Đại học Thăng Long là trường ngoài công lập đào tạo bậc đại học đầu tiên tại Việt Nam, với tên gọi ban đầu là Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, được thành lập theo Quyết định số 1687/KH-TV ngày 15/12/1988 của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Theo Quyết định số 411/TTg ngày 09/08/1994 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long trở thành Trường Đại học dân lập Thăng Long.
Theo Quyết định số 1888/QĐ-TTg ngày 31/12/2007của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học dân lập Thăng Long được chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục với tên gọi là Trường Đại học Thăng Long.
Văn bằng của Trường nằm trong Hệ thống văn bằng Quốc gia.
Từ khi thành lập cho đến nay, Trường luôn trung thành với mục tiêu không vì lợi nhuận. Chính vì vậy, Trường đã nhận được sự giúp đỡ vô tư của Trường Đại học Quản lý Paris - Cộng hòa Pháp về học bổng cũng như về học thuật, sự giúp đỡ về tài chính của một số tổ chức phi chính phủ. Trường Đại học Thăng Long là một trong những trường đại học dân lập đầu tiên được Chính phủ cho phép chuyển đổi loại hình từ dân lập sang tư thục.
Với truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển không ngừng, Đại học Thăng Long đã khẳng định tên tuổi và chất lượng đào tạo với gần 2000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đại học Thăng Long tin tưởng rằng, với mục tiêu không vì lợi nhuận, Trường sẽ tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào việc xây dựng một xã hội học tập công bằng cho mọi công dân muốn chinh phục đỉnh cao tri thức, thăng tiến bằng con đường học tập.
2. TẦM NHÌN VÀ SỨ MẠNG
- Đào tạo sinh viên ở bậc đại học và sau đại học với chất lượng tốt nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao của xã hội, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
- Tạo điều kiện cho sinh viên, trong khung cảnh toàn cầu hóa giáo dục đã đào tạo ban đầu tại trường, được di chuyển tới những môi trường giáo dục tiên tiến trên thế giới để tiếp tục học tập, nghiên cứu và thực tập, qua các ký kết hợp tác và trao đổi sinh viên với những trường đại học nước ngoài danh tiếng.
- Phấn đấu đào tạo cho trường và xã hội một đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học có năng lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học vào thực tiễn, có khả năng hợp tác với các trường, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đạt hiệu quả tốt.
- Triển khai nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giảng dạy và gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo của nhà trường với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Xây dựng trường trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ.
3. PHƯƠNG CHÂM THỰC HIỆN SỨ MẠNG
Trường Đại học Thăng Long hoạt động trên nguyên tắc:
- Không vì mục tiêu lợi nhuận.
- Tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng tính trung thực, tình yêu thương và tinh thần hợp tác.
4. HIẾN CHƯƠNG
- Giáo dục có chất lượng.
- Phương pháp dạy và học phù hợp cho cá nhân.
- Theo dõi và quản lý học tập có hiệu quả.
- Ban lãnh đạo lắng nghe nguyện vọng và nhu cầu của người học. Người học làm chủ môi trường học tập của mình.
- Tất cả cho một nền học vấn hội nhập với quốc tế, làm nảy nở tài năng mỗi con người và phục vụ thị trường lao động.
5. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
- Chương trình đào tạo được xây dựng một cách khoa học, linh hoạt và mềm dẻo, cập nhật thường xuyên theo xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới và bám sát nhu cầu của thị trường lao động.
- Có nhiều học phần tự chọn phù hợp với thực tế đa dạng của người học và nhu cầu thiết thực của xã hội.
- Đặc biệt, còn có nhiều môn học bổ trợ phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên/học viên như: Kỹ năng lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp, Đạo đức kinh doanh, Đồ họa truyền thông, Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng thuyết trình…
6. PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
Trường tích cực áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến, lấy người học làm trung tâm và gắn liền với thực tế nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Trong quá trình học tập, sinh viên có nhiều cơ hội đối thoại trực tiếp với giảng viên và cán bộ trong trường để hiểu sâu hơn bài giảng và nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.
Học tập và thi cử được tổ chức nghiêm túc theo tinh thần“Học thật, thi thật”. Đại học Thăng Long tự hào là một môi trường sư phạm trong sạch, không có tiêu cực trong học tập, thi cử.
Nắm bắt được yêu cầu và xu thế chung của nền giáo dục hiện đại, Trường Đại học Thăng Long đã nhạy bén, đi tắt đón đầu áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ ngay từ năm 1998, là một trong những trường đầu tiên của Việt Nam áp dụng hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Với hình thức đào tạo này, sinh viên có thể chủ động sắp xếp kế hoạch học tập và lựa chọn môn học phù hợp với khả năng và điều kiện cá nhân trong khuôn khổ chương trình từng ngành. Sinh viên có nhiều thuận lợi khi chuyển ngành học hoặc học nhiều ngành, sinh viên giỏi có thể ra trường trong thời gian ngắn nhất.
7. CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO
Đào tạo đại học:
Nhóm ngành Toán - Tin học và Công nghệ
- Toán - Tin ứng dụng
- Khoa học máy tính (Công nghệ thông tin)
- Truyền thông và mạng máy tính
- Hệ thống thông tin
Nhóm ngành Kinh tế - Quản lý
- Kế toán
- Tài chính - Ngân hàng
- Quản trị kinh doanh (Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing)
Nhóm ngành Ngoại ngữ
- Ngôn ngữ Anh
- Ngôn ngữ Nhật
- Ngôn ngữ Trung Quốc
Nhóm ngành Khoa học sức khỏe
- Điều dưỡng
- Y tế công cộng
- Quản lý bệnh viện
Nhóm ngành Khoa học Xã hội và nhân văn
- Công tác xã hội
- Việt Nam học Đào tạo cao học:
- Kinh doanh và Quản trị Quốc tế (Liên kết với Đại học Nice - Sophia Antipolis, Cộng hòa Pháp)
- Quản trị Kinh doanh
- Tài chính - Ngân hàng
- Toán ứng dụng
- Phương pháp toán sơ cấp
- Công tác xã hội
- Y tế công cộng
- Kế toán (Sắp mở)
8. HỢP TÁC QUỐC TẾ:
Với hiến chương “Tất cả cho một nền học vấn hội nhập quốc tế”, Đại học Thăng Long luôn là một trong những trường học đại học đi đầu tại Việt Nam trong việc phát triển hợp tác giáo dục, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, học viện, trung tâm, viện nghiên cứu lớn trên thế giới. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường đã có hợp tác với Đại học Quản lý Paris - Cộng hòa Pháp về trao đổi sinh viên theo diện học bổng cũng như hợp tác về học thuật.
Trong những năm phát triển tiếp theo, Trường thúc đẩy hoạt động hợp tác giáo dục quốc tế hơn nữa với việc mở rộng đa dạng mạng lưới các đối tác. Hiện tại, trường hợp tác với Đại học Nice - Sophia Antipolis (CH Pháp) đào tạo Thạc sĩ ngành Kinh doanh và Quản trị quốc tế, do Đại học Nice - Sophia Antipolis cấp bằng; Hợp tác với Đại học Tổng hợp South Carolina, Đại học Sprott-Shaw Degree College (Canada),Tổ chức Keieikai (Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu y học và quản lý chăm sóc sức khỏe Ritsumeikan (Nhật Bản), Hội KUE (Đức), Đại học Quốc gia Philippines, Học viên Quản lý Singapore..
Rất nhiều chương trình hợp tác quốc tế uy tín đã được triển khai và được đánh giá cao như: Chương trình hợp tác với Trường Đại học Nanzan - Nhật Bản, Chương trình hợp tác với Trường Nhật ngữ Meric và Keieikai - Nhật Bản, Chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Thăng Long và Trường AIR - Nhật Bản (Sinh viên học tại trường AIR sẽ được miễn phí một nửa cho năm học đầu tiên và miễn phí toàn bộ phí đăng ký học và phí kiểm tra đầu vào), Chương trình hợp tác với Học viện Quản lý Singapore, Chương trình hợp tác với Đại học Naresuan (Thái Lan)… nhằm tăng cường hợp tác đào tạo cũng như hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học, tập huấn, hợp tác tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học.
Để phát triển toàn diện khả năng học thuật cũng như các kỹ năng khác, Đại học Thăng Long còn tăng cường hợp tác với các trường bạn trên thế giới để tổ chức những khóa học ngắn hạn có chất lượng cao. Sinh viên không chỉ được trải nghiệm cuộc sống ở một môi trường mới mà còn có thể phát triển tri thức với bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác nhau, như khóa học Tiếng Anh doanh nghiệp hợp tác giữa Đại học Thăng Long với Học viện Quản lý Singapore (SIM), khóa học giao lưu ngắn hạn với Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Học viện Quản lý EASB - Singapore (East Asia Institute of Management - EASB)…
9. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ - GIẢNG VIÊN
Trường quy tụ 240 giảng viên cơ hữu, trong đó có 13 giáo sư, 17 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 124 thạc sĩ. Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường còn ký hợp đồng thỉnh giảng với 177 giảng viên thỉnh giảng là các nhà khoa học có uy tín lớn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Hội đồng Khoa học của trường bao gồm các nhà nghiên cứu đầu ngành của nhiều lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe, khoa học về công nghệ thông tin và máy tính, kinh tế - quản lý…
Sinh viên/học viên có nhiều cơ hội được đối thoại trực tiếp với giảng viên/cán bộ trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường. Đại học Thăng Long hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục công bằng, mọi tiếng nói của người học đều được lắng nghe để hoàn thiện hoạt động giáo dục ở mức tốt nhất.
10. CÁC PHÒNG BAN:
- Phòng Hành chính – Tổng hợp
- Phòng Đào tạo
- Phòng Tài vụ
- Phòng Hợp tác quốc tế
- Phòng Sau đại học và Quản lý Khoa học
- Phòng Công tác sinh viên
- Phòng Công nghệ thông tin
- Phòng Tư liệu – Thư viện
- Phòng Quan hệ công chúng
- Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng
- Trung tâm Đào tạo ngắn hạn & Chuyển giao công nghệ
- Ban Giao lưu văn hóa và Phát triển giáo dục quốc tế
- Trung tâm Đào tạo Nhật ngữ
11. CƠ SỞ VẬT CHẤT
Trường Đại học Thăng Long là một trong những trường có cơ sở vật chất được đầu tư thiết kế, xây dựng hiện đại. Trường được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 2,3 ha trên đường Nghiêm Xuân Yêm - phường Đại Kim - quận Hoàng Mai – Hà Nội. Trường được dư luận xã hội đánh giá là trường đại học đẹp nhất tại thành phố Hà Nội
Tổng thể trường là một khu liên hợp hiện đại bao gồm các hạng mục:
- Nhà Học chính
- Nhà Hiệu bộ - Học chính
- Thư viện
- Hội trường Tạ Quang Bửu
- Giảng đường Grothendieck và Schwartz
- Nhà Thể chất
- Phòng tập thể hình - thẩm mỹ
- Phòng thu âm
- Khu liên hợp thực hành chuyên ngành Nhà hàng - Khách sạn
- Phòng thực hành Khoa Điều dưỡng
- Phòng thí nghiệm vi sinh
- Phòng đào tạo trực tuyến
- Hệ thống phòng học ngoại ngữ đa phương tiện
- Hệ thống phòng tự học
- Nhà ăn – Căng tin
- Khu nghỉ cao cấp cho Giáo sư
- Quẩn thể vườn sinh viên
- Quảng trường Tri thức
Các hạng mục công trình được kết nối bằng hệ thống đường giao thông thuận lợi xen lẫn các khoảng sân vườn, tiểu cảnh cây xanh, vườn hoa. Toàn bộ các khối nhà trong trường được trang bị hệ thống điều hòa trung tâm sử dụng cho tất cả phòng học, phòng làm việc với hệ thống điều khiển thông minh vận hành tự động.
Trường trang bị hệ thống thông tin liên lạc và mạng máy tính theo tiêu chuẩn Châu Âu với gần 1000 máy tính, hệ thống server mạnh, đường truyền cáp quang đảm bảo một cách hoàn hảo cho các chương trình đào tạo từ xa và hội thảo trực tuyến.
Đặc biệt, trường đã trang bị 12 phòng học tiếng Anh và 05 phòng tự học tiếng Anh với hệ thống phần mềm chuyên học ngoại ngữ có khả năng khắc phục tối đa các nhược điểm của người học với hệ thống kỹ thuật cải thiện cả 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết. Quá trình xử lý thông minh của các phần mềm chuyên học ngoại ngữ giúp cho người học có thể phát triển tối đa khả năng học và tự học ngoại ngữ.
Thư viện Trường Đại học Thăng Long được trang bị hệ thống phần mềm quản lý thư viện chuyên nghiệp. Toàn bộ hệ thống sách được mã hóa bằng tem từ và kiểm soát hoàn toàn tự động. Cổng an ninh check in-out cho phép đảm bảo an ninh tốt nhất cho tài nguyên của Thư viện. Việc kết nối dữ liệu với Thư viện Quốc gia và một số thư viện trên thế giới cho phép người đọc có thể khai thác những nguồn tài nguyên rất lớn phục vụ công tác học tập và giảng dạy.
Nằm ngay cạnh khối hội trường là khu vực 2 giảng đường, với diện tích mỗi giảng đường gần 350m2, đáp ứng được nhu cầu học tập cho gần 450 sinh viên trong những môn học cần tập trung số lượng lớn. Điều này đặc biệt thích hợp với việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ của trường.
Hệ thống chiếu sáng linh hoạt cùng với hệ thống âm thanh, hình ảnh hiện đại giúp cho việc giảng dạy và học tập trở nên vô cùng thú vị. Khu vực sảnh chính kết hợp với sân khấu ngoài trời đã trở thành sân chơi hấp dẫn cho các bạn trẻ sau những giờ học tập căng thẳng.
Hội trường Tạ Quang Bửu với gần 600 chỗ ngồi được trang bị hệ thống âm thanh và thiết bị kỹ thuật hoàn hảo có thể đáp ứng được mọi nhu cầu học tập, giảng dạy và hoạt động ngoại khóa. Hệ thống đường truyền internet băng thông rộng cho phép truyền hình, hội thảo trực tuyến chuẩn HDTV. Ngoài ra, hệ thống âm thanh biểu diễn chuyên nghiệp và hệ thống trình chiếu với màn chiếu 300 inch cho phép tổ chức những chương trình biểu diễn lớn và chiếu phim chất lượng cao.
Nhà Học chính - Hiệu bộ gồm 2 khối nhà 9 tầng và 7 tầng. Khối nhà 9 tầng sử dụng làm nơi làm việc của HĐQT, Ban Giám hiệu, Hội đồng Khoa học và Đào tạo và các phòng quản lý, khoa, bộ môn, phòng đào tạo trực tuyến, phòng máy tính và 3 tầng sử dụng làm phòng học.
Khu học chính Trường Đại học Thăng Long là 1 khối nhà 7 tầng kiến trúc hiện đại, gồm 16 phòng học lớn có sức chứa 80 sinh viên/phòng, 50 phòng học nhỏ có sức chứa 40 sinh viên/phòng, 12 phòng chuyên dụng học tiếng Anh, 5 phòng học phục vụ môn học Hát nhạc với trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn của môn học này. Khối nhà 9 tầng có 3 tầng với 12 phòng học có sức chứa từ 72 - 104 sinh viên; 1 tầng là Trung tâm Công nghệ thông tin với hệ thống phòng học được trang bị máy tính hiện đại, đường truyền Interrnet mạnh phục vụ học lý thuyết và thực hành các môn học toán – tin; 3 phòng hội thảo dùng để tổ chức bảo vệ khóa luận/luận văn cho sinh viên, học viên. Tất cả các phòng học đều được trang bị máy điều hòa và hệ thống máy chiếu chất lượng cao phục vụ giảng dạy.
Ngay từ những ngày đầu khi bắt đầu xây dựng cơ sở mới, Ban lãnh đạo Trường đã xác định tầm quan trọng hàng đầu là công tác thiết kế. Chính vì vậy nhà trường đã cử cán bộ cùng đội ngũ chuyên gia đi tham quan, học hỏi rất nhiều trường đại học lớn tại các nước có nền giáo dục tiên tiến.Trên cơ sở những kinh nghiệm quý báu đó, cơ sở vật chất của trường đã được thiết kế, thi công với chất lượng cao, văn minh và hiện đại.
Cơ sở của trường hiện nay không những đáp ứng được yêu cầu đào tạo giáo dục của Trường mà còn phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến đòi hỏi tiêu chuẩn cao về cơ cở vật chất. Điều này giúp Trường có cơ hội và khả năng hợp tác quốc tế rộng rãi. Trên thực tế trường đã nhận được sự đánh giá cao của các đối tác trong nước và quốc tế.
Do yêu cầu đào tạo và phục vụ các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đến trường làm việc, Trường đã đầu tư xây dựng khu liên hợp thực hành chuyên ngành Khách sạn - Nhà hàng là một hệ thống bao gồm 20 phòng nghỉ dưỡng cao cấp, 1 phòng khách lớn, hệ thống bếp ăn với thiết kế bàn ghế sang trọng, có khả năng phục vụ cho 100 người tại tầng 9 Nhà hiệu bộ. Các phòng được trang bị nội thất đạt chuẩn khách sạn 4 sao. Ngoài ra còn có phòng tập đa năng cao cấp cùng tầng giúp cho các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy tại trường có điều kiện sinh hoạt tốt nhất.
Để tạo một môi trường học tập thoải mái, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhà trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 5 phòng tự học tại các sảnh của nhà học chính và một khu vườn sinh viên lãng mạn.
Nhà ăn của Trường có quy mô 3 tầng, 1400 m2 sàn, có thể phục vụ cùng lúc gần 1000 người, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và tiêu chuẩn vệ sinh. Tầng 3 nhà ăn là quán cafe UNI sang trọng phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Với mục tiêu giáo dục toàn diện Tri thức - Thể chất - Tinh thần, Trường đã đầu tư xây dựng một khu thể thao hiện đại gồm 1 sân bóng rổ, 2 sân cầu lông, 1 sân bóng chuyền, 1 đường chạy 50m 4 làn, 1 phòng tập bóng bàn, 1 phòng tập trong nhà đa năng dành cho các môn thể dục hình thể. Ngoài ra còn có khu thay quần áo và tắm nước nóng cho vận động viên với các trang thiết bị hiện đại. Cạnh khu thể thao có 5 gian cửa hàng phục vụ các nhu cầu mua sắm thiết yếu của sinh viên.
Phòng tập Thể hình – Thẩm mỹ được Trường đầu tư xây dựng không chỉ phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập các môn giáo dục thể chất trong trường mà còn giúp cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên trong trường rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Các trang thiết bị tập luyện của phòng tập đều đạt chuẩn chất lượng cao với hệ thống máy chạy điện, xe đạp cơ, dàn tạ đa chức năng (đạp chân, xà kép, tập cơ xô trước xô sau, tập bụng, tập cơ đùi…), và các loại dụng cụ bổ trợ khác như: Tạ cầm tay, máy mát xa, máy tập cơ bụng… Với hạng mục xây dựng này, Đại học Thăng Long là một trong những trường đại học đầu tiên có trang bị phòng tập GYM hiện đại phục vụ cho hoạt động học tập và rèn luyện thể chất của sinh viên, cán bộ, giảng viên và công nhân viên trong trường.
Là một trong những trường đầu tiên ngoài khối chuyên về nghệ thuật có giảng dạy môn hát nhạc, Đại học Thăng Long luôn hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện mọi khả năng và ước mơ của người học. Phòng thu âm được xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập các môn hát nhạc, đồng thời hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa của trường có liên quan đến lĩnh vực âm nhạc. Hệ thống trang thiết bị của phòng thu được trường đầu tư theo chuẩn của một phòng thu chuyên nghiệp trên thế giới.
12. HỆ THỐNG CÁC CÂU LẠC BỘ
Trường có hệ thống hơn gần 30 câu lạc bộ hoạt động mạnh ở các lĩnh vực đa dạng. Những câu lạc bộ này vừa là tổ chức kết nối giúp sinh viên trong trường có thể giao lưu với nhau, vừa là nơi để sinh viên có thể khám phá, phát triển tối đa các ưu điểm riêng của mình. Sinh viên có thể lựa chọn một hoặc nhiều câu lạc bộ mà mình yêu thích để tham gia và có những trải nghiệm thú vị với những hoạt động bổ ích.
- Câu lạc bộ Bóng rổ
- Câu lạc bộ Karate
- Câu lạc bộ Bóng bàn
- Câu lạc bộ Thiếu lâm
- Câu lạc bộ Vĩnh xuân
- Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao
- Câu lạc bộ Thang Long Dancing Club
- Câu lạc bộ Taekwondo
- Câu lạc bộ Tiếng Anh
- Câu lạc bộ Tiếng Nhật
- Câu lạc bộ Tiếng Trung
- Câu lạc bộ Marketting
- Đội Sinh viên Tình nguyện
- Câu lạc bộ Kỹ năng kinh doanh BOSS
- Câu lạc bộ Âm nhạc, Guitar
- Câu lạc bộ Thanglong Film Chanel
- Câu lạc bộ Kịch nói
- Câu lạc bộ Bóng đá