Trước tình hình dịch Covid-19, các trường Đại học có kế hoạch xem xét điều chỉnh đề án tuyển sinh, tuy nhiên phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT vẫn là ưu tiên.
Học sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021 và xét tuyển vào ĐH, CĐ trong thời gian dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp chưa diễn ra, các trường ĐH đang đứng trước băn khoăn về việc điều chỉnh đề án tuyển sinh.
Trước thực tế này, một số trường có những dự phòng tăng chỉ tiêu xét học bạ nếu dịch kéo dài.
Có nhiều phương án dự phòng
Một số trường ĐH đã lên kế hoạch điều chỉnh đề án tuyển sinh, trong đó dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức tuyển sinh riêng trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết theo đề án tuyển sinh đã công bố, trường dành 50% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% chỉ tiêu xét học bạ, 10% xét điểm thi năng lực và 10% ưu tiên xét tuyển. Tuy nhiên theo ông Nhân, trường hợp dịch diễn biến phức tạp, số lượng hồ sơ nộp về nhiều và chất lượng thí sinh tốt, trường có thể cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức khác như: xét học bạ, thi đánh giá năng lực.
“Tuy nhiên, mức độ tăng chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh riêng của trường nếu có cũng không quá nhiều, tối đa 60% tổng chỉ tiêu. Nếu triển khai, trường sẽ có thông báo chính thức tới thí sinh”, tiến sĩ Nhân chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết đến thời điểm hiện nay trường vẫn thực hiện đề án tuyển sinh đã công bố với 50% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp và 50% chỉ tiêu xét học bạ. Tuy nhiên, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài, những ngành khó tuyển ít hồ sơ đăng ký, trường có thể thực hiện 1 trong 2 phương án: không tổ chức đào tạo nếu hồ sơ quá ít hoặc điều chỉnh chỉ tiêu các ngành này theo hướng tăng xét học bạ.
“Nhưng dù thực hiện theo phương án nào, trường cũng đảm bảo chất lượng đầu vào để không lấy điểm chuẩn ở mức thấp. Như trước đây có năm trường đã quyết định không mở lớp với 2 ngành ít thí sinh đăng ký là công nghệ kỹ thuật dệt may và kinh tế gia đình”, tiến sĩ Thưởng cho hay.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết phương án dự phòng của trường sẽ ở phương thức tuyển sinh bằng phỏng vấn. Theo đề án, trường dành 1 - 5% chỉ tiêu để phỏng vấn trực tiếp người học, với dự kiến ban đầu tuyển khoảng 150 thí sinh. Nhưng nếu các phương thức khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trường có thể tăng chỉ tiêu phương thức phỏng vấn lên tối đa 5%, tương đương 250 thí sinh. Thông tin thêm về tình hình xét tuyển của trường, theo ông Thắng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có trên 30.000 nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cả trường và thí sinh đều chờ xét điểm thi tốt nghiệp
Xét học bạ là phương thức được nhiều trường ĐH áp dụng trong năm nay. Ghi nhận từ các trường ĐH đến thời điểm này đã có hàng ngàn nguyện vọng đăng ký vào các ngành bằng phương thức này.
Tuy nhiên, theo đại diện các trường, thí sinh vẫn có xu hướng “chuộng” phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hơn xét học bạ. Điều này thể hiện ở tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức học bạ năm trước thấp hơn nhiều so với số thí sinh trường gọi nhập học. Chính điều này khiến các trường băn khoăn có nên điều chỉnh cách thức, tỷ lệ chỉ tiêu các cách xét tuyển, đặc biệt với phương thức xét tuyển học bạ khi dịch diễn biến phức tạp.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay trường đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ năm nay từ ngày 20.5. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng và tổng số nguyện vọng đăng ký vào trường phương thức này gần 50.000. Tuy nhiên, so với tổng số đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn thấp hơn chục ngàn nguyện vọng.
Do vậy, theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, nhiều người học vẫn xem xét tuyển bằng học bạ là phương thức phụ. Thí sinh đăng ký bằng phương thức điểm thi rất cao, nếu trường điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét học bạ ngay thời điểm này sẽ thiệt cho thí sinh. Theo đề án đã công bố, trường dành 50% chỉ tiêu xét học bạ và số còn lại xét điểm kỳ thi chung. “Chỉ trong trường hợp không thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trường mới điều chỉnh đề án. Khi đó, trường tăng chỉ tiêu xét học bạ và tiếp tục thông báo xét tuyển đợt 2”, PGS-TS Hà nói.
Tương tự, một số trường ĐH cũng đang nhận được hàng chục ngàn hồ sơ xét bằng học bạ.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức tuyển sinh riêng đến hết ngày 15.7. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 14.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến và 4.000 thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp về trường (mỗi thí sinh đăng ký tối đa 5 nguyện vọng cho mỗi phương thức xét). Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận hồ sơ đến ngày 15.6 và đến nay đã có trên 44.000 nguyện vọng đăng ký học bạ.
Tuy nhiên, theo đại diện cả hai trường ĐH này, tổng số nguyện vọng đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn cao hơn nhiều so với phương thức xét học bạ. Các trường vẫn chờ quyết định của Bộ GD-ĐT về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và các hướng dẫn tuyển sinh cụ thể.
> Các trường ĐH TP.HCM công bố điểm trúng tuyển xét học bạ đợt 1
> Hà Nội: Hơn 100.000 học sinh lớp 12 hoàn thành khảo sát trực tuyến
Theo Thanh Niên