưới ánh sáng đường lối giáo dục, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo của Trường Đại học Thủy lợi đã đạt được những thành quả to lớn. Nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để ổn định và phát triển. Những lúng túng ban đầu trong các hoạt động để thích nghi với nền kinh tế thị trường, cùng với sự eo hẹp về kinh phí cần thiết để tồn tại, phát triển và những khó khăn về đời sống, từng bước được tháo gỡ bằng những hướng đi đúng đắn và bằng những nỗ lực, phấn đấu vươn lên của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên trường Đại học Thủy lợi. Điều đó đã giúp trường có những chuyển biến tích cực cả về quy mô chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, sớm hòa nhập với trào lưu đổi mới và giành được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện 3 chương trình hành động của ngành Đại học- Trung học chuyên nghiệp giai đoạn 1987-1990, 5 chương trình mục tiêu của kế hoạch 1991-1995 và chương trình hành động triển khai thực hiện NQTW2 (khóa 8) về “Định hướng chiến lược phát triển Giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”.

Những thành tựu trong sự đổi mới của Trường được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

  1. Về đào tạo - Tiểu ban cải cách giáo dục của Nhà trường đã xây dựng thành công nhóm ngành học mới trên cơ sở kế thừa các ngành truyền thống. Năm 1995 với việc sát nhập 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi thành Bộ NN & PTNT đã đưa sự nghiệp phát triển thủy lợi nước ta lên một tầm cao mới: phát triển bền vững trong một môi trường Đất - Nước - Rừng, gắn kết hữu cơ với nhau trong một nền nông nghiệp sinh thái. Nhạy bén trước tình hình và tận dụng thời cơ mới, Đảng ủy , Ban Giám hiệu chủ trương tiến hành cải cách giáo dục lần thứ 2 để tố chức lại hệ thống các ngành học theo hướng đào tạo đa ngành liên quan đến hệ thống, tổng hợp, toàn diện và bền vững thuộc lĩnh vực tài nguyên nước. Nhà trường đã trình hai Bộ duyệt chương trình 9 ngành với 21 chuyên ngành nhằm phủ kín nội dung hoạt động về kỹ thuật tài nguyên nước của thực tiễn nước ta và luật tài nguyên nước mới ra đời. Dù là một trường chuyên ngành nhưng việc đào tạo của Nhà trường đã và đang bắt đầu mang tính liên ngành, đa lĩnh vực.

         Chương trình học được đổi mới, bổ sung nhiều môn học mơi như: Viễn thám, Môi trường, Lý thuyết hệ thống tự động hóa, Tin học ứng dụng, Kinh tế đầu tư, Cấp thoát nước, Xử lý nước thải, Kiến trúc...tăng cường một số môn Khoa học xã hội nhân văn như: Xã hội học, pháp luật...Năm 2000,  mở thêm ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, năm 2001 mở ngành Công nghệ thông tin, năm 2003 mở ngành Kỹ thuật Bờ biển.

            Tại Hội nghị Giáo dục Đại học tháng 10/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo đánh giá Trường Đại học Thủy Lợi là: “một trường hợp điển hình về việc xây dựng các ngành nghề đào tạo, phủ kín lĩnh vực tài nguyên nước, nhằm đào tạo cán bộ từ khâu quy hoạch, quản lý, khai thác sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước”.

Chương trình đào tạo Đại học được Nhà trường đặc biệt quan tâm, năm 2003 đã hoàn thành chương trình khung với 270 đơn vị học trình cho các ngành, năm 2004 xây dựng xong đề cương chi tiết môn học và bắt đầu thực hiện từ năm học 2004-2005.

            -Thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Năm 2004 Ban xây dựng chiến lược phát triển trường thành lập; Nhà trường đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2006- 2020 và tầm nhìn 2030 phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Chiến lược đổi mới cơ bản toàn diện Trường Đại học Thuỷ lợi đã mang lại cho cán bộ, giảng viên một môi trường thuận lợi để có thể phát huy năng lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển Nhà trường, tạo cho sinh viên một môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại, được trang bị những kỹ năng cần thiết để tiến thân, lập nghiệp, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường trong xu thế hội nhập quốc tế. Từ năm học 2007-2008 đào tạo theo học chế tín chỉ, chương trình đào tạo được rút ngắn từ 5 năm xuống còn 4 năm (145 tín chỉ) đối với hệ Đại học và từ 3 năm xuống còn 2.5 năm (98 tín chỉ) đối với hệ Cao đẳng. Nhà trường đã đưa các môn Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bình luận và phê bình, kỹ năng học tập và làm việc theo nhóm vào chương trình đào tạo. Tên ngành học và chương trình đào tạo được đổi mới theo chương trình đào tạo của Hoa Kỳ và một số nước tiên tiến khác trên Thế giới. Ngoài các ngành cũ được nâng cấp và đổi tên, năm 2007 mở thêm các ngành: Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Giảm nhẹ thiên tai, Kỹ thuật Biển. Năm 2008 mở lớp chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước hợp tác với trường Đại học Bang Colorado, Hoa Kỳ (Colorado State University).

-Đào tạo trên và sau Đại học luôn được đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với địa chỉ sử dụng. Luận văn tốt nghiệp xuất phát từ yêu cầu thực tế, gắn với đề tài khoa học mang tính cấp thiết phục vụ cho sự nghiệp phát triển của ngành và đất nước. Từ năm 2004, Trường đã được Bộ cho phép đào tạo 13 chuyên ngành Tiến sỹ, 7 ngành Thạc sỹ. Các lớp bồi dưỡng chuyên đề, hội thảo được mở thường xuyên, mỗi năm có hàng trăm cán bộ, kỹ sư tham dự.

-Trường đại học Thủy lợi đã mở rộng quy mô đào tạo ở mức tương đối ổn định ở tất cả các bậc học: Cao đẳng, Đại học, trên Đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ) và ở các địa bàn trong toàn quốc. Chất lượng đào tạo được coi trọng và giữ vững đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường theo định huớng Xã hội chủ nghĩa. Nhà trường coi chất lượng đào tạo là uy tín bảo đảm sự phát triển của Nhà trường; vì vậy Trường đã có những biện pháp khuyến khích vật chất, tinh thần đối với các Bộ môn, cá nhân viết giáo trình, dịch giáo trình nhập khẩu, đổi mới phương pháp giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học; hướng dẫn thi sinh viên thi Olympic các môn học, sinh viên NCKH.

Năm 1997 Trung tâm ĐH1 tại Thành phố Hồ Chí Minh một mô hình 3 kết hợp trình độ cao được Bộ Nông nghiệp & PTNT quyết định nâng cấp thành Cơ sở 2 - Đại học Thuỷ lợi đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác đào tạo và trở thành trung tâm đào tạo cán bộ có trình độ đại học, trên đại học cho các tỉnh phí Nam đáp ứng được nhu cầu của các tỉnh về đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trung tâm ĐH2 tại Phan Rang, Ninh Thuận từ năm học 2007-2008 cũng được Nhà trường chiêu sinh đào tạo hệ chính quy trình độ Cao đẳng.

  1. Về Khoa học công nghệ:

Thực hiện NQ26/NQTW của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới, Nghị định 35 HĐBT về công tác quản lý khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất của Trường đại học Thủy lợi có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành phục vụ trực tiếp sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nông nghiệp - Nông thôn.

Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều tập trung vào những chương trình trọng điểm của Quốc gia, của ngành, những dự án quan trọng có tính chất lâu dài như vùng đồng bằng sông Cửu long, vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, vùng Tây nguyên, các dự án của WB, ADB đầu tư tại Việt nam.

Song song với công tác nghiên cứu khoa học, trường Đại học Thủy lợi đã tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất ở các địa bàn trong toàn quốc. Củng cố ổn định các cơ sở sản xuất đã có, thành lập đơn vị mới các Trung tâm nghiên cứu khoa học, các Viện lần lượt ra đời: Trung tâm Khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi (năm 1990), Trung tâm Thủy văn ứng dụng và kỹ thuật môi trường (năm 1993), Trung tâm Khoa học và Công nghệ cơ học máy thủy lợi (năm 1994),Văn phòng Tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình (năm 1998), Công ty Tư vấn & CGCN (năm 2000); Viện Thủy Lợi và Môi trường (2006); Viện Kỹ thuật công trình (2007); Viện kỹ thuật tài nguyên nước (2007). Đã ký kết và thực hiện hàng trăm công trình phục vụ sản xuất, số đề tài tăng nhanh, đa dạng và phong phú, đặc biệt là các đề tài cấp Nhà nước và đề tài trọng điểm cấp Bộ. Khoa học công nghệ phục vụ sản xuất đã tạo nên sự gắn kết trực tiếp giữa đào tạo với thực tiễn sản xuất, nâng cao năng lực của thầy và trò, đồng thời tạo ra nguồn thu bổ sung để đầu tư cho cơ sở vật chất, các điều kiện làm việc và mang lại phúc lợi tập thể để cải thiện một phần đời sống của giáo viên, công nhân viên và sinh viên.Chỉ tính riêng trong 5 năm từ 2003 đến 2007 trường đã thực hiện 132 đề tài NCKH các cấp; doanh thu từ các hợp đồng tư vấn, thi công phục vụ sản xuất đạt trên 391 tỷ đồng.

  1. Hoạt động hợp tác Quốc tế về khoa học ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng với các trường Đại học của các nước, các tổ chức Quốc tế đã thu được nhiều kết quả tốt.

Tháng 8/1988, sau chuyến đi dự Hội nghị Quốc tế tổ chức tại Thái Lan của đồng chí Hiệu trưởng, Trường Đại học Thủy lợi được kết nạp trở thành thành viên thứ 16 của ESCAP (Tổ chức giáo dục của các nước khu vực Châu á - Thái Bình Dương), cũng từ đó Nhà trường đã tạo lập được mối quan hệ với Ấn Độ, Hà Lan, Australia và Thái Lan.

Thực hiện dự án VIE 88/007-tăng cường khả năng đào tạo trường Đại học Thuỷ lợi đạt kết quả tốt đã tạo thế và lực cho trường mở rộng quan hệ hợp tác về đào tạo KHCN với nhiều trường đại học trên thế giới.

Tháng 4/1995, Nhà trường đã thiết lập lại quan hệ với một số trường Đại học, cơ quan thủy lợi của Trung Quốc, từ đó đến nay đã có nhiều cuộc trao đổi, học tập lẫn nhau giữa Đại học Thủy Lợi và các trường Đại học, các cơ quan của Trung Quốc, trong đó Đại học Vũ Hán đã nhận đào tạo cán bộ giảng dạy cho Nhà trường, nhiều giảng viên của Trường được đào tạo trình độ tiến sỹ, thạc sỹ tại ĐH Vũ Hán.

Năm 1996, đã xây dựng và ban hành thực hiện “Quy định quản lý hoạt động đối ngoại”, vì vậy tuy triển khai hoạt động đối ngoại nhiều và phức tạp nhưng đã đi vào nề nếp.

Dự án: “Hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo cho trường Đại học Thuỷ lợi” do chính phủ Đan Mạch tài trợ và Dự án “Xây dựng ngành đào tạo kỹ thuật Bờ biển” do chính phủ Hà Lan tài trợ đã triển khai, có hiệu quả và đúng tiến độ. Với sự hợp tác này, Trường Đại học Thủy lợi đã tiếp nhận được những tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thảo tại trường và cử hàng trăm cán bộ giảng dạy, quản lý đi học tập, tham dự  Hội nghị khoa học, hội thảo ở các nước để nâng cao trình độ về chuyên môn, tầm nhìn, giao tiếp Quốc tế và ngoại ngữ. Dự án đã giúp trường xây dựng và đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm thủy lực Tổng hợp, thành lập khoa Kỹ thuật Bờ biển.

Đa dạng các hình thức hợp tác quốc tế trường đã ký biên bản ghi nhớ với các trường đại học của Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Singapore, Lào, Ấn Độ, Úc, Italia…

  1. Đại học Thủy lợi hàng năm còn tổ chức tốt phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên với 100 đến 150 báo cáo khoa học, trong đó có từ 10 đến 15 đề tài NCKHSV được xếp loại giỏi và được khen thưởng. Là một trong những trường sáng lập Olimpic Cơ học, phong trào thi Olimpic của trường đã trở thành truyền thống hàng năm. Các đội tuyển Olimpic của trường như: Cơ lý thuyết, Sức bền vật liệu, Cơ học đất, Thủy lực, Cơ kết cấu, Toán, Tin học...đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Olimpic Quốc gia. Nhiều đồ án tốt nghiệp của sinh viên dự thi đã đạt giải Loa thành.
  2. Xây dựng cơ sở vật chất: Nhà trường đã có những bước đi thích hợp xây dựng và cải tạo, nâng cấp được nhiều cơ sở giảng đường tổng hợp giảng dạy theo học chế tín chỉ, trang bị máy chiếu phục vụ cho học tập và giảng dạy, nhà ở của sinh viên được cải tạo thành những khu khép kín, đường xá, điện nước được nâng cấp khang trang. Thư viện của Nhà trường khang trang  với hàng vạn sách, giáo trình tham khảo và hàng chục máy tính nối  mạng phục vụ cho nghiên cứu, học tập. Khu giáo dục thể chất gồm sân bóng đá, bể bơi, nhà thi đấu đa năng đáp ứng nhu cầu về rèn luyện thể chất của cán bộ, giáo viên và sinh viên. Các phòng thí nghiệm đã từng bước đạt tiêu chuẩn Quốc gia và mang tính đặc thù của một trường đầu ngành về lĩnh vực tài nguyên nước. Cơ sở 2 của Trường được xây dựng khang trang to đẹp ngay gần trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gồm: giảng đường, thư viện, khu Ký túc xá sinh viên; cơ sở Bình Dương được nâng cấp xây dựng và đưa vào sử dụng khu giảng đường, khu Ký túc xá đáp ứng đủ nhu cầu cho sinh viên ăn, ở và học tập. Nhà trường đang triển khai xây dựng ký túc xá tại Hà Nội. Triển khai thực hiện dự án quy hoạch, mở rộng Trường Đại học Thủy Lợi tại Chương Mỹ – Hà Nội và cơ sở 2 tại Bình Dương.
  3. Xây dựng và phát triển đội ngũ: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, viên chức giỏi về chuyên môn nghiệp vụ là yếu tố quyết định sự thành công của Nhà trường. Nhận thức đúng điều đó, trường đã coi trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Trong công tác xây dựng đội ngũ, trường chú trọng toàn diện cả 3 khâu tuyển dụng, đào tạo và sử dụng. Tính đến tháng 3/2009, tổng số cán bộ viên chức của trường là 953 người; trong đó giảng viên là 440 người hầu hết đều đạt chuẩn theo yêu cầu. Số giảng viên có trình độ giáo sư phó giáo sư 49 người, có học vị tiến sĩ 92 người, thạc sĩ 215 người. Đến nay đã có 3 gỉang viên được phong danh hiệu NGND, 73 giảng viên được phong danh hiệu NGUT.
  4. Công tác thi đua khen thưởng dần đi vào nền nếp, phong trào thi đua : Lao động giỏi, giảng dạy giỏi được duy trì thường xuyên hàng năm. Nhiều Giảng viên của Trường được nâng lương và tặng Huy chương trước niên hạn. Với những thành tích đã đạt, Trường Đại học Thuỷ lợi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba (1989); Hạng Nhì (1994); Hạng Nhất (1999), Huân chương lao động hạng Ba cho hoạt động Công đoàn 1999; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới 2000, Huân chương Hồ Chí Minh 2004, Huân chương lao động hạng Nhất do Chính phủ Lào trao tặng năm 2000, năm 2008, nhận cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp & PTNT; Bộ Giáo dục& Đào tạo, các đơn vị và cá nhân trong Trường đã được tặng thưởng 26 Huân chương Lao động, 47 Bằng khen Chính phủ và hàng trăm Bằng khen của các Bộ, của địa phương.

Điều đáng ghi nhận trong thời kỳ này, ngoài những thành tựu đã đạt được, do thực hiện công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo mang lại, Trường Đại học Thủy lợi đã xác định rõ ràng, có căn cứ khoa học và thực tiễn con đường phát triển lâu dài của Nhà trường trong những năm thập kỷ đầu của thế kỷ 21, phục vụ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn- hội nhập quốc tế. Trường đã xây dựng và bước đầu thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển với mục tiêu trở thành một trong 10 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Tạo dựng được danh hiệu “Đại học Thủy Lợi Việt Nam” có uy tín, quan hệ quốc tế rộng rãi đa phương, đa dạng đủ sức cạnh tranh, hợp tác bình đẳng với các nước trong khu vực cũng như thế giới và thực hiện chiến lược phát triển Trường, phấn đấu chủ động hội nhập.

Trường Đại học Thủy lợi (tiếng Anh: Thuyloi University) là một trong những trường đại học đứng đầu về tạo nhóm ngành kỹ thuật tài nguyên nước, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Thuỷ lợi - Thuỷ điện và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Giai đoạn 1959-1964 - Lịch sử phát triển Trường Đại học Thủy Lợi

Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước nói chung và ngành Thủy lợi nói riêng, tháng 1 năm 1959, Bộ Thủy Lợi trình thường vụ Hội đồng chính phủ qui hoạch xây dựng Học viện thủy lợi. Tháng 6/1959, Bộ chính trị và Ban bí thư Trung ương Đảng phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, qui mô Học viện Thủy Lợi. Năm 1959 Chính phủ ra quyết định thành lập Học viện Thủy Lợi với ba nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học thủy lợi; đào tạo đại học; đào tạo trung cấp kỹ thuật, bắt đầu một thời kỳ mới của...