Những "lệnh” này bổ sung thêm cho một "chính sách” khác được áp dụng từ đầu năm học: Không chấm điểm học sinh tiểu học. Thoạt nghe, có thể thấy cũng là những chuyện cấm dạy thêm học thêm muôn thuở từ nhiều năm nay, nhưng nghe kỹ lại là chuyện không nhỏ: 5 năm học tập đầu đời rất có thể sẽ có ảnh hưởng tới cả cuộc đời mỗi người và hơn nữa, từ chấm điểm đến không chấm điểm là cả một bước thay đổi lớn với hàng triệu học sinh tiểu học và hàng triệu gia đình Việt Nam. Bởi vậy, vài "lệnh” áp dụng cho trẻ em lại là việc rất lớn, hệ trọng liên quan đến tương lai một thế hệ người Việt.

Bỏ chấm điểm sợ học sinh tiểu học

Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học sẽ "cởi” áp lực về điểm số Ảnh: Hoàng Long

Học vì điểm, vì danh hiệu nọ kia, vì những cuộc thi học sinh giỏi, vì những cuộc chạy đua vào những ngôi trường danh giá… nhiều năm qua đã ngấm vào huyết quản các bậc cha mẹ, nhất là đối với cư dân đô thị. Bây giờ bỏ, tất sẽ gây ra hụt hẫng. Cha mẹ lấy gì để khoe con ở công sở và trên face book. Bây giờ làm khảo sát, bao nhiêu bậc cha mẹ vui mừng vì con được giảm tải, hay chỉ thấy "không có điểm thì chẳng biết nó học thế nào”. Không phải ai cũng nói như các chuyên gia giáo dục: Học để có năng lực làm người chứ không phải học vì điểm.

Đặc điểm của xã hội hiện nay là trước bất cứ một quy định mới nào ra đời, việc đầu tiên là nghi ngờ tính khả thi đã. Cho nên, kể từ đầu năm học mới đến nay, trên truyền thông xuất hiện hàng loạt hệ lụy từ việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, mà phổ biến nhất là các cô "tố khổ” rằng, lớp có vài chục cháu, cô "quá tải” khi thay vì chấm điểm lại phải ghi nhận xét. Chuyện này, những thế hệ trước kia hẳn còn nhớ những bài kiểm tra bên cạnh điểm, một thế hệ thầy cô vẫn cần mẫn ghi lời nhận xét. Rất nhiều người lớn lên hình thành nhân cách từ những lời nhận xét vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, nhân ái. Giữa những lời nhận xét vừa xác đáng về khả năng học tập của trẻ em, vừa mang cả tình cảm, tâm huyết của thầy cô với những điểm 9, điểm 10 lạnh lùng, điều gì sẽ giúp các em lớn lên tốt hơn?

Có lẽ điều khiến dư luận có lý khi còn nghi ngại về những "lệnh cấm” này là ở chỗ: Thay vì được hiểu như phương pháp đổi mới giáo dục lại được coi như giải pháp để chống dạy thêm, học thêm. Đương nhiên, chắc chắn sẽ có tác động tương đối tới dạy thêm, học thêm khi học không còn vì điểm, không vì thi học sinh giỏi, không còn để thi đầu vào… nhưng đừng coi một phương pháp giáo dục được đưa ra, áp dụng vào việc hình thành năng lực làm người của trẻ lại giống như một biện pháp hành chính. Giá mà khi đưa chủ trương không chấm điểm trẻ em, không giao bài tập về nhà, không thi học sinh giỏi… Bộ GD&ĐT phân tích và thuyết phục dư luận xã hội như một phương pháp giáo dục, vì sao lại nên áp dụng thì sẽ tốt biết bao.

Chấm điểm hay không chấm điểm là việc thay đổi một phương pháp giáo dục. Có cho trẻ em cọ xát, cạnh tranh nhau trong những cuộc thi danh hiệu nọ kia hay không cũng là phương pháp giáo dục. Đi học ở trường rồi về nhà không cần làm bài tập nữa cũng là phương pháp giáo dục… Những phương pháp ấy áp dụng cho những tâm hồn trẻ thơ. Chẳng thể dùng phương pháp giáo dục trẻ em để giải quyết vấn đề của người lớn.

Hãy có một chỉ thị khác dành cho giáo viên và thuyết phục dư luận tính ưu việt của những phương pháp giáo dục nên áp dụng cho trẻ em mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra có giúp trẻ lớn lên hoàn hảo hơn không?

Không thi tuyển đầu vào lớp 6, cách nào để chen chân vào trường điểm?

Lâu nay, thông thường học sinh học hết lớp 5 thì chuyển thẳng lên lớp 6 nếu là con em trong phường (tức đúng tuyến). Đối với số trường chuyên, trường điểm, việc tuyển đầu vào lớp 6 vẫn được tổ chức thi hoặc kiểm tra trình độ dưới hình thức này, hình thức khác. Nay với Chỉ thị cấm thi tuyển đầu vào lớp 6, câu hỏi "sốt vó” với nhiều phụ huynh là: Làm thế nào để con chen chân vào các trường điểm bậc THCS?

Đương nhiên, thực tế cuộc sống sẽ có những diễn biến không giống với quy định của Bộ GD&ĐT: Việc bàn giao giữa trường tiểu học với trường THCS trên cơ sở địa bàn, dưới sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT và trong kiểm tra đánh giá cuối năm học lớp 5 có mời giáo viên THCS dạy những năm học sau đến cùng ra đề, cùng kiểm tra, cùng chấm... Bộ nói rằng, với cách thức ấy không tổ chức thi tuyển sinh lớp 6 và khảo sát chất lượng đầu năm nhưng vẫn có cuộc bàn giao chất lượng và cùng hợp tác, giám sát chất lượng học sinh lớp 5.

Có phải toàn bộ lớp 5 của một trường nào đó sẽ cùng dắt tay nhau lên cùng một lớp 6 cũng cùng một trường nào đó trên cùng một địa bàn đâu. Điều này chỉ đúng với học sinh nông thôn. Thực tế là sau bậc tiểu học, ở các trường thành phố các em có mục chọn trường cho lớp 6. Hẳn năm học tới đây, nếu đúng như trả lời của lãnh đạo Bộ là ngay cả những trường như THCS Amsterdam cũng không được thi tuyển, việc xin học cho con vào lớp 6 sẽ càng là một cuộc chạy đua đầy gay cấn.

Theo Báo Đại Đoàn Kết, tin gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=93255&menu=1434&style=1