Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, tiền thân là trường Công nhân Kỹ thuật Vinh được thành lập theo Quyết định số 113/CP.PG ngày 08/4/1960 của Chính Phủ. Bấy giờ, Trường Công nhân Kỹ thuật Vinh cùng với Trường Công nhân Kỹ thuật Hải Phòng là hai trường lớn làm nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật ở miền Bắc. Trường đóng trên bãi Cồn Nia, thuộc Làng Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Sau khi có Quyết định 113/CP.PG, các ông Lê Nguyên Cáp, Trần Anh Thức, Đỗ Như Phấn, Nguyễn Quốc Toán cùng với 26 người khác là những người đầu tiên được điều về làm nhiệm vụ đưa nhà trường đi vào hoạt động và Công ty Kiến trúc Vinh (nay là Công ty Xây dựng số 6) được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất cho Trường.
Mặc dầu phải lo xây dựng cơ sở vật chất, nhưng trước yêu cầu bức thiết về cung cấp nguồn nhân lực có kỹ thuật cho đất nước, Trường đã nhanh chóng tổ chức tuyển sinh. Sáng ngày 25 tháng 12 năm 1961, ngay trên công trường xây dựng trường, Lễ khai giảng khoá học đầu tiên được tiến hành với 450 học sinh và 90 cán bộ, giáo viên.
Đầu năm 1964, công việc xây dựng cơ sở vật chất của Trường cơ bản hoàn thành. Và cũng thời gian này - tháng 3 năm 1964, kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên được tổ chức. Ngay trong số học sinh vừa tốt nghiệp, 07 người đã được chọn ở lại trường để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thành giáo viên của Trường.
Sau kỳ thi tốt nghiệp khoá 2 chưa đầy một tháng, giặc Mỹ bắt đầu ném bom, bắn phá miền Bắc, Trường phải khẩn trương chuẩn bị sơ tán. Cuối năm 1964, Trường chuyển lên vùng rừng núi bãi Tập, cạnh con sông Hiếu, thuộc huyện Quỳ Hợp. Để giảm thiệt hại trong trường hợp giặc Mỹ ném bom vào nơi sơ tán (được gọi là khu A), tháng 4 năm 1966, một bộ phận của Trường vượt sông Dinh, qua làng Cốc Mẵm, lập thêm một khu sơ tán mới (được gọi là khu B), cũng thuộc vùng rừng núi Bãi Tập, cách khu A khoảng 20 km.
Không thể nói hết những khó khăn ở nơi sơ tán. Từ thành phố, phải lên sống với muỗi núi, vắt rừng, khe sâu, nước độc; phải ăn độn sắn khoai, phải lấy lá tàu bay thay cho các loại rau xanh,… nhưng tất thảy đều được vượt qua. Thầy và trò cùng chung tay dựng lên trên 10.000 m2 nhà, tự tay lắp đặt trang thiết bị, đảm bảo tốt hoạt động dạy và học. Chính ở nơi núi rừng này, không kể khoá 4 từ thành phố chuyển lên, 10 khoá học (từ khoá 5 đến khoá 14) đã được tuyển sinh, đào tạo với học sinh đến từ các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tinh, Quảng Bình. Cũng chính từ nơi đây, nhiều học sinh đã viết đơn bằng máu để xin được ra mặt trận trực tiếp cầm súng đánh Mỹ như các em: Đặng Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Ân, Trần Thị Vinh,… Và cũng từ ở nơi khó khăn này, hàng chục sáng kiên cải tiến kỹ thuật đã xuất hiện: khử khói lôcô - máy phát điện chạy bằng củi thay thế xăng dầu, vận hành máy bằng các bộ phận quay tay khi không có điện;…; hàng chục loại sản phẩm mới ra đời: máy tiện Kỹ thuật Vinh, máy lăn răng, máy băm dũa, máy cán mỳ sợi, máy tuốt lúa, máy cưa thép,…
Tháng 5 năm 1973, Trường rời hai khu sơ tán trở về Vinh. Cũng năm này, trường đổi tên thành Trường Giáo viên dạy nghề Vinh. Theo yêu cầu của thực tiễn, nhà trường được nâng cấp dần: năm 1978, thành Trường Sư phạm Kỹ Thuật Vinh; năm 1999, thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh và năm 2006, thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh theo quyết định số 78/2006/QĐ-TTg, ngày 14.4.2006 của Thủ tướng Chính phủ..
Trường ĐHSPKT Vinh là Trường công lập, có chức năng đào tạo giáo viên dạy nghề trình độ thạc sỹ, đại học và cao đẳng; đào tạo nhân lực trình thạc sỹ, độ đại học và cao đẳng các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ và kinh tế; dạy nghề các cấp trình độ; nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ giáo dục – đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Trường có 11 khoa, 1 bộ môn trực thuộc và 5 trung tâm. Đào tạo 4 ngành thạc sỹ; 12 ngành đại học; 26 ngành cao đẳng ở các lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, Cơ khí Động lực, Công nghệ Thông tin, Điện, Điện tử, Kỹ thuật Công nghiệp, Kinh tế. Trường đang phấn đấu đào tạo GVDN đạt trình độ khu vực và quốc tế, trước mắt 4 ngành nghề đạt đẳng cấp quốc tế, 5 ngành nghề đạt đẳng cấp khu vực ASEAN và các ngành nghề còn lại đạt đẳng cấp Quốc gia.
Trường đã được Tổng cục dạy nghề cấp giấy phép đánh giá kỹ năng nghề quốc gia từ bậc 1 đến bậc 4.
Để tăng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, cùng với việc củng cố, phát triển các ngành nghề hiện có, trong những năm tới, trường tiếp tục mở thêm các ngành, nghề đào tạo mới thuộc lĩnh vực Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và Quản lý, Kỹ thuật giao thông, Kiến trúc và xây dựng, Máy tính và Công nghệ thông tin. Lộ trình mở thêm ngành nghề đào tạo mới được xác định trên cơ sở phát triển đội ngũ giảng viên và khả năng đầu tư phát triển cơ sở vật chất trang thiết bị, năng lực quản lý.
Những năm qua, nhà trường đã đào tạo - bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho hàng nghìn người, trong đó có nhiều người đã trở thành cán bộ quản lý dạy nghề giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật, thợ bậc cao, nhiều người đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Sinh viên của Trường luôn đạt giải cao trong các kỳ thi sáng tạo KHKT và nghiệp vụ sư phạm. Chất lượng đào tạo GVDN và nhân lực KHCN của Nhà trường luôn được các cơ sở dạy nghề và các đơn vị sử dụng nhân lực đánh giá cao. Vì vậy, hầu hết sinh viên của Trường tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên môn và thu nhập ổn định. Hiện nay, các công ty và tập đoàn lớn như: Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn); Tập đoàn Fosmosa; Công ty TOYOTA; Tổng công ty lắp máy (LILAMA); Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty lắp máy 451, TP Hồ Chí Minh, Thủy điện Bản vẽ...đã đặt hàng đối với Nhà trường để đào tạo nhân lực kỹ thuật trình độ cao và công nhân kỹ thuật có tay nghề do đó cơ hội việc làm cho sinh viên sẽ là rất lớn.
Với hơn 20 đối tác liên kết là các cơ sở dạy nghề và 15 công ty, tập đoàn có quan hệ trong đào tạo, Trường có nhiều điều kiện thuận lợi để sinh viên thực tập, thực tế để tiếp cận mới môi trường lao động thực tế và công nghệ sản xuất nhằm gắn đào tạo với sử dụng.
Để nâng dần chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế, Trường đã tăng cường quan hệ quốc tế với một số trường của Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Úc,Anh, Mỹ để đào tạo đại học và sau đại học; trao đổi hợp tác đào tạo liên thông giữa ba nước Lào, Thái Lan, Việt Nam; Hợp tác với City and Guilds và Trường Westminster Kingsway College (Vương quốc Anh), City&Guilds thành lập trung tâm đánh giá giáo viên về kỹ năng nghề và sư phạm nghề theo chuẩn quốc tế.
Năm 2014, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo Thạc sỹ. Khóa 1 có 34 học viên đánh dấu một mốc quan trọng trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của Nhà trường.
Về cơ sở vật chất, trường hiện có hệ thống phòng học, thí nghiệm, xưởng thực hành với 124 phòng học lý thuyết; 40 phòng thí nghiệm; 88 phòng thực hành cùng trang thiết bị hiện đại đồng bộ đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thư viện có hơn 81.000 bản sách và hệ thống thư viện điện tử nối mạng. Ký túc xá 800 chỗ đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập tốt cho sinh viên.
Nhận thức được vai trò to lớn của hoạt động khoa học công nghệ trong nhà trường Đại học, trường đã triển khai và tìm các giải pháp nhằm huy động đông đảo cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và chất lượng của hoạt động này ngày càng được nâng cao. Hiện trường có trên 300 cán bộ giảng viên, trong đó 95% có trình độ sau đại học ; 30% giảng viên tham gia thực hành nghề có trình độ từ bậc 7/7; 9 giảng viên được đào tạo bậc 3 nghiệp vụ sư phạm trình độ quốc tế. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, đó chính là nguồn nhân lực đầy tiềm năng để bổ sung vào đội ngũ thầy giáo tâm huyết, yêu nghề, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường Trong những năm tới, trường tập trung tranh thủ sự ủng hộ của Bộ ngành và xã hội quan tâm đồng bộ tới các yếu tố đảm bảo chất lượng nhằm tạo ra một chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Với những cố gắng và thành tích nổi bật, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985), Huân chương Lao động hạng Nhì (1990), Huân chương Lao động hạng Nhất (1995), Huân chương Độc lập hạng Ba (2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2010). Nhiều năm liền Trường tiếp tục được nhận Cờ thi đua của xuất sắc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.
Năm 2016, một vinh dự nữa đến với Nhà trường, PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương - Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức danh Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã và đang tập trung cho bước đi mới với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ; khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất để xây dựng Trường thành một cơ sở đào tạo có chất lượng, có uy tín, là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực và cả nước.
Trải qua hơn 55 năm xây dựng và phát triển, dẫu trong hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên, thế hệ nối tiếp thế hệ đã không ngừng phấn đấu vươn lên vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong lửa đạn, trong gian nan, trường đã đóng góp máu xương của mình, cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng tỉnh Nghệ An nói riêng và các Tỉnh khu vực miền Trung nói chung ngày càng giàu mạnh, văn minh. Trong thời gian tới tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực xây dựng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh nhanh chóng trở thành trường Đại học Sư phạm kỹ thuật trọng điểm Quốc gia.