Mới đây, Đại học Sư phạm Hà Nội vừa thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực. Kỳ thi của trường Đại học Sư phạm Hà Nội có tám môn, đề thi gồm trắc nghiệm và tự luận nhằm kiểm tra năng lực trở thành giáo viên.

Đại học Sư phạm Hà Nội thi đánh giá năng lực như thế nào? - Ảnh 1

Bạn quan tâm đến Đại học Sư phạm Hà Nội?

Năm 2022, lần đầu tiên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Kỳ thi này gồm tám môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề thi Ngữ văn sẽ có 30% là câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.

Thí sinh có cần có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT từ loại Khá và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên. Các em được đăng ký tối đa hai nguyện vọng. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nguyên tắc xét tuyển là theo từng ngành dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực cộng môn năng khiếu (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên).

Thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực theo hình thức trực tuyến đến ngày 1/4 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội tại địa chỉ https://ts2022.hnue.edu.vn/. Ngày 5/5, nhà trường sẽ công bố danh sách phòng thi, số báo danh tại website http://tuyensinh.hnue.edu.vn chứ không gửi giấy báo dự thi.

Kỳ thi sẽ diễn ra vào 7/5, công bố kết quả vào 31/5.

Khác với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hay đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi riêng của Đại học Sư phạm Hà Nội có các môn thi tương tự thi tốt nghiệp THPT. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình ôn tập.

TS Trần Bá Trình, Phó phòng đào tạo Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng khẳng định kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ phục vụ được cho kỳ thi đánh giá năng lực này. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi của Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ kết hợp trắc nghiệm và tự luận thay vì trắc nghiệm hoàn toàn như đề thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Trình, việc để đề thi dưới dạng 100% trắc nghiệm có điểm mạnh là kiểm tra được phổ rộng kiến thức của học sinh nhưng chưa đánh giá được năng lực trình bày, suy luận của các em.

Với 30% đề thi được chuyển thành tự luận (trừ môn Ngữ văn), thí sinh sẽ bộc lộ được quá trình tư duy của mình, thể hiện năng lực trình bày. "Đó cũng là năng lực cốt lõi của nghề giáo viên và là lý do trường đưa phần tự luận vào", ông Trình nói.

Vì vậy, để làm tốt bài thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Trình lưu ý thí sinh ôn tập theo hướng đi vào bản chất của vấn đề, tức là khi học một khái niệm, định lý, kiến thức nào đó thì cần hiểu được bản chất chứ không theo kiểu nhớ máy móc, học thuộc.

Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tuyển khoảng 20-30% chỉ tiêu từng ngành, năm 2022, Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng bốn phương thức khác như năm ngoái, gồm xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Giáo dục mầm non và Giáo dục mầm non - Sư phạm Tiếng Anh.

Đại học Sư phạm Hà Nội cũng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ưu tiên cộng điểm hoặc phỏng vấn xét tuyển thẳng đối với thí sinh viết và nộp bài luận, đồng thời bài luận đạt kết quả tốt.

5 trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh

TOP 5 trường Đại học được đánh giá cao tại Hà Nội

Theo VnExpress