Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Để nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu đổi mới giáo dục, sự đổi mới ở hệ thống trường sư phạm cũng như trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành này đang được đặt ra một cách bức thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để các trường sư phạm - cỗ máy cái của ngành GD-ĐT có thể điều chỉnh, thích ứng được với yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo là cả một thách thức lớn.
Phải thoát khỏi lối mòn
Sau khi rà soát, đánh giá lại những lần cải cách giáo dục trước đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cho rằng có sự thiếu gắn bó giữa trường phổ thông và trường sư phạm. Vì vậy, trong thời gian tới, chương trình của các trường sư phạm sẽ được thay đổi cho phù hợp. Ví dụ, sắp tới, học sinh phổ thông không học các môn khoa học riêng lẻ mà học môn học tích hợp thì chương trình đào tạo ở trường sư phạm cũng không còn môn khoa học riêng. Phương pháp dạy học, cách kiểm tra, đánh giá của các trường sư phạm cũng sẽ được đổi mới. Sự đổi mới ở hệ thống trường sư phạm không mang nghĩa tự thân mà nhằm mục tiêu phục vụ đổi mới ở trường phổ thông.
Thay đổi đào tạo ngành sư phạm đổi mới giáo dục
Là một trong những "cỗ máy cái" được Bộ GD-ĐT giao trọng trách đầu tàu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đổi mới ở các trường sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xác định "khó nhất là đổi mới chính mình". PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Muốn đổi mới gì đi nữa thì cũng phải bắt đầu từ sự tự đổi mới bản thân của các trường sư phạm". Tuy nhiên, nhận định về thách thức đối với các trường sư phạm khi tham gia quá trình đổi mới giáo dục, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cũng thừa nhận: "Vượt qua được chính mình, thay đổi thói quen và cách tư duy theo lối mòn là điều rất khó".
Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nội dung đào tạo giáo viên hiện nay đang có sự bất cập và điều đó khiến cho phương pháp giáo dục mới khó đạt hiệu quả. Các trường sư phạm phải bảo đảm ít nhất 60% thời lượng cho việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm, 10-15% thời lượng cho việc cung cấp kiến thức đại cương, 20% cho việc cung cấp kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm của ngành toán và ngữ văn trong một trường sư phạm lớn của cả nước chỉ đạt mức gần 17%. Cách đào tạo này dẫn đến hệ quả là đội ngũ giáo viên trẻ ra trường có nhiều người giỏi chuyên môn nhưng khả năng truyền đạt, giảng dạy lại kém. Điều đó khiến cho giáo viên gặp khó khăn, thậm chí là không thể vận dụng phương pháp dạy học mới một cách hiệu quả.
Thay đổi đào tạo ngành sư phạm để thích ứng
Về yếu tố then chốt, quyết định thành - bại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục, là đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết: "Chúng tôi xác định là việc đào tạo và đào tạo lại phải tiếp cận theo hướng làm thế nào để khi ra trường, sinh viên đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh". Nhận định rằng, các trường sư phạm không có đủ số lượng giáo viên có thể đáp ứng ngay lập tức đối với nhiệm vụ đổi mới, nhà trường đã có giải pháp phòng xa, để khi đề án đổi mới bắt đầu được thực hiện thì tiến hành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có. Do không thể triệu tập tất cả giáo viên về trường để đào tạo lại, việc bồi dưỡng có thể được triển khai qua mạng. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, giáo viên chỉ cần có một chiếc điện thoại di động nối mạng internet là có thể tải các phần mềm phục vụ cho công tác bồi dưỡng. Hình thức này hiện đã được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội triển khai.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để có thể tự học, tự bồi dưỡng, các giáo viên cũng cần được trang bị kỹ năng tự học và cách giải quyết vấn đề phát sinh. Điều này không đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều trường đang gặp khó khăn trong việc đổi mới chương trình, lựa chọn phương thức, mô hình cho từng ngành học.
Ý nghĩa của việc xác định đổi mới hệ thống trường sư phạm mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu ra đã phần nào giải tỏa sự băn khoăn bấy lâu đeo đuổi nhiều nhà sư phạm, đó là việc đổi mới sư phạm bao giờ cũng đi sau đổi mới phổ thông. Tuy nhiên, để định hướng đúng phát huy hiệu quả trong thực tế, "cỗ máy cái" cần chủ động vượt khó trước tiên bởi hiện nay, các trường đào tạo sư phạm chưa chính thức được điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp để đáp ứng được yêu cầu của đề án đổi mới sau năm 2015 của Bộ. Trong khi đó, phương pháp dạy và học tích hợp, chú trọng phát triển năng lực cá nhân... là phương pháp phức tạp, vẫn còn mới mẻ, chưa trở thành "nếp" trong toàn bộ hệ thống giáo dục.
Để tìm tiếng nói chung, thúc đẩy ý thức chủ động đổi mới trong toàn thể giáo viên, thời gian qua, một số trường sư phạm đã có hành động cụ thể, thiết thực. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thảo luận tại các khoa, cuối tháng 12-2013 sẽ mở một hội thảo toàn trường. Trường ĐH Vinh chuẩn bị một số phương án thay đổi chương trình đào tạo, xúc tiến mở thêm môn mới, khoa mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Bộ. Trước mắt, về tuyển sinh, Hội đồng Trường ĐH Vinh đã đưa ra định hướng: Với 13 ngành đào tạo sư phạm, nếu không thi "3 chung" thì trường sẽ tổ chức thi 3 môn toán, văn và ngoại ngữ (tiếng Anh). Sau đó, trường sẽ sử dụng kết quả thi phổ thông, tùy vào từng chuyên ngành mà đề ra yêu cầu khác nhau về điểm; ví dụ, sinh viên học khoa Sư phạm vật lý cần có điểm môn vật lý cao hơn điểm vào các khoa khác. Hiệu trưởng trường, PGS Đinh Xuân Khoa khẳng định, nhà trường đã nghiên cứu tất cả các mô hình để không bị động khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ đổi mới.
Theo Quỳnh Phạm, HNM