GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | DÀNH CHO PHỤ HUYNH

 

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, các bà nội trợ đã phải cắt bớt rất nhiều khoản chi chưa thực sự cần thiết, nhưng có một khoản mà họ không thể cắt, đó là "đi Tết" giáo viên.


Không được thưởng tết

 

Tết năm nay, trong tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều người lao động đã không được thưởng Tết, hoặc có thì cũng với khoản tiền rất tượng trưng. Chính vì vậy, những khoản chi như làm đẹp, trang trí nhà cửa hay mua sắm quần áo mới đã bị hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, hầu như các bậc cha mẹ không thể không đi Tết cô giáo của con.

“Năm nay cơ quan em không đạt doanh thu nên mọi khoản tiền thưởng đều bị cắt hết. Thêm vào đó, lương mấy tháng gần đây cũng bị giảm nhiều. Bên doanh nghiệp của chồng cũng gặp khó khăn nên anh ấy chẳng có tiền mà đưa cho vợ. Thế nên, đến giờ này vẫn chưa mua sắm gì cho Tết” - Thuỳ Dương (công nhân may, Đống Đa, Hà Nội) tâm sự.

Tuy nhiên, Thuỳ Dương cho biết, mấy ngày nay lại đang phải đau đầu vì nghĩ chuyện quà Tết cho cô giáo. “Kinh tế khó khăn, giá cả leo thang thì cuộc sống của các cô cũng khó khăn theo. Giáo viên mầm mon lương cũng thấp, vì thế mình không thể bỏ qua cái khoản này được. Con em đang học mầm non, lớp có 4 cô. Mỗi cô chỉ 200.000 thôi thì cũng mất đứt gần 1 triệu rồi” - Thuỳ Dương than thở.

Khó khăn hơn Thuỳ Dương là Phương Thảo. Thảo có 2 con cách nhau 2 tuổi, đều đang học mẫu giáo. Vì vậy, số tiền mà Thảo phải lo gấp đôi người khác. Mấy ngày nay, Thảo cứ tần ngần không biết nên quyết định đi phong bì cho cô giáo 200.000 hay 100.000 đồng.

“200.000 thì tốn kém quá. Nhưng thời buổi này, 100.000 thì quá ít, chẳng mua được gì. Mình đưa cho cô cũng thấy ngại. Cả năm có cái Tết, ai cũng mong có quà. Mình cũng thế mà cô cũng thế. Nhưng mình đi làm, cơ quan không thưởng thì đành chịu. Con mình đang học cô, không thể không biếu quà Tết” - Thảo tần ngần nói.

Đối với các gia đình có con học cấp I thì đỡ hơn, vì chỉ lo quà Tết cho một cô. Tuy nhiên, mỗi phong bì lại không thể để một, hai trăm. Nghe các mẹ rỉ tai nhau thì phong bì cho mỗi cô khoảng 300.000 đến 500.000 là “vừa phải”. Nhưng, với những gia đình khó khăn thì để lo cái khoản “vừa phải” này cho 2 đứa con là cả một vấn đề.

Khó khăn nhất có lẽ chính là những gia đình có con học cấp II, cấp III. Ở cấp học này, ngoài giáo viên chủ nhiệm thì còn có nhiều giáo viên bộ môn khác "quan trọng" không kém. Đặc biệt là các giáo viên dạy toán, văn, ngoại ngữ là các mẹ không thể “bỏ qua”. Chưa kể, trong khi con cái cắm đầu vào học các môn chính để đối phó với các kỳ thi vượt cấp thì phụ huynh cũng phải quay sang “chăm lo” cho các giáo viên môn phụ khó nhằn khác như sử, địa...

Tuy nhiên, vẫn có những giáo viên đứng ngoài vòng xoáy phong bì quà cáp, đó là những giáo viên các môn phụ như nhạc, hoạ, thể dục, tin học... Đó là bởi vì, trong khi phụ huynh phải nhọc nhằn lo kiếm tiền, lo "đi Tết" những thầy cô giáo quan trọng thì họ sẵn sàng bớt đi những khoản được cho là không cần thiết, và đứng đầu trong danh sách đó chính là giáo viên môn phụ.

"Từ ngày đi làm giáo viên, em chưa bao giờ gặp một phụ huynh nào mang phong bì đến biếu cả. Về tinh thần thì vừa tủi thân lại vừa hãnh diện. Tủi thân vì những dịp lễ tết, đồng nghiệp tấp nập nhận quà thì mình cứ như ngoài cuộc. Nhưng được cái, bọn em chưa bao giờ phải ngại ngùng khi gặp mặt phụ huynh và cũng chưa từng bị bất cứ áp lực nào từ họ" - cô Kiều Oanh, giáo viên dạy nhạc tại trường cấp II tâm sự.

 

thuong tet, phu huynh, hoc sinh, tet am lich, vnmedia

 

Lỗi không hoàn toàn do cô, nhưng...


Cũng phải khẳng định rằng việc đi Tết không hoàn toàn do lỗi ở giáo viên, mà chủ yếu là ở tâm lý của phụ huynh. Một phụ huynh có con học cấp II của một trường thuộc quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, cô giáo chủ nhiệm của con chị cực kỳ tốt. Mỗi kỳ họp, cô đều nhắc đi nhắc lại với phụ huynh rằng, bây giờ kinh tế khó khăn, nuôi con ăn, rồi lo cho con đi học thêm học nếm đủ thứ tiền, các bố mẹ không cần nghĩ đến chuyện phải lo quà cáp cho cô.

“Thú thật với các phụ huynh là kinh tế của gia đình tôi cũng không khó khăn, tôi có nhà cho thuê, con cái cũng đã lớn, tự nuôi được bản thân nên các bác đừng lo chuyện lễ tết cho cô. Hãy tập trung lo cho các con” - cô giáo này nhắc nhở.

Tuy nhiên, cô nói như vậy là vì tấm lòng của cô, còn phụ huynh thì không vì thế mà quên “nhiệm vụ”.

“Chuyện đến thăm hỏi, tặng quà cô nhân dịp Tết đã thành thông lệ, con tôi đi học 10 năm rồi và không năm nào tôi bỏ qua dịp này. Năm nào xông xênh thì mua tặng cô cả quà, cả phong bì. Năm nay khó khăn thì tự mình làm cân mứt dừa biếu cô cũng được. Quan trọng là ở tấm lòng” - một phụ huynh chia sẻ.

Nhiều phụ huynh khác cũng cho biết, mặc dù cô giáo không hề gợi ý hay gây khó dễ cho con cái, nhưng nếu không biếu quà Tết cho cô thì họ thường có cảm giác áy náy và “năm mới mà gặp cô thì rất ngại”.

Chính tâm lý đó đã khiến cho nhiều gia đình, dù khó khăn đến mấy thì cũng chỉ dám rút bớt chi tiêu trong gia đình, chứ chuyện quà Tết cho cô tuyệt nhiên không dám “bớt”.

Chuyện “đi Tết” thầy cô vốn là truyền thống, là đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Trong thời buổi khó khăn, chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa được nhiều, việc các bậc phụ huynh có chút quà biếu giáo viên cũng không phải là điều cần lên án. Tuy nhiên, với những người còn khó khăn, có lẽ không nên quá chú trọng đến giá trị vật chất trong các món quà biếu giáo viên vì điều đó sẽ khiến chính bản thân họ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với cô giáo của con mình.

Ngoài ra, việc phải cố lo một khoản biếu cô giáo có thể làm bố mẹ ức chế, vô tình than thở trước mặt con. Điều này sẽ khiến trẻ không còn tôn trọng giáo viên, thậm chí dẫn đến coi thường, xúc phạm cô giáo như một số trường hợp từng đã xảy ra.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Kenhtuyensinh

Theo: VnMedia