Sự kiện thành lập Trường Đại học Kiến trúc năm 1969 là một mốc son lịch sử trong sự nghiệp đào tạo cán bộ ngành Xây dựng nước ta.
Trước Cách mạng Tháng 8/1945, Chính quyền thuộc địa Pháp không chú trọng đào tạo cán bộ ngành Xây dựng. Kiến trúc sư được đào tạo với số lượng rất ít (2 - 10 sinh viên mỗi khóa) trong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Các loại cán bộ kỹ thuật khác đều tập trung trong loại hình Kỹ sư Công chính, được đào tạo trong Trường Cao đẳng Giao thông công chính. Số lượng tuyển sinh 20 - 30 sinh viên mỗi khóa cho cả 3 nước Đông Dương.
Trong thời kỳ “kháng chiến 9 năm” không có điều kiện đào tạo cán bộ bậc Đại học; Trường Cao đẳng Giao thông - Công chính thời đó chỉ đào tạo hệ Trung cấp Kỹ thuật chung cho Giao thông, Thủy lợi, Kiến trúc.
Sau khi giải phóng miền Bắc, những năm đầu, Trường Đại học Bách khoa đã bắt đầu đào tạo Kỹ sư Xây dựng. Số lượng tuyển sinh mỗi khóa trên dưới 100 sinh viên.
Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ I, nhu cầu cán bộ rất lớn và rất cấp thiết, đặc biệt là nhu cầu về Kiến trúc sư. Theo đề nghị của Bộ Kiến trúc, Chính phủ đã có văn bản số 1927 ngày 8/6/1961 cho phép Bộ Kiến trúc mở Lớp đào tạo Kiến trúc sư, số lượng tuyển sinh mỗi khóa 100 người. Bộ Giáo dục và Trường Đại học Bách khoa có trách nhiệm giúp đỡ Bộ Kiến trúc về mặt trường sở, chỗ ăn, ở cho học sinh, vấn đề thực tập thí nghiệm, giảng dạy về chính trị, khoa học cơ bản,… Các lớp sinh viên Kiến trúc khoá 1961, 1962, 1963 được biên chế thành ngành Kiến trúc khoá VI, VII, VIII thuộc Khoa Xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tháng 10/1963, sau khi đã chuẩn bị đủ cơ sở Trường lớp, và đội ngũ cán bộ giảng dạy, có sự thoả thuận với Bộ Giáo dục, Lớp Đào tạo Kiến trúc sư được chuyển khỏi Bách khoa, hoạt động độc lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Kiến trúc.
Năm 1966, Nhà nước thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Một loạt Trường Đại học mới ra đời, trong đó có Trường Đại học Xây dựng. Theo đề nghị của Bộ Đại học và TH chuyên nghiệp, Chính phủ đã quyết định sáp nhập Lớp Đào tạo KIến trúc sư vào Trường Đại học Xây dựng, trở thành Khoa Kiến trúc Đô thị Trường Đại học Xây dựng.
Năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mĩ đã giành được những thắng lợi to lớn. Nhiệm vụ xây dựng lại đất nước trở nên cấp thiết. Việc thành lập Trường Đại học Kiến trúc để đào tạo cán bộ với quy mô lớn cho ngành Xây dựng là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của ngành Đại học. Theo đề nghị của Bộ Kiến trúc, Chính phủ đã có Quyết định 117/Ttg ngày 17/9/1969 thành lập Trường Đại học Kiến trúc, trên cơ sở Khoa Kiến trúc Đô thị tách ra từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Từ cơ sở ban đầu là Lớp Đào tạo Kiến trúc sư của Bộ Kiến trúc (có sự phối hợp đào tạo của trường Đại học Bách khoa), qua 6 năm trở thành Khoa Kiến trúc Đô thị Trường Đại học Xây dựng, qua 2 năm tiếp theo đã phát triển thành Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Trường có cơ sở giảng đường, lớp học, xưởng thiết kế, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá, nhà ăn… là những ngôi nhà kiên cố tại Văn Yên, Thị xã Hà Đông.
Từ đây, Trường được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), trực tiếp nhận được yêu cầu các loại cán bộ từ Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế Đô thị, Kỹ thuật công trình đô thị, Quản lý Kiến trúc và Đô thị…, cung cấp kịp thời cho công cuộc kiến thiết đất nước. Đây là mốc son chuyển biến lớn trong đào tạo cán bộ bậc Đại học của ngành.
Khi mới thành lập, Trường được giao nhiệm vụ đào tạo 4 loại hình cán bộ bậc Đại học cho ngành Xây dựng: Kiến trúc sư, Kỹ sư Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Kỹ sư Xây dựng công trình kỹ thuật Thành phố, Kỹ sư Kinh tế Xây dựng. Trường có 2 khoa: Khoa Kiến trúc và Khoa Kỹ thuật Xây dựng. Quy mô tuyển sinh là 200 sinh viên mỗi khóa. 2 năm sau, Trường phát triển thành 4 Khoa: Khoa Kiến trúc, Khoa Đô thị, Khoa Xây dựng, Khoa Cơ bản. Quy mô tuyển sinh tăng dần đến 400 sinh viên mỗi khóa.
Những năm tiếp theo, Trường được mở thêm các ngành mới: Kỹ sư Xây dựng công trình ngầm, Kỹ sư Quản lý Đô thị, Mỹ thuật Công nghiệp. Từ năm 1990, Trường được giao đào tạo sau Đại học các ngành đang được đào tạo tại Trường.
Từ mốc son này, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có bước phát triển vững chắc. Hiện nay, Trường có 10 khoa, 7 Trung tâm với 10 ngành học. Sự nghiệp đào tạo cán bộ của ngành Xây dựng lớn mạnh: Bộ Xây dựng hiện trực tiếp quản lý 2 Trường Đại học Kiến trúc, 2 Trường Đại học Xây dựng, 4 trường Cao đẳng Xây dựng trên toàn quốc, bảo đảm đào tạo đủ cán bộ bậc Đại học phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được tổ chức từ 10 khoa, 1 trung tâm và 1 bộ môn: