Nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 11-03 đến 11-04

Nhiều thí sinh tỏ ra băn khoăn về việc đăng ký dự thi, cách viết hồ sơ, thời gian nộp và địa điểm nộp hồ sơ. PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn một tháng nên cần cân nhắc kĩ trước khi đăng ký dự thi.

“Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi ngay tại các trường THPT các em đang theo học từ 11-3 đến 11-4. Sau đó, từ 12-4 đén 19-4 các có thể tiếp tục nộp hồ sơ tại trường đăng ký dự thi. Về nội dung đăng ký dự thi, các em cần đọc kỹ hướng dẫn phía sau. Đa phần nội dung cần điền trong hồ sơ dự thi là thông tin về cá nhân thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần tham khảo cuốn những điều cần biết hay thông tin tuyển sinh cụ thể các trường để ghi chính xác mã trường, mã ngành đào tạo”- PGS Nghĩa cho biết.

 

Cập nhật nhanh những vấn đề nóng trong ngày tư vấn tuyền sinh


Ông Nghĩa cũng lưu ý thí sinh về một thay đổi nhỏ nhưng rất quan trọng trong mùa thi 2013 là ở một số khối thi sẽ có sự thay đổi về thứ tự môn thi. Theo đó, năm 2012, khối B thi thứ tự các môn là sinh, toán, hóa sẽ được đổi lại thành toán, sinh, hóa; khối C từ thứ tự các môn ngữ văn, sử, địa được đổi thành địa, sử, ngữ văn; khối D từ ngữ văn, toán, ngoại ngữ chuyển thành toán, ngoại ngữ, ngữ văn.

Việc thay đổi này xuất phát từ đề nghị của các trường nhằm tránh việc thí sinh phải thi hai môn tự luận trong ngày gây căng thẳng. “Các em phải lưu ý sự thay đổi này, tránh bị động và có tâm lý, kiến thức vững vàng cho từng môn thi”- PGS Nghĩa nhấn mạnh.

 

Lịch thi đại học cao đẳng năm 2013


Nhiều câu hỏi về nhóm ngành xã hội

Những câu hỏi HS Huế đặt ra cho ban tư vấn là những nhóm ngành, nghề mà họ yêu thích nhưng vẫn còn thiếu thông tin để quyết định chọn lựa trước khi đặt bút ghi vào hồ sơ.

Trong đó, nhóm ngành xã hội - nhân văn được nhiều HS đặt câu hỏi. Một học sinh của Trường THPT Hai Bà Trưng dự định thi khối C nhưng băn khoăn trước con số chỉ tiêu tuyển sinh khối này không nhiều và cơ hội việc làm các ngành xã hội “có vẻ cũng không nhiều lắm”.

Băn khoăn đó đã được TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), và ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ: ngành học dễ có việc làm nhất chính là ngành bạn yêu thích nhất và phù hợp với năng lực bản thân!

Cơ hội việc làm nhóm ngành xã hội rất rộng mở với những người thật sự có năng lực phù hợp với công việc. Những ngành thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn vẫn có nhu cầu nhân lực nhiều, chẳng hạn: nhóm ngành pháp lý, ngành công tác xã hội, truyền thông...

Những thắc mắc về các ngành thi khối C càng “nóng” hơn khi vào phần tư vấn chuyên sâu nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn. Từ thông tin ngành công tác xã hội sẽ là ngành nhu cầu nhân lực lớn trong tương lai, các bạn lại hỏi tiếp những công việc cụ thể dành cho người tốt nghiệp ngành này. TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết thêm ngành công tác xã hội là một trong 20 ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn nhất trong những năm tới. Sắp tới, mỗi xã phường sẽ có một người chuyên trách công tác xã hội. Do vậy, cơ hội việc làm ngành này rất lớn.

Băn khoăn lựa chọn khối C

Nguyễn Thị Hồng Nga, THPT Quốc học gửi đến ban tư vấn băn khoăn giữa hai ngành sư phạm và y dược. “Sức khỏe em không thật tốt. Em không được mạnh dạn lắm, chọn ngành nào phù hợp hơn. Cơ hội học hai ngành này ở Huế hiện như thế nào?”

“Cả hai ngành này đều đỏi hỏi sức khỏe. Người giáo viên cũng cần sức khỏe để giảng dạy tốt. Bác sĩ cũng rất căng thẳng trong công việc khám chữa bệnh cần sức khỏe và cả tinh thần vững vàng - PGS TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ.

Thầy Dũng cho rằng có thể ngành dược phù hợp với điều kiện sức khỏe của học sinh Hồng Nga. Tuy nhiên, bạn Nga cũng như các học sinh khác nên lưu ý điểm đầu vào ngành y dược cao hơn các ngành khác, trong khi đó, nhu cầu ngành sư phạm hiện nay nhiều nơi không thiếu GV (ngoại trừ SP mầm non).

PGS TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế khuyên bạn nên chọn ngành nào phù hợp với mình hơn. Thầy thông tin: Hiện nhu cầu nhân lực ngành y ở địa phương rất cần người tốt nghiệp ngành y, đặc biệt các vùng sâu.

Một câu hỏi thú vị được chuyển đến ban tư vấn: “Các trường hiện nay rất ít tuyển khối C. Em thích các ngành xã hội (tâm lý học, báo chí chẳng hạn) nhưng cơ hội việc làm những ngành này có vẻ không nhiều…”

TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ: trong nhóm các ngành XHNV có rất nhiều ngành, vấn đề là các em có phù hợp ngành nghề hay không. Nếu có đam mê và khả năng, có nhiều cơ hội việc làm. Một ngành dự báo nhu cầu nhân lực lớn là ngành Công tác xã hội.

Th.S Lê Văn Hiển (ĐH Luật TP.HCM) tiếp lời: Về khối C, một lĩnh vực đang có nhu cầu lớn, đó là vấn đề Pháp lý. ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và nhiều trường tại TP.HCM đều có ngành này. Học ngành này có thể làm trong ngành luật, tư vấn pháp lý… với cơ hội việc làm nhiều và rộng cửa với thí sinh khối C.

Một câu hỏi về trường CĐ nghề Du lịch Huế: “Em đang học một ngành thuộc trường Cao đẳng nghề du lịch Huế, khi tốt nghiệp em có thể học tiếp tại khoa Du lịch của ĐH Huế hay không?"

Thạc sỹ Lê Phước Sơn - chuyên viên ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết Khoa Du lịch Đại học Huế hiện tại chưa triển khai việc đào tạo liên thông, có thể sẽ thực hiện trong vài năm tới.

Chọn ngành mình đam mê hay ngành thời thượng?

Đây cũng là câu hỏi mà nhiều thí sinh băn khoăn. TS Trịnh Thị Thúy Giang cho biết “học một ngành không đam mê, các em có có thể học tốt, đạt yêu cầu đào tạo nhưng sẽ khó trở thành xuất sắc. Đam mê sẽ giúp các em có thể thành công hơn trong công việc sau này”.

TS Giang kể câu chuyện về một đồng nghiệp đã chọn ngành đam mê là ngành khí tượng mặc dù ông rất giỏi Toán. Kết quả ông là một người thành đạt có uy tín cả trong nước và quốc tế. Còn PGS-TS Nguyễn Việt Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ- ĐHQGHN thì khuyên các thí sinh “Hãy can đảm chọn những ngành mình đam mê và có khả năng thi đỗ, đừng lo ngại ngành đó hợp với nam hay với nữ. Cơ hội chia đều cho tất cả các thí sinh có niềm say mê và chăm chỉ học tập”.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng kế hoạch tuyển sinh- Cục Đào tạo- Bộ Công an cũng cho thí sinh biết cơ hội vào các trường khối công an vẫn dành cho thí sinh nữ nếu các em mong muốn được học và làm việc trong lĩnh vực này.

“Năm nay Bộ Công an quy định thí sinh nữ không cần thiết phải đạt học lực giỏi ba năm mới được dự thi, tăng cơ hội dự thi cho nhiều thí sinh nữ hơn. Tuy nhiên, các yêu cầu về sức khỏe, thí sinh nữ phải tuân thủ đúng quy định vì công việc đặc thù trong ngành đòi hỏi các tiêu chuẩn cụ thể như Bộ Công an đã đặt ra”- ông Cường khẳng định.

Nếu như các năm trước nhiều câu hỏi cho khối ngành kinh tế thì năm nay, khối Y, Dược, Báo chí lại nhận được nhiều câu hỏi. TS Mai Đức Ngọc, trưởng phòng đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền chia sẻ Báo chí đa phương tiện là ngành mới, xuất phát từ xu thế chung của sự phát triển báo chí. Trước nay, Học viện có hướng đào tạo chuyên sâu như báo in, báo truyền hình, báo phát thanh... nhưng hiện nay với xu hướng báo chí hội tụ, sự giao thoa của các loại hình báo chí mạnh mẽ, nhiều cơ quan báo chí đồng thời tổ chức sản xuất nhiều loại hình báo chí, do vậy rất cần đào tạo ngành này để các em có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực báo chí hơn, rồi sau đó có thể lựa chọn đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu” - TS Ngọc phân tích.

 

Những ngành tuyển sinh khối A1 trường Đại học quốc gia Hà Nội

Những ngành tuyển sinh khối A1 trường đại học quốc gia TpHCM

Kenhtuyensinh

Theo: baomoi