Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 - 2014 vừa kết thúc. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có biện pháp "giải cứu" cho các trường ĐH ngoài công lập (NCL), nhưng tình hình tuyển sinh của nhiều trường không khá hơn so với năm trước.

Chỉ đạt 30% chỉ tiêu

Năm nay, để tạo được nguồn tuyển dồi dào, Hội đồng điểm sàn Quốc gia đã quyết định lấy điểm sàn dựa trên tổng điểm bình quân. Cách tính này đã mang lại số lượng thí sinh (TS) dôi dư trên sàn ở bậc ĐH là 238.768 em, cao hơn gần 100.000 TS so với mùa tuyển sinh 2012. Thế nhưng, giải pháp cứu trường NCL dường như chưa phát huy hiệu quả khi tình hình không cải thiện, thậm chí còn èo uột hơn.

PGS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi than phiền, mặc dù trường có những chính sách về học bổng, cơ sở vật chất khang trang, nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 30% so với 1.200 chỉ tiêu. Nguyên nhân là do, trường ĐH công lập được phép lấy thêm từ 5 - 7% so với số chỉ tiêu, nên TS đổ hết vào đó. Các ĐH NCL khác như: Lương Thế Vinh, Chu Văn An, Hà Hoa Tiên… cũng chung tình trạng này dù đã áp dụng các "chiêu" tuyên truyền, thưởng tiền và tạo điều kiện thuận lợi khi nhập học. Điển hình, ĐH dân lập Hải Phòng chỉ tuyển được khoảng 50% của 2.200 chỉ tiêu, ngang bằng năm 2012.

***Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Nguồn tuyển nhiều, người học ít

Mong được tuyển sinh mùa xuân

Trước tình hình này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về cách cải tiến trong tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT đã thực sự tạo thuận lợi cho các trường NCL? Rồi việc Bộ GD&ĐT cho phép TS không trúng tuyển đợt 1 nhưng có điểm cao hơn sàn được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi để gửi vào trường nào cũng được, đợt nào cũng được là một vấn đề. Có trường TS nộp hồ sơ vào nhiều đến mức 1 chọi 50, trong khi có trường lại không có TS.

Thời điểm này, lãnh đạo nhiều trường đang chờ "phao cứu sinh" của Bộ GD&ĐT thực hiện lời hứa cho phép các trường tuyển chưa đủ được xét tuyển thêm vào tháng 3/2014 để không bị hao tổn chi phí đầu tư. PGS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh cho rằng, Bộ đã từng cho phép trường RMIT tuyển sinh 3 lần/năm, nên Bộ hãy ủng hộ đề xuất này. Như thế, TS trên sàn không mất một năm chờ đợi, các trường cũng chọn được TS có chất lượng hơn.

Tuy nhiên, PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại không ủng hộ quan điểm này. Theo ông Hóa, điều kiện của các trường như thế nào thì TS mới không đến, chứ không thiếu nguồn tuyển. Nếu Bộ cho tuyển sinh thêm vào mùa xuân, tính pháp lý trong đào tạo sẽ bị đe dọa. Để thu hút TS, trước hết các trường phải lo cho "thương hiệu" của mình; có chính sách học bổng cho sinh viên giỏi, khuyết tật, nhà nghèo. Ngoài ra phải thanh lọc giáo viên khi có phiếu tín nhiệm không tốt.

Trong câu chuyện tuyển sinh ĐH, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT trong năm học tới, chỉ nên đầu tư toàn bộ cho một số trường công lập. Còn những trường khác, SV có điểm đầu vào từ 20 trở lên thì mới được bao cấp để tạo mặt bằng chung. Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ 1/1/2013, Bộ cũng nên cho phép các trường thực thi Điều 34, giao quyền tự chủ trong tuyển sinh để các trường chủ động. Khi đó, trường nào có năng lực thì sẽ tồn tại và phát triển.

Theo tác giả Thủy Trúc, KTĐT