Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Luật Giáo dục ĐH khẳng định quyền tự chủ của các trường trong đó có tự chủ tuyển sinh, nhưng theo Bộ GD&ĐT, “tự chủ”, còn tùy điều kiện của các trường.

Có một nghịch lý là trường đủ điều kiện thì vẫn muốn tuyển sinh “ba chung”, trường muốn tuyển sinh riêng lại đang gặp vấn đề về đảm bảo chất lượng. Như vậy, phương án tuyển sinh riêng liệu có khả thi?

Trường công muốn duy trì “ba chung”

Trên thực tế, 11 năm tuyển sinh “ba chung” đã đem lại những lợi ích không hề nhỏ đối với các trường như việc: Thống nhất thời gian thi, tiết kiệm khâu đề thi, vấn đề an toàn đề thi được đảm bảo.

“Ba chung” đã làm tròn “sứ mạng” của nó trong thời gian nhất định khi chưa có Luật Giáo dục ĐH và các điều kiện đảm bảo vấn đề tự chủ của các trường. Hiện nay, những trường ĐH trọng điểm và các trường uy tín lâu năm, hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu từ ra đề tuyển sinh đến thực hiện công tác tuyển sinh một cách độc lập thì việc tự chủ tuyển sinh sẽ giúp các trưởng chủ động nguồn tuyển cho mình, phù hợp Luật Giáo dục ĐH và xu hướng phát triển.

Quy định chuẩn đại học tuyển sinh riêng

Khi chất lượng các trường còn chưa đảm bảo thì phương án tuyển sinh riêng liệu có khả thi?

Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT thông báo sẽ ổn định kỳ thi ĐH đến hết năm 2015, hầu hết các trường công lập đều đồng ý với ý kiến này. Bởi về cơ bản, tuyển sinh “ba chung” không làm khó cho các trường top đầu về nguồn tuyển. Mỗi năm, các trường vẫn gọi đủ số sinh viên nhập học đúng quy định, đúng chuẩn và có những phân tầng nhất định. Chuyện vắng người học rơi vào nhóm các trường ngoài công lập (NCL).

PGS.TS Nhà giáo ưu tú  Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng ĐH Vinh cho rằng: “Thực tiễn tuyển sinh của trường mấy năm qua, chúng tôi nhận thấy kỳ thi ba chung rất có hiệu quả, đảm bảo sự an toàn trong khâu làm đề, vì vậy chúng tôi không có nhu cầu thay đổi, chất lượng đầu vào của trường rất tốt. ĐH Vinh được giao làm cụm thi quốc gia, mỗi kỳ thi chung như vậy tiết kiệm được nhân lực, vật lực, hiệu quả rất tốt. Sau mỗi kỳ thi, chúng tôi cũng có câu hỏi khảo sát các trường thì hầu hết các ý kiến đều đề xuất vẫn giữ ổn định kỳ thi “ba chung”, tuy nhiên nếu có sửa đổi thì sửa đổi về mặt kỹ thuật”.

Bài học từ những trường “tiên phong” tự chủ tuyển sinh

Song song với việc đảm bảo kỳ thi ổn định theo hướng “ba chung” đến hết năm 2015, từ 3 năm trước, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các trường ĐH trọng điểm lên phương án tuyển sinh riêng. Thực tế trong số các trường công lập, chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội trình phương án tuyển sinh riêng năm 2014 theo hướng đánh giá theo năng lực thay vì kiến thức. Còn lại, các trường có phương án tuyển sinh riêng đề̀u là trường NCL, cụ thể là: ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Quốc tế Bắc Hà…

Theo đề án gửi về Bộ, năm học 2014-2015 trường ĐH Kinh tế-tài chính TP HCM (UEF) tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, không thi tuyển. Bộ tiêu chí xét tuyển UEF đưa ra bao gồm: Tiêu chí số 1 là điểm thi ĐH theo đề thi 3 chung của Bộ GD&ĐT chiếm tỉ trọng 40%, điểm tối đa 40. Tiêu chí số 2 là điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ trọng 30%, điểm tối đa là 30. Tiêu chí số 3 là kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ THPT) chiếm tỉ trọng 30%, điểm tối đa là 30.

>>Lo ngại tiêu cực khi tuyển sinh riêng

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng đã đưa phương án không tổ chức thi tuyển mà tuyển sinh theo hình thức xét tuyển với các tiêu chí là kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ theo đề chung, điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp THPT, tổng điểm trung bình học tập năm học cuối cấp (lớp 12) của 3 môn học tương ứng với khối thi và ngành xét tuyển.

Tuy nhiên, trong những trường trình phương án tuyển sinh riêng, có trường mấy năm liên tiếp không gọi đủ 50% số sinh viên nhập học theo chỉ tiêu. Riêng ĐH Quốc tế Bắc Hà mới đây theo kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành - UBND TP Hà Nội thì còn nhiều vi phạm nghiêm trọng, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT đình chỉ hoạt động của trường này.

Để tự chủ tuyển sinh, phải tự chủ về tài chính và đảm bảo nhiều yếu tố khác liên quan đến đội ngũ, chất lượng. Khi các trường chưa thể đảm bảo về chất lượng thì phương án tuyển sinh riêng rất khó nhận được sự đồng thuận.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ ban hành các tiêu chí, điều kiện cụ thể trong tuyển sinh, sẽ có quy định cứng về tỷ lệ giảng viên cơ hữu của các trường tham gia ra đề trong tổng số người của ban ra đề thi… Bộ khuyến khích các ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, những cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ sớm đề xuất phương án tuyển sinh riêng, làm đầu tàu cho đổi mới tuyển sinh trong cả nước. Trước ý kiến này, các trường NCL lại cho rằng Bộ đang làm khó khối ĐH, CĐ NCL trong vấn đề tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT đang gấp rút soạn thảo văn bản để thực hiện việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường. Những đề án nào thỏa mãn các điều kiện yêu cầu thì thực hiện ngay trong năm 2014. Các đề án tuyển sinh riêng là cam kết của nhà trường. Do đó trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ dựa vào đó để thanh, kiểm tra.

Theo Phan Thủy, phapluatxahoi