Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội
- Xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 33866899
- Ký hiệu trường: TDH
Về trường đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội
Khóa học đầu tiên
Ngày 15-10-1961, ngày khai giảng đầu tiên khai sinh mái trường thân yêu của chúng ta. Lời phát biểu, cũng là lời tuyên ngôn thành lập trường của thầy Hiệu trưởng Hoàng Mai Hãn hùng hồn, thuyết phục. Lời tuyên ngôn ấy ngay lập tức chuyển thành sức mạnh tinh thần, bùng cháy bằng lời hứa quyết tâm thi đâu hoàn thành nhiệm vụ của Thầy Đỗ Hữu Gi, hoà quyện với tiếng hô đều bước 1 - 2 đanh sắc của thầy Lê Gia Tường, ba khối học sinh trong ba sắc mầu đồng phục Đỏ, Xanh, Vàng, rầm rập - tăm tắp bước qua lễ đài hùng dũng, tràn đầy khi thế, tràn đầy sức mạnh của tuổi trẻ.
Không khí đó mãi mãi còn in đậm trong lòng nhân dân xã Tân Triều huyện Thanh Trì - Thành phố Hà Nội, nơi đã chứng kiến sự ra đời mái trường đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, có nhiệm vụ đào tạo lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác thể dục thể thao nói chung và công tác thể dục thể chất nói riêng. Dấu ấn ấy là một mốc son lịch sử đánh dấu cho sự khởi đầu của sự nghiệp giáo dục thể chất hôm nay.
Chi viện cho tiền tuyến lớn (1963 - 1967)
Thực hiện Chỉ thị 05/TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển hướng hoạt động thể dục thể thao trong thời kỳ chống Mỹ, nên giai đoạn từ tháng 6 - 1964 đến cuối năm 1966 Nhà trường tạm ngừng đào tạo. Nhiều giáo viên được phân công về giảng dậy ở các trường phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp. Các thầy Hoàng Đình Ái, Lê Văn Lý, Trịnh Sâm, cô Lê Thị Bạch Cát... được điều động sang công tác ở Trường đại học thể dục thể thao Bắc Ninh.
Nhiều thầy, cô giáo đã xung phong và phục vụ chiến trường Miền Nam, họ đều đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập được nhiều chiến công xuất sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, có người đã không còn được chứng kiến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng...
Tái thành lập trường (1967)
Đến tháng 6 năm 1967, giai đoạn này đế quốc Mỹ tăng cường leo thang bắn phá ném bom Miền Bắc mà mục tiêu trọng điểm của chúng ta là các nhà máy, xí nghiệp, trường học, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho Miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội Miền Bắc. Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định tái lập trường.
Trong bộn bề khó khăn, khắc nghiệt của chiến tranh, việc tìm ra một địa điểm thích hợp cho nhiệm vụ vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa đào tạo cán bộ cho đất nước là một vấn dề hết sức nan giải. Nhiều đồng chí được Bộ cử đi tìm địa điểm mới để xây dựng trường. Sau khi khảo sát một số địa điểm, Bộ quyết định trường đóng tại xã Phụng Châu, Huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây(cũ) trên một khu đất của các trường Học sinh Miền Nam để lại.
Bằng sức lao động cần cù và sáng tạo, với bàn tay khéo léo của những người vừa thầy vừa thợ, lấy xương tre làm gạch, lấy rơm bùn làm vôi vữa, lấy chân trộn đất làm bê tông, lấy tay làm bàn xoa, bàn trát…ngôi trường đã dần được hiện lên những dãy nhà gỗ, mái lá, vách nứa, phên tre, tạm đủ chỗ cho hơn 200 cán bộ, giáo viên và học sinh khoá 2, khoá 3 của trường (hai khoá này đào tạo hệ 7+3). Sân tập luyện điền kinh, thể dục chung nhau, đường chạy chỉ đạt 360m, làm bằng xỉ than và đất đồi, vậy mà đã góp phần đào tạo được hơn 20 khoá học, mãi tới năm 1990 mới có điều kiện làm lại chính quy như bây giờ.
Nhận thêm nhiệm vụ giáo viên âm nhạc hội hoạ
Năm 1968 Bộ Giáo dục giao cho trường thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên âm nhạc và năm 1970 đào tạo giáo viên hoạ. Tên trường đổi tên thành trường Sư phạm Thể dục Nhạc Hoạ Trung ương gồm có 3 hệ: Hệ Thể dục do thầy Đỗ Hữu Gi làm Hệ trưởng, Hệ Nhạc do thầy Phạm Ngữ làm Hệ trưởng, Hệ Hoạ do thầy Trịnh Thiệp làm Hệ trưởng
Tách thành trường độc lập (từ 1985 đến nay)
Năm 1980 Trường phát triển thành Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Nhạc Hoạ Trung ương. Nam 1985, do yêu cầu phát triển Chính phủ quyết định tách thành 2 trường: Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ Trung ương và Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương số 1. Địa điểm khai sinh đầu tiên của trường tại km số 9 Thanh Xuân Hà Nội, dành cho Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Hoạ Trung ương.
Từ đó đến nay dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cùng với tinh thần đoàn kết và quyết tâm phấn đấu hết lòng vì sự nghiệp của tập thể CB, GV, CNV, sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Thể dục TW1 đã không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, luôn luôn được Đẳng và Nhà nước tin cậy, được Bộ Giáo dục và đào tạo đánh giá cao, tin tưởng giao thêm nhiệm vụ giáo dục quốc phòng cho sinh viên Thủ đô Hà Nội (tháng 10/1994).
Tháng 5 năm 2003 Nhà trường được Chính phủ ra quyết định nâng cấp thành trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Tây. Ngày 14/11/2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đổi tên trường thành Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội.
Hiện nay trường tổ chức đào tạo với 11 bộ môn như:
* Bộ môn Điền kinh;
* Bộ môn Thể dục;
* Bộ môn Bóng chuyền - Bóng rổ - Bóng ném;
* Bộ môn Võ - Bơi - Cờ;
* Bộ môn Bóng đá;
* Bộ môn Bóng bàn - Cầu lông - Quần vợt;
* Bộ môn Nghiệp vụ sư phạm;
* Bộ môn Lý luận Mác - Lênin;
* Bộ môn Ngoại ngữ;
* Bộ môn Y sinh;
* Bộ môn Toán Tin
Các chuyên ngành đào tạo tại trường Đại học Thể dục thể thao Hà Nội
Ngành đào tạo | Mã ngành | Khối thi | Chỉ tiêu |
Các ngành đào tạo trình độ Đại học | |||
Giáo dục thể chất | 7140206 | T00, T03 | 270 |
Phương thức tuyển sinh
- Phương thức 1 : Xét tổng điểm hai môn Toán, Sinh học (hoặc Ngữ văn, Sinh học) của kết quả thi THPT Quốc gia và điểm thi môn Năng khiếu TDTT (tính hệ số 2), cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy của Bộ GD&ĐT.
- Phương thức 2 : Xét tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 THPT (hoặc tương đương) hai môn Toán, Sinh học (hoặc Ngữ văn, Sinh học) và điểm thi môn Năng khiếu TDTT (tính hệ số 2), cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành của Bộ GD&ĐT.
- Phương thức 3 : Điểm xét tuyển là Tổng điểm ba môn Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT (tính hệ số 2) của kết quả thi tuyển sinh tại Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành của Bộ GD&ĐT.
- Đối với cả ba phương thức trên, thí sinh đều phải thi Năng khiếu TDTT (đánh giá năng lực thể chất): Bật xa tại chỗ (tính bằng cm); Chạy 100m (hoặc Chạy Nhanh khéo) (tính bằng giây). Chiều cao nam từ 1m62, nữ từ 1m52 trở lên.
Theo Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội