Ông Vũ Viết Bình, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết tại ĐH Quốc gia Hà Nội, sau năm học thứ nhất, nếu SV có nguyện vọng sẽ được đăng ký học thêm chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị trong ĐH này để khi tốt nghiệp được cấp hai bằng ĐH chính quy.
Đặc biệt, SV các ngành khí tượng học, thủy văn học, hải dương học có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ; SV các ngành vật lý, khoa học vật liệu, công nghệ hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ điện tử - viễn thông của Trường ĐH Công nghệ; SV ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên có cơ hội học thêm ngành hai là kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế. SV Trường ĐH Ngoại ngữ có cơ hội học thêm các ngành thứ hai như kinh tế đối ngoại, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế hoặc ngành du lịch học của trường ĐH KHXH-NV, luật học của Khoa Luật…
Tiếp theo ĐH Quốc gia, Trường ĐH Hà Nội cũng tham gia vào việc đào tạo bằng kép, tất cả SV hệ chính quy sẽ có cơ hội học ngành thứ hai nếu kết quả học tập của năm trước đạt từ 7 điểm trở lên. Ngành thứ hai có thể là ngoại ngữ hoặc một trong 6 chuyên ngành quản trị kinh doanh, du lịch, quốc tế học, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, kế toán dạy bằng tiếng Anh.
Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, thực tế là sau vài năm đào tạo, số SV đăng ký vào các chương trình bằng kép giữa các trường ngày càng đông. Đào tạo bằng kép cũng được coi là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, SV chỉ nên theo đuổi bằng kép khi họ lý giải được tại sao họ phải bỏ thêm thời gian để lấy văn bằng kép cũng như xác định những chi phí phải bỏ thêm ra để lấy tấm bằng thứ hai.
Để theo đuổi cùng lúc hai bằng ĐH không phải là điều dễ dàng bởi phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Nếu SV không xác định được lý do hoặc chỉ mơ hồ lấy thêm một tấm bằng nữa để làm giàu gia tài bằng cấp thì không nên theo đuổi việc học vất vả này. Không có mục tiêu cụ thể để theo đuổi rất dễ khiến SV rơi vào tình trạng dao động và có thể bỏ nửa chừng bất cứ lúc nào.