Từ nhỏ đã ước mơ làm cô giáo, giờ đây cô Lâm Hoàng Cát Tiên đã trở thành giảng viên dạy nghề điện công nghiệp và không ngừng truyền lửa cho sinh viên.

> Cô giáo giành học bổng Fulbright TEA sau nhiều lần thất bại

> Việt Nam có cô giáo vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu

Thạc sĩ Lâm Hoàng Cát Tiên (27 tuổi), giảng viên ở bộ môn điện công nghiệp, khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, được nhiều sinh viên học nghề yêu quý.

Cô Cát Tiên và sinh viên

Nữ giảng viên được nhiều nam sinh viên học nghề yêu quý

Cát Tiên kể: “Từ khi còn nhỏ bản thân tôi đã có ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một cô giáo. Thêm nữa khi đi học trung học, môn học mà tôi thích nhất là vật lý và các giờ học thực hành ở trường. Việc nhìn thấy các thí nghiệm về điện như mắc mạch điện làm cho đèn sáng, động cơ quay… thực sự làm tôi thích thú”.

Trước khi đặt bút viết hồ sơ xét tuyển vào đại học, Cát Tiên đã tìm hiểu các ngành học về điện và quyết định chọn ngành sư phạm kỹ thuật Điện - Điện tử của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là nguyện vọng 1, đúng với ngành học mà cô yêu thích từ nhỏ.

Là nữ sinh duy nhất trong lớp có gần 50 sinh viên, học một ngành học tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, nhưng Cát Tiên có kết quả học tập rất cao và được tuyển thẳng lên cao học. Sau khi có bằng thạc sĩ, Cát Tiên nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và trở thành giảng viên chuyên ngành điện tại trường này.

Cô Cát Tiên và sinh viên

Cô Cát Tiên hiện là giảng viên chuyên ngành điện tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng

Cát Tiên chia sẻ là giảng viên nữ của một ngành học được cho khô khan, khó khăn. Khó khăn là khi giảng dạy các tiết thực hành, việc làm cho sinh viên lắng nghe như tin tưởng vào mình là một vấn đề không đơn giản. Vì thế ngoài giờ dạy, Cát tiên tự rèn luyện tay nghề ở các môn học thực hành đến khi nhuần nhuyễn, sẵn sàng hỗ trợ khi sinh viên gặp sự cố trong thao tác.

Hình ảnh một giảng viên nữ đầy tâm huyết và sức trẻ giữa xưởng thực hành với những thiết bị nghề, chắc chắn sẽ khiến cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn và giúp sinh viên có thêm cảm hứng học tập.

Cô Cát Tiên và sinh viên

Cô luôn tâm huyết với nghề và không ngừng truyền lửa cho sinh viên

Cát Tiên kể: “Năm đầu tiên làm giáo viên chủ nhiệm, tôi gặp một bạn sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bạn phải làm thêm kiếm tiền gửi về nuôi mẹ ở quê. Trong lúc cần tiền, bạn đã tham gia cá độ đá banh, bị nợ rất nhiều phải bỏ nhà và không tham gia học tiếp nữa. Sau đó thì gia đình cũng tìm được bạn và cố gắng trả số tiền nợ đó. Sinh viên này đã liên hệ với tôi sau khi biết bạn có ý muốn được trở lại trường. Tôi đã tư vấn và động viên bạn nhập học lại từ đầu và mới đây bạn khoe được nhận học bổng cho sinh viên giỏi nhất lớp. Điều đó làm tôi cảm thấy rất vui và có thêm động lực làm để tiếp tục với nghề”.

Thạc sĩ Cát Tiên cho rằng hiện nay việc học nghề đã trở thành lựa chọn hàng đầu của không ít học sinh lớp 12. “Các em chủ động liên hệ với trường để được tư vấn về các ngành học từ rất sớm. Tôi mong đào tạo nghề sẽ được xã hội quan tâm nhiều hơn, vì công nhân kỹ thuật là nền tảng của các nhà máy cũng như các phân xưởng sản xuất. Cần phải chú trọng và phát triển hơn nữa đội ngũ công nhân kỹ thuật vững tay nghề”, Cát Tiên bày tỏ.

Ngoài ra, Cát Tiên cũng hy vọng khối ngành kỹ thuật có thêm nhiều nữ sinh quan tâm lựa chọn, vì thời nay con người làm chủ máy móc, máy móc hỗ trợ con người nên công việc không còn cực nhọc, vất vả như đa số người học nghề vẫn suy nghĩ lâu nay.

Gần 50% SV làm việc trái ngành đào tạo, nguyên nhân do đâu?

Gần 50% SV làm việc trái ngành đào tạo, nguyên nhân do đâu?

Các trường ĐH khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp , có những ngành tỷ lệ người học làm việc không phù hợp chiếm tới 40 - 50%.

Theo Thanh niên