Câu chuyện bị dụ dỗ vào con đường bán hàng đa cấp không mới nhưng gần đây nhiều trường hợp rộ lên với nhiều chiêu thức mới nhắm vào sinh viên

> Khi thạc sĩ bán hàng đa cấp...

> Sinh viên trong cơn bão bán hàng đa cấp

Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết phía Công an quận Thủ Đức cảnh báo hiện nay trên địa bàn có một số người hay tổ chức theo nhóm chuyên dụ dỗ, lừa đảo sinh viên. Những chiêu thức ngày càng đa dạng, tinh vi để chiếm đoạt tài sản của gia đình thông qua sinh viên.

Nhóm người thường tự xưng là thành viên của một tổ chức nào đó, rồi nhờ sinh viên mở nhiều tài khoản ngân hàng. Nếu sinh viên đồng ý và làm theo đề nghị giúp chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (số tiền khoảng trên 100 triệu đồng) sẽ được trả 1 triệu đồng ngay.

Nhiều sinh viên "ngây thơ" tin lời nhóm lừa đảo mà không biết đây là một dạng rửa tiền phi pháp dẫn đến nhiều rắc rối với công an.

Cảnh báo sinh viên

Lợi dụng nhiều người không am hiểu để "mượn tay" rửa tiền

Một chiêu thức khác là cho vay tiền qua app. Nhóm đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng app cho vay tiền với lãi suất cực kỳ cao mà không cần bất cứ thế chấp nào. Nhiều người vay lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất không kịp trả dẫn đến không đủ khả năng trả nợ. Lúc này, nhóm người cho vay sẽ đòi nợ theo kiểu "giang hồ, chợ búa" gọi điện thoại cho gia đình của con nợ để đe dọa, đến nhà, nơi làm việc, học tập để tạo áp lực, khủng bố tinh thần, răn đe bằng bạo lực. Nhiều sinh viên, công nhân là nạn nhân trong chiêu trò cho vay nặng lãi này.

Nhiều trường hợp gia đình mất tiền, "mất" cả con

Gần đây nhất, một trường hợp của học sinh K19 khoa điện tử trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nói dối cha mẹ để "ẵm" số tiền hơn 400 triệu đồng rồi "biến mất".

Cụ thể, ngày 21.10 sự việc được phụ huynh bà N.T.L trình báo với nhà trường rằng con trai có báo với gia đình được trúng tuyển chương trình du học Canada với giá trị học bổng 80.000USD/4 năm. Nhưng thực tế học phí của chương trình gần 100.000 USD/năm, nên giờ cần đóng số tiền còn lại hơn 18.000 USD (hơn 400 triệu đồng) để hoàn tất làm hồ sơ đi du học.

"Tìm hiểu thông tin về chương trình học bổng này, tôi thấy đúng là có nhưng việc con có trúng tuyển chương trình học bổng này hay không tôi không kiểm tra được. Con tôi có mang thư của trường đề cử nhận học bổng, nhưng không cho tôi mượn giấy tờ để kiểm tra vì nói thông tin bảo mật.

Tôi chạy khắp nơi mượn tiền gom chỉ được 110 triệu đồng chuyển vào tài khoản của con để làm thủ tục visa. Sau đó, nó bảo chỉ kéo dài thời gian làm visa thêm được ba ngày nên yêu cầu tôi phải có đủ 420 triệu đồng..." - bà L. kể lại. 

Chuyển tiền cho con xong bà mới gọi điện hỏi nhà trường mới biết nhà trường không biết chương trình du học này. Tá hỏa bà vội liên lạc yêu cầu đóng tài khoản ngân hàng nhưng đã muộn, toàn bộ số tiền đã "biến mất".

Gọi điện thoại cho con trai nhưng không được, mấy ngày sau đứa con liên lạc lại thì "Con xin lỗi mẹ và xin mượn số tiền này để đi tạo dựng tương lai". Nghe con nói mà lòng lo lắng thêm, không biết con đang làm gì, ở với ai và có an toàn hay không. Bà nói sẽ báo công an nhưng nhận lại là dòng tin nhắn vỏn vẹn: "Làm như vậy sẽ không bao giờ gặp lại con nữa. Mẹ muốn cả nhà mình chết hay sao?".

Phía nhà trường cần ngăn chặn tình trạng lừa đảo sinh viên tại trường 

Nhiều giảng viên cho biết có nghe một số trường hợp tương tự như sinh viên trên và rất có thể các sinh viên đã bị lôi kéo bỏ học để theo con đường bán hàng đa cấp, chơi tiền ảo.

ThS Nguyễn Thị Thủy - cán bộ Trung tâm dịch vụ sinh viên cho trường - chia sẻ: "Rất nhiều sinh viên tham gia và nhiều gia đình điêu đứng vì con bỏ bê học hành, tiền cũng mất luôn. Có hai trường hợp sinh viên tôi giúp đỡ được vì biết phụ huynh của hai bạn này. Sau khi thoát ra được thì các bạn nói là như bị bỏ bùa, không điều khiển được mình".

Theo lãnh đạo nhà trường cho biết một số trường hợp sử dụng phương thức trúng tuyển học bổng bằng giấy tờ giả để che mắt phụ huynh nên nhiều khả năng có một đường dây chuyên làm giả giấy tờ lừa đảo.

Theo ông Đỗ Văn Dũng (PGS.TS) - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Năm trước ở trường cũng đã xảy ra một vài trường hợp tương tự. Chúng tôi đã ra thông cáo báo chí là không có chương trình liên kết như vậy.

Qua các sự việc trên, có thể thấy việc lừa gia đình đóng tiền du học đã xảy ra thường xuyên. Có thể có nhóm người lừa sinh viên vào đường dây bán hàng đa cấp và chuẩn bị kịch bản giống nhau như vậy. Nhà trường cũng đã làm một số biện pháp, nhưng có vẻ không ngăn chặn được việc này".

Theo Tuổi trẻ