Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh miền Tây bắt đầu năm học mới 2021 - 2022 đầy khó khăn, thử thách cho cả học sinh và phụ huynh.
Nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre băn khoăn về kế hoạch tổ chức dạy và học cho năm học mới
Ngày 28.8, tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh này sẽ tiến hành dạy học trực tuyến cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Phụ huynh lo lắng về điều kiện học trực tuyến
Rất nhiều phụ huynh ở Tiền Giang bày tỏ nỗi lo lắng vì gia đình vốn khó khăn, lại thêm gần 2 tháng qua phải ở nhà do dịch Covid-19 nên không có điều kiện trang bị các thiết bị điện tử, lắp đặt kết nối mạng internet để đảm bảo việc học trực tuyến.
Về câu chuyện này, tiến sĩ Lê Quang Trí chia sẻ rằng ông cũng thấu hiểu nổi khó khăn của các em học sinh chưa có điều kiện để tiếp cận công nghệ trong quá trình học trực tuyến. Do đó, Sở đã triển khai đồng bộ 3 hình thức phân tầng để em nào cũng tiếp cận được chương trình học. Theo đó, những học sinh không trang bị được máy tính, điện thoại thông minh và internet thì có thể học qua tivi (VTV7).
‘Rút kinh nghiệm từ học kỳ 2 của năm học trước nên chúng tôi tin tưởng sẽ dạy học trực tiếp có hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cũng nói rõ luôn là việc tổ chức dạy học trực tuyến là chúng tôi muốn các em sớm bắt đầu tập trung, tiếp cận kiến thức và sau khi dịch Covid-19 đã ổn định thì khi các em vào trường học trực tiếp, thầy cô giáo sẽ ổn luyện, kiểm tra rất kỹ lưỡng ở các phần đã học trực tuyến. Hiện, sách giao khoa đã được chuyển về các trường, nhưng do giãn cách xã hội nên chúng tôi đang phải nhờ lực lượng phòng chống dịch tại các địa phương chuyển sách giáo khoa đến từng nhà cho các em’, tiến sĩ Trí cho hay.
Bối rối với 3 phương án dạy học
Tại Bến Tre, kế hoạch của UBND tỉnh Bến Tre về tổ chức dạy học năm học mới đã được ban hành. Theo đó, ngày 13.9, học sinh giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu học; ngày 20.9 bắt dầu dạy đối với khối giáo dục mầm non. Đặc biệt, kế hoạch của tỉnh Bến Tre có sự đan xen một cách rối lắm, lộn xộn giữa học trực tuyến và học trực tiếp nên dư luân tại địa phương đã lo lắng nhiều ngày qua.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre cho biết Sở GD-ĐT đã có phương án tổ chức dạy và học sau với nhiều phương án bao gồm cả học trực tuyến và trực tiếp; Học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp tùy theo diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Theo bà Thúy, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, đảm bảo an toàn sẽ cho toàn thể học sinh học trực tiếp tại nhà trường. Trường hợp tình hình dịch bệnh chưa ổn định, chưa đảm bảo an toàn thực hiện học trực tuyến theo 3 phương án.
Phương án 1, học trực tuyến kết hợp học trực tiếp, trong đó, giáo viên phụ trách lớp sẽ chia lớp thành 2 nhóm; 1 nhóm học thứ 2, 4, 6 nhóm còn lại học thứ 3, 5, 7. Thời gian còn lại giao nhiệm vụ để học sinh tự học ở nhà.
Phương án 2, học trực tuyến kết hợp học trực tiếp nhưng chỉ thực hiện đối với một số khối lớp, còn lại học trực tuyến.
Phương án 3, học trực tuyến đối với toàn bộ học sinh.
Theo bà Thúy, Sở GD-ĐT đang khẩn trương phối hợp Sở Y tế, chính quyền các địa phương triển khai các bước lấy lại số trường học bị trưng dụng làm khu cách ly đối với người có liên quan dịch bệnh Covid-19. Đồng thời phối hợp với các địa phương cấp huyện, các tỉnh thành khác để triển khai các công việc cụ thể để các em học sinh bị kẹt được về nhà để bắt đầu chuẩn bị cho năm học mới.
Đặt sức khỏe của học sinh và giáo viên lên hàng đầu
Tại An Giang, tình hình dịch Covid-19 đang lây lan, bùng phát nhanh. Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã ký quyết định ban hành kế hoạch tổ chức năm học 2021 - 2022 và yêu cầu Sở GD-ĐT tùy theo diễn biến của dịch bệnh thông báo các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch.
Bà Trần Thị Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết học sinh toàn tỉnh sẽ không tập trung trong thời gian tựu trường. Giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo đến phụ huynh và học sinh biên chế lớp, nội quy, thời khóa biểu, nắm tình hình học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh, điều kiện về học trực tuyến... qua điện thoại, nhóm Zalo, niêm yết công khai tại trường hoặc sinh hoạt lớp dưới hình thức trực tuyến.
Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, bắt đầu thực học từ ngày 6.9 bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 15.9, tùy theo tình hình dịch bệnh, tất cả cơ sở giáo dục tổ chức dạy học theo các phương án: dạy học trực tuyến hoàn toàn hoặc dạy học trực tiếp theo hình thức chia đôi lớp học, kết hợp với dạy học trực tuyến hay dạy học trực tiếp hoàn toàn khi dịch bệnh được kiểm soát.
Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang chia sẻ thêm: Năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm và khó lường, khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm. Sở đã chủ động xây dựng các phương án để thích ứng với từng mức độ phức tạp của dịch bệnh để kiên trì mục tiêu giáo dục và phải đảm bảo đặt sức khỏe, sinh mệnh của học sinh, giáo viên lên hàng đầu.
Tại tỉnh Đồng Tháp, bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết trình khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 để UBND tỉnh xem xét, quyết định. Theo kế hoạch, học sinh tựu trường ngày 15.9 và các trường tổ chức khai giảng ngày 20.9.
Riêng với lớp 9 và lớp 12, các trường linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 6.9. Đối với học sinh chưa có máy tính, bố trí học trực tuyến theo nhóm trên địa bàn cư trú, nhưng không quá 3 học sinh/nhóm, nhằm đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Với các trường chưa đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến thì có thể tổ chức dạy học trực tiếp, tùy diễn biến dịch bệnh và mức độ quy định về thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch trên địa bàn.
> Giáo dục phổ thông mới: Dạy học và chấm điểm môn học tích hợp thế nào?
> TP.HCM: Tạo điều kiện vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa cho năm học 2021-2022
Theo Thanh Niên