Trong thời đại toàn cầu hóa, sử dụng thành thạo tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc đối với mọi “công dân toàn cầu”. Chỉ riêng tại khu vực Đông Nam Á, người lao động Việt Nam buộc phải làm chủ tiếng Anh nếu không muốn bị tụt hậu trong cuộc đua năng lực, cạnh tranh vị trí cao cấp với lực lượng lao động giỏi tại Singapore, Phillipines, Malaysia, Indonesia... - những nước vốn coi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ hoặc là ngôn ngữ thứ hai bắt buộc.
Trong khi đó, với lợi thế được phép tự do di chuyển lao động trong khu vực kinh tế chung của 10 quốc gia AEC, nguồn nhân lực Việt Nam nếu vững tiếng Anh sẽ có cơ hội tiếp cận với hơn 6.000.000 đầu việc hấp dẫn cùng cơ hội được cấp quyền cư trú dài hạn tại các nước thành viên AEC.
Chưa kể, hiện trên thế giới có trên 50 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, gần 80 quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và tiếng Anh chính là ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới trong tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh, thương mại, truyền thông cho đến du lịch, ngoại giao... Học tiếng Anh do đó là “lựa chọn vàng” mở ra hàng loạt cơ hội việc làm hấp dẫn trong nền kinh tế thời kỳ hội nhập.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, ba thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam tại AEC là “kỹ năng, tác phong công nghiệp và tiếng Anh”. Các chuyên gia khác cũng cho biết, AEC tuy mở ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng kèm theo không ít “nguy cơ” tụt hậu nếu lực lượng lao động Việt Nam chỉ chú trọng đầu tư chuyên môn mà xem nhẹ vai trò của tiếng Anh.
Chính vì vậy, sẽ không quá lời nếu khẳng định tiếng Anh là tấm vé thông hành không thể thiếu cho bất kỳ ai mong muốn khẳng định bản thân trong thời kỳ hội nhập. Ngôn ngữ Anh đã, đang và sẽ tiếp tục là ngành học then chốt dẫn lối thành công.
Với sự trang bị đầy đủ cả về kiến thức chuyên ngành lẫn kỹ năng hội nhập, sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh sinh viên có thể hòa nhập nhanh chóng vào môi trường đa văn hóa, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau tùy theo sở thích và sở trường: biên - phiên dịch trong các công ty, cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài; dịch thuật cho các nhà xuất bản, tòa soạn, đài truyền hình; chuyên viên marketing, tổ chức sự kiện, trợ lý trong các công ty nước ngoài; giảng dạy tại các cơ sở giáo dục hoặc làm việc tại các công ty du lịch, nhà hàng khách sạn…
Triển vọng nghề nghiệp và cơ hội việc làm rộng mở là điều kiện để ngành Ngôn ngữ Anh được đưa vào chương trình giảng dạy ở rất nhiều trường đại học hiện nay. Danh sách các trường đại học tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh dưới đây có thể là một nguồn thông tin tham khảo cho thí sinh mùa tuyển sinh năm nay.
Tại Hà Nội
- ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội
- ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
- ĐH Hà Nội
- ĐH Ngoại thương
- ĐH Kinh tế quốc dân
- ĐH Thương mại
- HV Tài chính
- HV Ngân hàng
- HV Ngoại giao
- HV Báo chí & Tuyên truyền
- ĐH Bách khoa
- ĐH Kinh doanh và Công nghệ
- Viện Đại học Mở Hà Nội
Tại TP Hồ Chí Minh
- ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh
- ĐH Ngoại thương
- ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh
- ĐH Tài chính - Marketing
- ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh
- ĐH Sài Gòn
- ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh
- ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh
- ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh
- Đại học Mở TP Hồ Chí Minh
- ĐH Hoa sen
Kênh tuyển sinh Tổng hợp