Kinh phí làm sách giáo khoa: Chỉ cần 200 - 300 tỉ đồng?

Từ dự toán kinh phí gần 34.000 tỉ nay còn lại hơn 800 tỉ đồng để thay toàn bộ chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, theo đề xuất của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng từ thực tiễn, qua kinh nghiệm cũng như dựa trên những quy định hiện hành, nhiều chuyên gia khẳng định không cần đến nhiều tiền như thế.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Trường phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội, khẳng định gây sốc: “Chỉ cần khoảng 200 - 300 tỉ đồng thay vì 800 tỉ đồng như Bộ dự toán”.

Về hạng mục xây dựng chương trình, biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) và thẩm định chương trình, SGK, theo khái toán của Bộ cần 462 tỉ đồng. PGS Cương dựa trên kinh nghiệm của người từng tham gia viết SGK, tính toán: “Theo tôi, tổng cộng số tiết viết cho SGK khoảng 10.000 tiết từ lớp 1 đến lớp 12. Để trả tiền cho tác giả viết sách 1 tiết (khoảng 2 - 3 trang) trước đây chỉ 300.000 - 500.000 đồng/tiết, giờ nếu “trượt giá” là 1 triệu đồng/tiết, dù đã là khá lớn, như vậy để viết một bộ SGK cần khoảng 10 tỉ đồng. Tính cả những chi phí phụ thêm như thẩm định, thực nghiệm, chỉnh sửa… thì tất cả những khoản này cũng không thể đến 10 tỉ đồng nữa”.

Vậy theo tính toán của ông Cương, mỗi bộ SGK chỉ cần khoảng 20 tỉ đồng và nếu có 4 bộ sách như dự kiến của Bộ thì cũng chỉ mất tổng cộng chưa đến 100 tỉ đồng cho các tác giả viết sách. “Để xây dựng chương trình thêm khoảng 20 - 30 tỉ đồng nữa cùng các phụ phí khác thì cũng không thể lên đến 462 tỉ đồng. Như vậy là quá nhiều, tôi cho rằng cần tính toán lại một cách chi tiết”, ông Cương nêu quan điểm.

Kinh phí đổi mới sách giáo khoa phổ thông là bao nhiêu?

Kinh phí đổi mới sách giáo khoa phổ thông là bao nhiêu?

Ở hạng mục thứ hai là triển khai thực hiện chương trình, SGK (gồm các công việc biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên, ghi hình bài giảng…), theo ông Cương cũng không thể nào lên đến con số 316,8 tỉ đồng mà vẫn có thể làm được một cách tiết kiệm trong khoảng 100 tỉ đồng. Do vậy, tổng số tiền mà Bộ tính toán cho cả 2 hạng mục chỉ nên đến 300 tỉ đồng.

Nhà nước không tốn tiền mà vẫn hiệu quả

Không đi vào tính toán chi tiết cần bao nhiêu tiền như PGS Văn Như Cương, không ít chuyên gia giáo dục đã đề xuất các cách đổi mới giáo dục phổ thông không tốn quá nhiều tiền từ ngân sách, cũng chính là tiền thuế của dân. Đáng chú ý là các ý kiến này tuy không hẹn mà đều gặp ở một điểm là không nên bỏ đi làm mới toàn bộ SGK, vừa tốn kém vừa không trúng vào điểm yếu của giáo dục phổ thông hiện nay.

GS Hoàng Tụy đề xuất: “Nhà nước không cần đầu tư tiền cho việc biên soạn. Số tiền bao nhiêu tỉ ấy không phải để biên soạn SGK mà để bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo, để trợ cấp cho các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo”. Theo GS Hoàng Tụy, quan trọng là xây dựng chương trình mới và xã hội hóa việc viết sách. Muốn làm được điều này, chương trình phải làm nhanh, chương trình mới ra sao cần thông báo sớm để người ta có thể làm SGK. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới đưa ra chủ trương xã hội hóa, 1 đến 2 năm phải có một bộ SGK tạm thời. Đó có thể là sách đang dùng sửa lại.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, phương án tốt nhất là làm theo lộ trình. Cụ thể, trước mắt điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng làm cho nó cụ thể hơn, cập nhật hơn, có tính thực hành cao hơn và nhẹ hơn. Điều quan trọng, theo GS Thuyết là cần đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của người học, làm cho chương trình tác động mạnh hơn đến sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn dần từng quyển hoặc từng bộ SGK thay thế SGK hiện hành. “Không đặt vấn đề thay đổi toàn bộ SGK ngay một lúc vì làm gấp như vậy vừa khó đảm bảo chất lượng, vừa tốn kém”, GS Thuyết nói.

PGS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định bộ SGK hiện tại vẫn có thể sử dụng được, chỉ có điều khi đổi mới, thường sắp xếp lại chương trình. “Sau khi sắp xếp chương trình xong, chúng ta nên tận dụng những gì tốt đẹp của bộ SGK cũ và thêm những cái hay, cái mới. Đó là cách làm rẻ mà lại đúng hướng”, PGS Lương đề nghị.

Còn theo GS Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục của Ủy ban T.Ư MTTQ VN: “Nên dịch và cung cấp những cuốn sách tham khảo tốt trên thế giới cho giáo viên thực hiện việc tự bồi dưỡng, thay cho các lớp bồi dưỡng rất tốn kém và ít hiệu quả như vẫn thường làm lâu nay. Đồng thời, chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh của các bộ SGK do các nhóm tác giả và các nhà xuất bản ấn hành bằng kinh phí tự có. Như vậy không cần chi quá nhiều tiền mà vẫn có thể tạo nên sự bứt phá rõ rệt trong giáo dục”.

PGS Trần Diên Hiển, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng sẽ tiết kiệm nhiều nghìn tỉ đồng chi cho các dự án biên soạn SGK, tập huấn giáo viên thay SGK như lâu nay chúng ta vẫn làm nếu xã hội hóa công tác biên soạn SGK. PGS Hiển đề nghị: “Bộ xây dựng một chương trình chuẩn, kèm theo chương trình là chuẩn đầu ra cho mỗi môn học đối với mỗi lớp, từng cấp và bậc học phổ thông. Sau đó kêu gọi. động viên các nhà khoa học, các nhà giáo có nhiệt tình, tâm huyết tham gia biên soạn SGK ở mỗi cấp học”.

Theo báo Thanh niên, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141012/can-bao-nhieu-tien-lam-sach-giao-khoa.aspx