Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập theo Quyết định số 298/CP ngày 11/11/1977 của Hội đồng Chính phủ với nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội toàn vùng Tây Nguyên.
Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để con em các dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngay trên quê hương mình.
Là một trường đại học đứng chân trên địa bàn, Trường Đại học Tây Nguyên đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Tây Nguyên. Nhà trường đã đào tạo cho các địa phương Tây Nguyên và cho đất nước hơn 25.000 bác sĩ, cử nhân, kỹ sư các ngành: Y khoa, Sư phạm, Công nghệ thông tin, Nông - Lâm nghiệp, Kinh tế, Giáo dục chính trị... Nhiều người trong số họ đã giữ các cương vị chủ chốt trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ sở sản xuất và cơ quan, đơn vị khoa học kỹ thuật của các tỉnh Tây Nguyên và nhiều vùng trong cả nước.
Được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự động viên của các cấp ủy Đảng, chính quyền của các địa phương khu vực Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên từ một cơ sở đào tạo nhỏ bé nay đã trở thành một trường đại học đa ngành, đa cấp và đa lĩnh vực với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật khá mạnh, cơ sở vật chất đã từng bước được đầu tư hiện đại. Quy mô đào tạo của Nhà trường ngày càng tăng và ngày càng đa dạng về ngành nghề đào tạo, có khả năng đáp ứng ngày càng nhiều nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao cho các ngành, các cấp ở các địa phương khu vực Tây Nguyên. Với những điều kiện đó, trong tương lai không xa, Tây Nguyên sẽ trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, một vùng có vị trí chiến lược quan trọng trong tam giác phát triển của khu vực Đông Dương.
Sứ mệnh: Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật với trình độ cao về các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Nông, Lâm nghiệp, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Xã hội, Nhân văn, Kỹ thuật, Công nghệ...; Là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Trường Đại học Tây Nguyên được tổ chức từ 9 khoa, 1 trường THPT, 3 trung tâm, 1 viện và 1 bệnh viện