Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 vừa kết thúc một cách êm ả, ít nhất nếu đem ra so với kỳ thi năm 2012, khi xảy ra vụ gian lận thi cử - giải bài tập thể ở Hội đồng thi Đồi Ngô (Bắc Giang), làm dư luận bất bình. Bộ GD-ĐT vừa họp báo và nhận định kỳ thi thành công, nghiêm túc, đúng quy chế, chưa phát hiện vụ “Đồi Ngô” nào và đó là tiền đề quan trọng để tiến tới một kỳ thi “sạch” đúng nghĩa.

Còn xa thực tế

Thế nhưng, sau mỗi buổi thi, “phao” thi vẫn rải trắng trong và ngoài sân trường, hay theo nhiều thầy cô, sự thành công, êm ả của kỳ thi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau phần “nổi” đó vẫn là nỗi ngao ngán không thể không nói ra của thực tế thi cử thiếu nghiêm túc, có thể sẽ dẫn đến một kết quả thi không chính xác.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thừa nhận “vẫn có hiện tượng một số cán bộ coi thi chưa kiên quyết và kịp thời nhắc nhở thí sinh thực hiện các quy định, còn để một số thí sinh trao đổi bài trong phòng thi hoặc vứt bỏ tài liệu sau buổi thi ở sân trường, cổng trường, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục”. Điều đáng nói, không phải chỉ một số cán bộ coi thi mà rất nhiều cán bộ làm nhiệm vụ trong phòng thi với tâm lý “nương nhẹ”, giúp học sinh có thể trao đổi bài thi, chép bài của nhau để vượt qua kỳ thi vốn được đánh giá là nhẹ nhàng này.

>> Xem thêm bài: Tổng số thí sinh bị đình chỉ vì vi phạm quy chế thi năm 2013

 

Ngay chính bản thân người trong ngành là các thầy cô giáo làm giám thị cũng thừa nhận, chỉ những học sinh sử dụng tài liệu quá trắng trợn, có thái độ không đúng mực mới bị lập biên bản, còn đa phần giám thị làm lơ cho các em bởi tâm lý “học 12 năm thì cũng nên để học sinh có tấm bằng tốt nghiệp”. Tất cả những chia sẻ đó rất thật tình và dĩ nhiên không thể hiện bằng những con số, chứng cứ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định: “Mong cả xã hội tạo sức ép chống gian lận thi cử”. Nhưng hẳn các nhà lãnh đạo ngành giáo dục cũng nhận thấy một sự thật, đó là căn bệnh thành tích trong giáo dục, tâm lý nương nhẹ với học sinh tại kỳ thi này ở hầu hết các địa phương.

Tuy phải 2 tuần nữa các địa phương mới công bố kết quả thi tốt nghiệp, nhưng ai cũng dự đoán là sẽ tiếp tục có một con số tốt nghiệp đẹp, cao ngất ngưởng, tỷ lệ rớt tốt nghiệp có khi chỉ 1% - 2%. Rõ ràng, một việc làm chưa xong đã biết kết quả, lại là kết quả không thực chất; một việc làm phải huy động cả xã hội vào cuộc mà khi nhận kết quả mỹ mãn nhưng không nhiều người thấy vui. Đó chính là nghịch lý, là dấu hỏi đã lơ lửng suốt mấy năm qua, nhưng ngành giáo dục vẫn chưa giải được, hay không muốn giải? Chắc chắn, chưa thể có được một kỳ thi “sạch”. Và bỏ hay giữ nó, giữ như thế nào vẫn tiếp tục là nỗi trăn trở của nhiều người, kể cả chính người trong cuộc!

Tin bài gốc: SGGP

 

Thông tin cần biết về:

  • Tra cứu điểm thi tốt nghiệp tại đây

  • Thông tin chi tiết về các trường ĐH - CĐ đã công bố tỉ lệ chọi 2013

 

Kenhtuyensinh

Theo: SGGP