Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn về đề án 1 kỳ thi quốc gia

Các ý kiến lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT đều ủng hộ cho một Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, tuy nhiên vẫn băn khoăn về các phương án.

Ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian qua là một lộ trình cho thấy những chuyển biến tích cực được học sinh và xã hội đánh giá cao.

Việc nghiên cứu để làm một kỳ thi THPT quốc gia là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của nền giáo dục thế giới, không đơn thuần là về yếu tố kinh tế xã hội mà có tác động tích cực tới toàn bộ hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, nhận định về chi tiết kỳ thi, ông Minh cho rằng, trước mắt không nên làm tích hợp các môn mà nên làm tổng hợp.Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, cách làm có thể lộ trình từ phương án 1 nhưng ông nghiêng về phương án 2, trong đó hai môn Toán và Tin là các môn cần phải xem đến, bởi trong thời đại ngày nay nếu không quan tâm tới tin học sẽ bị lạc hậu. Theo ông Minh bài thi thứ nhất trong phương án này là Toán – Tin, Ngữ văn, Ngoại ngữ (sẽ có lộ trình theo đề án 2020). Các bài thi khoa học tự nhiên như vậy là hợp lí (Vật lí, Hóa học, Sinh học).

Bài thi khoa học xã hội cần có thêm bài thi Giáo dục công dân, theo ông Minh đây là môn quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Tuy nhiên, trong phương án 2 ông Minh không đồng ý việc thi tự chọn một trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, bởi theo ông đã học hết phổ thông thì học sinh phải có nền tảng, do đó việc thi cả tự nhiên và xã hội là điều cần thiết.“Một vấn đề cần lưu ý theo tôi, trong thực tiễn có khi sẽ thay đổi nhanh hơn tư duy quản lí, nếu chúng ta không theo kịp thực tiễn sẽ làm chậm lại quá trình phát triển giáo dục” ông Minh bày tỏ.

Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn về đề án 1 kỳ thi quốc gia

Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn về đề án 1 kỳ thi quốc gia

Cũng theo ông Minh, để làm được Bộ GD&ĐT phải thống nhất phương án và phổ biến sớm cho học sinh và giáo viên, tạo sự đồng thuận của xã hội. Bên cạnh đó các trường đại học cần có phương án tuyển sinh, xét tuyển như thế nào rồi trình bộ để tránh tình trạng sau này các trường  mất kiểm soát và tình trạng học thêm, dạy thêm sẽ bùng nổ.

Còn băn khoăn...

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM lại cho biết, ông ủng hộ phương án 1 và có thể thực hiện ngay trong năm 2015. Theo ông Sơn, việc thi quốc gia cần thêm thời gian chuẩn bị bởi có liên quan tới việc ra đề thi, học sinh phải được định hướng trước và làm quen với tích hợp.
Đối với phương án 2 nên thực hiện trong năm 2016. Phương án 3 sau khi rút kinh nghiệm qua các năm tổ chức thi lúc đó có lực lượng quan trọng để ra đề thi tích hợp các  môn.

Cả ba phương án đều tốt nhưng cần có lộ trình từng bước, đạt được từ bước 1 đến bước 3 sẽ đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục chung của cả nước” ông Sơn cho hay. Ông Bùi Đức Long – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cũng cho hay, ông đồng tình với việc có một kỳ thi THPT quốc gia có hai mục đích, vừa là công nhận tốt nghiệp và để các trường đại học căn cứ tuyển sinh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Long phương án 2 có vẻ khả quan nhất, vì chúng ta đang muốn tăng khả năng tổng hợp của học sinh thì việc thi theo bài là hợp lí.

Bàn về một kỳ thi quốc gia, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt cho biết, mặc dù ủng hộ việc có một kỳ thi nhưng với điều kiện là một tỉnh miền núi thì phương án thứ nhất sẽ hợp lí hơn. Theo bà Việt, với học sinh miền núi việc học tích hợp như các phương án 2 và 3 sẽ chưa tiếp cận được, ngoài ra giáo viên hướng dẫn cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng, các phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra cho một kỳ thi THPT quốc gia cần tham khảo rộng rãi ý kiến từ xã hội. Việc các phương án có nói tới đề thi có tính tích hợp, theo bà Giang dạng đề này khắc phục được tình trạng học lệch, quan điểm nên thi ít. Tích hợp cũng chỉ nên áp dụng ở các môn khoa học xã hội, ngược lại ở môn khoa học tự nhiên cần phải xem xét lại.

Từng nói trong Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc tích hợp các môn học vào một bài thi sẽ cần nhiều giáo viên chấm thi, gây khó khăn cho ngành giáo dục. Tuy nhiên có lợi cho xã hội thì vẫn phải làm.

Theo Phó thủ tướng, Bộ GD&ĐT cần làm tốt một kỳ thi, vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa là cơ sở để các trường ĐH, CĐ dùng kết quả này để xét tuyển. Phó thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. Hai hoặc ba kỳ thi nếu cần thiết vẫn phải thi. Nhưng nếu thực sự không cần thiết thì phải bỏ.

Phương án môn thi của một kỳ thi quốc gia chung đã được Chính phủ chỉ đạo phải công bố trước năm học mới. Bằng phương án thi này, ngành giáo dục sẽ cung cấp cho xã hội số đo của về trình độ của học sinh. Tránh được tình trạng trước đây các em phải đăng ký vào một trường trước khi thi mà không biết trường đấy như thế nào.