Trường Đại học Tây Bắc (tiếng Anh: Tay Bac University) là trường đại học vùng đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng đồng thời nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ cho 7 tỉnh Tây Bắc và các tỉnh lân cận, góp phần triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi.
Tây Bắc là cách gọi theo phương vị, chỉ vùng đất nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc lấy Thủ đô Hà Nội làm chuẩn.
Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về địa giới của khu Tây Bắc, nhưng theo chúng tôi, Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, một phần của Hoà Bình với diện tích hơn 46.000 km², có 23 dân tộc anh em sinh sống: Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao, Lào, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, Mảng, La Hủ…
Phía Bắc của khu tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có đường biên giới dài 513 km; phía Tây tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Phong Sa Lỳ của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới dài 552 km; phía Đông, Đông Nam và Nam tiếp giáp các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hoà Bình.
Tây Bắc có địa hình phức tạp, bị cắt xẻ bởi những dãy núi đá vôi trong dãy Hoàng Liên Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và vòng cung Sông Mã chạy từ Đông sang Tây, tạo thành những đỉnh núi cao như Xà Phình (2.879 m), Pú Luông (2.985 m), Tả Giàng Phình (3.096 m), đặc biệt là đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m so với mực nước biển.
Tây Bắc có hai con sông lớn. Sông Mã bắt nguồn từ vùng núi cao của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chảy qua địa phận huyện Sông Mã, vòng qua Lào vào Thanh Hoá ra biển. Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Mường Lái (Lai Châu) qua Điện Biên, đến Sơn La hợp với suối Nậm Na ở phía Bắc và Nậm Mức ở phía Tây Nam, chảy qua địa phận tỉnh Hoà Bình hội nhập với sông Hồng. Ngoài ra, Tây Bắc còn có hàng nghìn sông, suối, ao, hồ lớn nhỏ.
Sự đan xen của những dãy núi đá với núi đất, cùng sự quanh co của các sông, suối lớn nhỏ đã tạo nên những phiêng bãi đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nổi tiếng nhất là 4 cánh đồng, như câu ca của đồng bào Thái: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Trong lịch sử, đặc trưng kinh tế, xã hội của Tây Bắc là kinh tế nông nghiệp. Cuộc sống của cư dân chủ yếu dựa vào hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, cư dân Tây Bắc còn dựa vào khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm trong rừng, đánh bắt cá ở ven các sông, suối…, đúng như câu ca của người Thái:
“Cơm nước ở mặt đất
Thức ăn ở trong rừng”
Trong từng khu vực, do tác động của điều kiện tự nhiên, sự phong phú của cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của cư dân, nên mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có thế mạnh riêng của mình trong việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong câu ngạn ngữ Thái:
“Xá ăn theo lửa
Thái ăn theo nước
Mông ăn theo sương mù”
Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế, xã hội đó đã tạo cho Tây Bắc có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử, Tây Bắc được coi là vùng đất “Tam Mãnh” qua Lào vào Vân Nam và Hưng Hoá. Hiện nay, Tây Bắc có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quân sự và trong quan hệ giao lưu quốc tế.
Tây Bắc là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hoá. Những công cụ sản xuất thuộc thời kỳ đá mới tìm thấy ở Tuần Giáo (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La), cùng nhiều hiện vật bằng đồng như trống đồng, thạp đồng tìm thấy ở Sông Mã, Thuận Châu, Mai Sơn (Sơn La), Mường Tè (Lai Châu)… chứng tỏ Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của cư dân Việt cổ và nằm trong phạm vi nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ của đất nước ta.
Với bề dày truyền thống văn hoá, các dân tộc Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá, văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đậm đà sắc thái bản địa, với truyện thơ nổi tiếng “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), sử thi “Táy pú xấc” (Bước đường chinh chiến của cha ông) cùng các lễ tết như lễ mừng thọ, mừng nhà mới, cơm mới... và nhiều phong tục, tập quán khác. Đặc biệt, việc sáng tạo ra chữ Thái cổ của dân tộc Thái là một kiệt tác đóng góp vào nền văn hoá, văn minh Đại Việt.
Cùng với bề dày truyền thống văn hoá, Tây Bắc còn là mảnh đất lịch sử. Các dân tộc Tây Bắc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, lao động xây dựng đất nước.
Nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh (thế kỷ XV), ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII), kiên trì bền bỉ chống giặc “Cờ Vàng” (tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc) giữ vững vùng biên ải được coi là “phên”, là “dậu” ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp (cuối thế kỷ XIX), các dân tộc Tây Bắc đã anh dũng kiên cường đứng trong hàng ngũ của đội quân “Thập Châu” dưới sự chỉ đạo của Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích, phối hợp với quân “Cờ Đen” của Lưu Vĩnh Phúc kéo về vây giặc ở Hà Nội, đưa đến những chiến thắng Cầu Giấy oanh liệt, lần thứ nhất vào năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882.
Từ 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, tích cực cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) đi đến thắng lợi.
au chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), toàn bộ Tây Bắc được giải phóng. Đó là điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Bắc trong giai đoạn mới.
Do hậu quả sự thống trị, bóc lột tàn bạo của đế quốc phong kiến và sự tàn phá của chiến tranh, nên sau hoà bình lập lại, Tây Bắc chìm ngập trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu, hoang tàn và đổ nát. Đời sống của đồng bào các dân tộc đói, rách. Tàn dư của chế độ cũ cùng các hủ tục lạc hậu còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống của nhân dân.
Do có vị trí chiến lược quan trọng, sau hoà bình lập lại, các toán thổ phỉ, biệt kích thám báo cùng các phần tử tay sai phản động điên cuồng chống phá cơ quan Đảng, chính quyền ở Tây Bắc. Nhiều vụ “xưng Vua”, “đón Vua” đã diễn ra lộn xộn ở vùng biên giới.
Trong khi đó, chính quyền cơ sở còn rất non yếu, nhận thức của đồng bào các dân tộc thấp kém, thiếu cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ người dân tộc ở cơ sở. Năm 1955, toàn Khu có 16 châu (huyện) thì 9 châu vẫn chưa thành lập được chi bộ Đảng. Trong tổng số 316 xã, chỉ có 39 xã thành lập được chi bộ Đảng cơ sở (chiếm gần 8%); số lượng đảng viên chỉ chiếm 0,08% dân số. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc chưa được hình thành. Cá biệt, ở một số địa phương vùng biên giới, chính quyền cơ sở non yếu đến mức không có khả năng tổ chức và lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống, ổn định xã hội.
Trước những khó khăn, phức tạp trên, Đảng, Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, thực hiện “Cứu đói”, “Cứu rách”, tiễu trừ thổ phỉ và kiên quyết tiêu diệt các toán biệt kích thám báo, củng cố chính quyền cơ sở, giữ vững an ninh chính trị; mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ để nâng cao nhận thức trong đồng bào.
Ngày 29/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo và vận động đồng bào các dân tộc thực hiện. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo. Đến ngày 7/5/1955, Hội đồng Nhân dân Khu họp kỳ đầu tiên, công bố Sắc lệnh thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo. Mục đích của việc thành lập Khu Tự trị đã được Hồ Chủ tịch khẳng định:
“Mục đích lập Khu Tự trị Thái - Mèo là làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt…Nó sẽ luôn được sự giáo dục và lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác”.
Khu Tự trị Thái - Mèo bao gồm: hai tỉnh Sơn La, Lai Châu (cũ), hai huyện Văn Chấn, Than Uyên của tỉnh Yên Bái và huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai. Khu Tự trị là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, một đơn vị hành chính của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ 1962, Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Khu Tự trị Tây Bắc). Thời kỳ 1955 - 1962, Khu Tự trị không có cấp tỉnh, chỉ có cấp châu trực thuộc Khu. Từ 1963, các tỉnh được tái lập, đơn vị hành chính của Khu lúc này gồm có: khu, tỉnh, châu, xã. Về tổ chức Đảng, Trung ương quyết định chuyển Đảng bộ Khu Tây Bắc thành Đảng bộ Khu Tự trị Thái - Mèo. Các cơ quan của Khu đóng ở thị trấn Thuận Châu (Sơn La) - Thủ phủ của Khu Tự trị Thái - Mèo.
Từ 1954 đến 1960, sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của Tây Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của thời kì mới.
Nguyên nhân của những hạn chế đó là do nhận thức của đồng bào các dân tộc còn thấp; thiếu cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ người dân tộc ở cơ sở; lực lượng giáo viên miền xuôi lên tăng cường cho Tây Bắc vừa ít về số lượng, lại khác biệt về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, bất đồng về ngôn ngữ.... Trong khi đó, Trường Sư phạm Miền núi Trung ương đặt ở Thủ đô Hà Nội, gây không ít khó khăn cho công tác đào tạo giáo viên tại chỗ.
Trong bối cảnh lịch sử đó, vấn đề bức thiết đặt ra lúc này là phải thành lập một trường sư phạm trên địa bàn Tây Bắc để làm nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Bắc trong thời kỳ mới, ngày 30/06/1960, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Nguyễn Văn Huyên đã kí Quyết định số 267/QĐ về việc thành lập Trường Sư phạm cấp II liên tỉnh, trong đó có Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo. Quyết định của Bộ Giáo dục đã nêu rõ:
“Điều 1. Nay thành lập các trường Sư phạm cấp II liên tỉnh với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để cung cấp cho nhu cầu phát triển nền giáo dục phổ thông trong toàn miền Bắc…Trường Sư phạm cấp II đặt ở Khu tự trị Thái - Mèo có nhiệm vụ thu nhận giáo sinh ở trong Khu tự trị…
Điều 2. Trường đặt tại địa phương nào thì do UBHC tỉnh, khu đó giúp Bộ quản lý về mọi mặt: trường sở, cán bộ, học sinh và chuyên môn. Riêng việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo và kế hoạch phân phối sau khi giáo sinh sau khi tốt nghiệp thì do Bộ phụ trách. Chi phí các trường đều do ngân sách của Bộ Giáo dục đài thọ.
Điều 3. Mỗi trường Sư phạm cấp II có một ban giám hiệu (một Hiệu trưởng và một Hiệu phó) phụ trách và ba bộ phận giúp việc: Giáo vụ - Tổ chức - Hành chính Quản trị...”.
Ngày 07/07/1960, Bộ Giáo dục tiếp tục ra Quyết định bổ sung số 272/QĐ về cơ chế quản lí Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo, cụ thể như sau:
“Điều 1. Nay thêm vào Điều 2 quyết định số 267/QĐ ngày 30/06/1960 thành lập các trường Sư phạm cấp II như sau:
Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo do ngân sách của Khu Tự trị đài thọ và do Khu quản lí mọi mặt…”
Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, khoảng giữa tháng 10 năm 1960, Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II đặt ở Khu Tự trị Thái - Mèo (thường gọi là Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo) được tổ chức tại sân vận động Khu Học xá Mường La với sự tham dự của đông đảo giáo viên, cán bộ Khu Học xá, nhân dân địa phương và đại biểu của Khu uỷ, Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo.
Sự ra đời của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo là sự kiện lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục ở Tây Bắc. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập không chỉ đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ cho các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dân tộc ít người ở địa phương, mà còn đặt nền móng cho một trường đại học đa ngành ở Tây Bắc về sau này.
Những năm đầu mới thành lập, tình hình Nhà trường khó khăn thiếu thốn về mọi mặt.
Khi công bố Quyết định thành lập, Trường chưa có giáo sinh và Hiệu trưởng. Cơ sở vật chất của Trường hầu như chưa có gì, mọi sinh hoạt của giáo viên và giáo sinh chung với Khu Học xá Mường La(*). Đội ngũ giáo viên, cán bộ của Trường khi đó còn rất ít. Đầu tiên chỉ có 8 thầy tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Bộ Giáo dục cử lên công tác tại Trường, đó là các thầy: Đỗ Mộng Bảo, Trần Kiều (giáo viên Toán); Hoàng Thiện Hùng, Lê Kỳ Huân (giáo viên Văn), Vũ Tự Hùng (giáo viên Hoá học), Trịnh Đình Toán (giáo viên Sinh), Chu Văn Phùng (giáo viên Lịch sử), Trần Phương Thịnh (giáo viên Địa lí).
Hai tháng sau, Bộ Giáo dục tăng cường thêm cho Trường thầy Đặng Thọ Nhân (giáo viên Vật lí). Trong thời gian này, Khu Học xá Mường La cử thầy Vũ Lưỡng sang Trường dạy thể dục.
Hai thầy Lê An (giáo viên cấp II ở Văn Chấn - Yên Bái) và Cao Thiệp (cán bộ miền Nam tập kết) được Khu cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, thầy Lê An về Trường dạy Tâm lí Giáo dục, thầy Cao Thiệp về dạy Chính trị.
Như vậy, trong những ngày đầu thành lập, toàn Trường chỉ có 12 giáo viên, hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Đó chính là đội ngũ đầu tiên của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo. Người được giao phụ trách Trường lúc đó là thầy Đỗ Mộng Bảo.
Trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có (12 người) của Trường, cuối năm 1960, Nhà trường thành lập hai tổ chuyên môn: Tổ Tự nhiên có 7 người do thầy Trần Kiều làm Tổ trưởng, Tổ Xã hội có 5 người do thầy Lê Kỳ Huân làm Tổ trưởng. Các giáo viên Nhạc, Hoạ, Thể dục và giáo viên những môn khác sau khi được bổ sung sinh hoạt ghép với hai tổ.
Ngoài 12 thầy kể trên, thời điểm này còn có hai giáo viên của Khu Học xá Mường La là thầy Vũ Gia Thuỵ (giáo viên Nhạc) và thầy Thọ (giáo viên Hoạ), sang dạy Nhạc và Hoạ cho Trường.
Để khai giảng được khóa học đầu tiên, hầu hết giáo viên của Trường phải về tận các bản, làng để chiêu sinh. Số giáo sinh này kết hợp cùng với những giáo viên cấp 1 và những người đã học sơ cấp ở Trường Sư phạm Miền núi Trung ương (Hà Nội) được Khu cử vào Trường học trung cấp, hệ 7+2. Năm học đầu tiên (1960 - 1961), toàn Trường có 152 giáo sinh, biên chế thành 05 lớp: 02 lớp Tự nhiên, 02 lớp Xã hội và 01 lớp cấp tốc. Riêng lớp cấp tốc (hay còn gọi là lớp vệ tinh, có khoảng 20 giáo sinh, dành cho con em các dân dân tộc ít người chưa tốt nghiệp cấp II) chỉ đào tạo các môn Tự nhiên.
Về tổ chức Đảng, Trường có 1 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khu Học xá. Bí thư Chi bộ đầu tiên là thầy Cao Thiệp (1960 - 1962), sau đó là thầy Mai Ngọc Nam (1962 - 1965). Về tổ chức đoàn thể, cả Trường có 01 Liên Chi đoàn trực thuộc Ban Chấp hành Đoàn Khu Học xá. Bí thư Liên Chi đoàn đầu tiên là thầy Lê An.
Năm 1961, Nhà trường mở thêm hệ Hàm thụ (đào tạo cả Tự nhiên và Xã hội) dành cho những giáo viên đã tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học về Trường học tập trung 2 kỳ. Phần lớn giáo viên tốt nghiệp đều trở thành cốt cán chuyên môn ở các trường phổ thông và phòng giáo dục huyện.
Do khó khăn thiếu thốn về tài liệu và cơ sở vật chất phục vụ dạy học nên hầu hết các bài giảng và đồ dùng dạy học, giáo viên đều phải tự biên soạn và thiết kế lấy.
Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, cuối năm 1961, Khu Học xá chuyển địa điểm từ châu Mường La về thị trấn Thuận Châu(*) (lúc đó là Thủ phủ của Khu Tự trị Thái - Mèo). Sau đó, Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo được Khu cấp đất xây dựng Trường tại thị trấn Thuận Châu với diện tích mặt bằng quản lí là 15,16 ha.
Năm 1962, Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Khu Tự trị Tây Bắc. Để phù hợp với đơn vị hành chính mới của Khu, Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (gọi tắt là Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc).
Từ khi chuyển về Thuận Châu, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc có bước phát triển mới. Ban Giám hiệu Nhà trường từng bước được kiện toàn, cơ cấu tổ chức của Trường tiếp tục được bổ sung, công tác đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất có nhiều chuyển biến tích cực.
Cuối năm 1961, thầy Lường Văn Cúc, Trưởng Ban Quản lí Khu Học xá Thuận Châu được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo; thầy Đỗ Mộng Bảo được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng. Ngay sau đó, thầy Lường Văn Cúc được Khu cử đi học tại Trường Bổ túc Văn hoá Trung ương (Hà Nội), thầy Đỗ Mộng Bảo với cương vị Phó Hiệu trưởng tiếp tục phụ trách Trường.
Năm học 1961 - 1962, thầy Đặng Phối được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Tháng 8/1963, Bộ Giáo dục bổ nhiệm thầy Phạm Viết Tâm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Năm 1964, thầy Lường Văn Cúc (Hiệu trưởng) hoàn thành chương trình học tập ở Trường Bổ túc Văn hoá Trung ương về quản lí Nhà trường.