Nhiều giáo viên nhận định các tác phẩm văn học ở cấp THCS quá nặng, học sinh khó lòng hiểu được nội dung chứ đừng nói cảm thụ cái hay của tác phẩm.

Dạy những điều quá lớn lao

Các giáo viên cho rằng có nhiều bài học mang tính truyền thống nhưng lại đưa vào phần đọc thêm, trong khi những bài phức tạp, vượt sức cảm nhận với độ tuổi học sinh (HS) thì bắt học kỹ.

Thực trạng này khiến một giáo viên văn dạy bậc THCS ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận) lên tiếng: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về những bất hợp lý trong sách giáo khoa (SGK) lớp 6 nhưng hình như không được ai tiếp thu”.

Theo giáo viên này, SGK môn văn phần văn học dân gian có những bài rất hay, mang tính giáo dục cao. Chẳng hạn Con Rồng cháu Tiên nói về nguồn gốc giống nòi dân tộc Việt; bài Bánh chưng bánh dày phản ánh thành tựu văn minh nông nghiệp buổi đầu dựng nước; bài Sự tích hồ Gươm ca ngợi tính chính nghĩa, chiến thắng vẻ vang của khởi nghĩa Lam Sơn; bài Chân, tay, tai, mắt, miệng khẳng định mỗi con người trong xã hội cũng như mỗi bộ phận trên cơ thể, đều có một nhiệm vụ riêng, có nghĩa vụ và trách nhiệm, không được tị nạnh nhau. Thế nhưng, những bài này lại xếp vào phần đọc thêm. "Mà bài đọc thêm thì không chỉ giáo viên dễ bỏ qua, giảng sơ sài mà ngay cả HS cũng không muốn học vì sẽ không đưa vào bài kiểm tra lấy điểm", giáo viên này cho biết.

Trong khi đó, chương trình lại có những bài văn quá sức HS. Chẳng hạn lớp 6 có bài Cô Tô của Nguyễn Tuân với nhiều từ ngữ miêu tả sự nguy nga, tráng lệ mà HS lớp 6 không thể hiểu hết. Tương tự, bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, đề cập bức thư của một thủ lĩnh da đỏ gửi tổng thống Mỹ về môi trường, xem ra khó cảm thụ đối với HS lớp 6.

Bà Hải Yến, giáo viên Trường THCS Hàm Mỹ (Bình Thuận), kể khi dạy thơ Đường của Đỗ Phủ, cô dặn các em phải học kỹ phần dịch nghĩa để hiểu bài. Một HS đứng dậy hỏi: “Cô ơi, học những bài này để sau này làm gì hả cô?”. Bà Hà Kim Lan, Phòng Giáo dục H.Bắc Bình (Bình Thuận), cũng tâm tư: “Những bài thơ Đường, thậm chí giáo viên còn chưa hiểu nổi, huống hồ học trò của chúng tôi là người dân tộc thiểu số”. Bà Lan đề nghị nên bỏ những bài thơ Đường của Lý Bạch hay Đỗ Phủ ra khỏi SGK lớp 7 vì nó không phù hợp, làm khó giáo viên và đánh đố HS. “Trước đây những bài thơ Đường dành cho HS lớp 9, nay đưa xuống lớp 7 là quá nặng đối với cả thầy và trò”, bà Lan nhận định.

 

Chương trình lớp 12 còn dễ thở hơn lớp 9

 

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.HCM) ôn thi môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạc

 

Học sinh đuối sức

Chương trình văn học lớp 9 có nhiều tác phẩm khác cũng quá sức với HS. Ông Vũ Hào Hiệp, giáo viên dạy văn Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM), phân tích: “Bài Tiếng nói của văn nghệ (tác giả Nguyễn Đình Thi viết năm 1948) thật sự quá khó đối với HS lớp 9, nên đưa vào dạy ở chương trình lớp 12 thì phù hợp hơn. Tác phẩm này ngôn từ cầu kỳ, ý tứ cao siêu, nhiều giáo viên khó lòng giảng được thì làm sao các em hiểu?”. Ông Hiệp dẫn chứng thêm bài Bến quê của Nguyễn Minh Châu còn khó hơn cả bài Chiếc thuyền ngoài xa cũng của tác giả này ở chương trình văn lớp 12. “Ngay từ tiêu đề Bến quê, tác giả đã dùng hình ảnh ẩn dụ quá sâu sắc. Bến quê thể hiện hình ảnh gia đình và quê hương, trong khi nhiều HS cứ nhầm tưởng là “bến sông quê”. Thực chất, HS lớp 12 học khá giỏi môn văn mới có thể hiểu được tác phẩm này. Bắt HS lớp 9 học và suy luận tác phẩm như nhà phê bình văn học thì làm sao các em chịu nổi?”, ông Hiệp đặt vấn đề.

Một bất cập khác hiện nay đang tồn tại ở môn ngữ văn nhiều cấp học là việc phân bố thời gian dạy không hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, giáo viên dạy văn Trường THPT tư thục Hồng Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Bài Việt Bắc của Tố Hữu và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm quá dài nhưng phân bố chương trình chỉ có 2 tiết/bài. Giáo viên và HS phải chạy bở hơi tai mới theo kịp chương trình”. Ông Hiệp dẫn chứng thêm: “Ở cấp THCS, cụ thể là lớp 9, có nhiều bài như: Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Viếng Lăng Bác… phải 2 tiết giáo viên mới dạy đủ nhưng chương trình chỉ phân bố có 1 tiết”. Đề xuất về chương trình - SGK ngữ văn mới, bà Liên nói: “Nên lược bớt tác phẩm trước 1975, thêm những tác phẩm hiện đại nêu cao giá trị sống, tính thời đại, gần gũi với cuộc sống thường nhật… để HS cảm thầy gần gũi và dễ học”.

 


Tin cần biết:

Tỉ lệ chọi 2013 của các trường đại học - cao đẳng

Thông tin kết quả thi đại học mới nhất

 

Tin bài gốc: thanhnien

Kenhtuyensinh

Theo: thanhnien