Năm nay có gần 94.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập tại TP. HCM. Nhưng thành phố có chỉ tiêu khoảng hơn 72.000 thí sinh. Vậy các thí sinh không vào công lập thì thế nào?
1. Hướng đi mở rộng
TS tâm lý Đào Lê Hòa An - sáng lập ứng dụng giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề JobWay - cho rằng tư duy "phải vào được lớp 10 công lập bằng mọi giá" đã cũ. Quan niệm này phổ biến từ khoảng 15 năm trở về trước khi giữa các trường công với trường tư, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên có độ chênh lệch về chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ vào quá trình xã hội hóa giáo dục, khoảng cách này dần được thu hẹp, qua đó mở ra cho các bạn trẻ sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 rất nhiều cánh cửa.
Bên cạnh các trường phổ thông ngoài công lập, hướng đi vào các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng rất đáng cân nhắc với những bạn tốt nghiệp THCS.
Cánh cửa nào mở ra với 21.000 học sinh TP.HCM không vào lớp 10 công lập?
Bà Phạm Thị Thúy Nhài, phó giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Tân Bình, cho rằng hiện các trung tâm giáo dục thường xuyên không còn là nơi chỉ dành để bổ túc cho học sinh yếu. Thời gian qua, không ít em học lực tốt vẫn chủ động chọn giáo dục thường xuyên.
Bà Nhài giải thích chương trình học của hệ này dù vẫn được xây dựng dựa trên khung kiến thức phổ thông của Bộ GD-ĐT nhưng giảm tải rất nhiều môn phụ. Những năm qua, học sinh giáo dục thường xuyên hệ THPT chỉ học bảy môn cơ bản gồm toán, lý, hóa, văn, sinh, sử, địa. Với các học sinh có học lực trung bình, khối lượng này vừa sức.
Riêng với học sinh có học lực khá giỏi, việc giảm những môn phụ giúp các bạn có thêm thời gian đầu tư những môn mình thích như nghệ thuật, thể thao, hoạt động xã hội.
"Một số em dành thời gian trống để đào sâu các môn thi tốt nghiệp để rồi trúng tuyển vào các trường đại học lớn. Ngày càng có nhiều trường hợp học sinh chuyển từ hệ thống trường công, trường quốc tế qua hệ giáo dục thường xuyên nhằm giảm áp lực học hành và có thời gian trau dồi sở thích và năng khiếu" - bà Nhài nói.
2. Học nghề kết hợp học văn hóa
Một con đường tiềm năng khác cho học sinh sau lớp 9 là vào các trường nghề học chương trình kết hợp giữa dạy nghề và văn hóa (thường được gọi là hệ 9+).
TS Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM - cho biết hiện nay mỗi năm hệ 9+ của trường thu hút khoảng 3.500 học sinh tốt nghiệp THCS theo học. Các em vừa có thể học nghề vừa học các môn trong chương trình phổ thông để liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng.
Trường ký kết với trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn giảng dạy các môn văn hóa theo quy định Bộ GD-ĐT, những em có nguyện vọng tích lũy đủ điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT, từ đó xét tuyển vào các trường đại học.
Ông Lộc thông tin hiện trường đang đào tạo khoảng 45 ngành nghề hệ 9+. Học sinh được lựa chọn rất đa dạng. Phần lớn các bạn ưu tiên đi theo khối ngành kỹ thuật như cơ khí, điện điện tử, công nghệ thông tin, ôtô.
Một số ngành như kinh tế, ngoại ngữ cũng được nhiều em ưa thích. Ra trường, tỉ lệ học sinh có việc làm luôn ở mức cao. Số khác chọn liên thông lên các cấp cao hơn như cao đẳng, đại học.
"Không phải học nghề là con đường bế tắc như nhiều người thường nghĩ. Ngược lại, học sinh vừa có thể học thoải mái hơn với các môn văn hóa vừa được tiếp xúc, rèn luyện nghề nghiệp ngay từ lớp 10.
Nhà trường và phụ huynh còn phối hợp rất tốt với nhau để hỗ trợ hiệu quả nhất cho các học sinh vốn đang ở tuổi mới lớn.
Mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm, hằng tuần có các tiết sinh hoạt. Trường liên tục gửi kết quả học của các em qua tin nhắn. Vì vậy phụ huynh yên tâm nếu chọn các trường nghề hệ 9+" - ông Lộc nói.
> Nam sinh TP.HCM lập 'cú đúp' thủ khoa chuyên lớp 10 và trường chuyên
> Điểm thi tuyển sinh lớp 10 ở Đà Nẵng: Khi nào công bố, cách thức tra cứu?
Theo Báo Tuổi Trẻ