>> Tuyển sinh, tỉ lệ chọi 2014, điểm thi tốt nghiệp 2014, điểm thi đại học 2014
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Mức chi phí đào tạo ngành y cao gấp 4 lần khối ngành kinh tế
Theo đó, mức thụ hưởng ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên của Nhà nước cho sinh viên ĐH dài hạn chính quy sẽ quy đổi theo các tiêu chí như ngành học, chất lượng đào tạo, vùng miền và cơ sở đào tạo đặc thù.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề xuất áp dụng mức thấp nhất ở hệ số 1 đối với sinh viên khối ngành kinh tế - dịch vụ, hệ số 1,2 với khối ngành văn hóa, hệ số 1,5 với khối ngành khoa học cơ bản, hệ số 1,8 với khối ngành sư phạm, hệ số 1,7 khối ngành nông - lâm - ngư, hệ số 2 với khối ngành công nghiệp - giao thông và xây dựng, hệ số 2,5 với khối ngành nghệ thuật, hệ số 4 với khối ngành y - dược.
Mức chi phí đào tạo ngành y cao gấp 4 lần khối ngành kinh tế
Cũng theo dự thảo này, nếu xét theo tiêu chí vùng, miền, hệ số hỗ trợ sẽ là 1,2 áp dụng đối với sinh viên học tập ở các cơ sở giáo dục đại học đặt địa điểm tại các tỉnh thuộc vùng trung du và miến núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hệ số 1 áp dụng đối với sinh viên học tập ở các cơ sở giáo dục đại học đặt địa điểm tại các tỉnh, thành phố còn lại.
Ngoài ra còn có Hệ số hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo chất lượng đào tạo, Hệ số hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho đại học quốc gia, đại học vùng và đại học xuất sắc.
Bộ GD-ĐT cũng dự kiến phân biệt điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2020 theo hai tiêu chí tỉ lệ giảng viên/sinh viên và tỉ lệ tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên, trong đó cơ sở ĐH đạt loại xuất sắc đồng thời phải bảo đảm tối thiểu có 4 giảng viên/100 sinh viên và số tiến sĩ đạt ít nhất 21% trong tổng số giảng viên của nhà trường. Đối với hệ cao đẳng các con số này lần lượt là 4/100 và 4%.
Theo Ngân Anh, VNN