Cách giải quyết những "ca khó" trong hồ sơ du học Úc

Những điều cần chuẩn bị trước khi du học Úc

  • Thứ nhất, ngoại ngữ

Các bạn phải biết tiếng Anh khi có kế hoạch du học Úc và phải luyện để thi đủ điểm IELTS đạt yêu cầu của trường bên Úc, tất nhiên là có những trường sẽ cho những ai không đủ điểm tiếng anh sang Úc học khoảng một vài kỳ tiếng Anh rồi mới cho vào học chính thức thẳng mà không phải thi IELTS. Nhưng lời khuyên là nên học và thi đạt yêu cầu tiếng Anh ở nhà thì tốt hơn vì chi phí học tiếng Anh bên Úc mắc hơn Việt Nam, mặc dù nếu qua Úc chịu khó làm thêm kiếm tiền trong khoảng thời gian học tiếng Anh thì cũng đủ để bù qua khoản chi phí đó, nhưng ngược lại tiếng Anh sẽ chẳng khá hơn được nhiều, và hơn nữa lại mất thêm thời gian vài kì học chỉ để học tiếng Anh. Và cũng để dễ dàng hơn khi vào học chính thức, nếu vô học mà giảng viên nói tiếng Anh mà không hiểu, đi làm nhóm phát biểu ý kiến không ai hiểu thì đương nhiên việc học chả khá hơn được gì.

  • Thứ hai là sức khỏe

Những ai ở Việt Nam mà cơ thể ốm yếu thì xác định sang Úc đừng mơ kiếm được việc làm. Ớ Úc, du học sinh mới sang toàn phải đi lao động chân tay, không hề có việc nhàn nhã để chọn, với lại lúc mới sang thì ăn đồ ăn chưa quen nên sẽ sụt ký.

  • Thứ ba là chuẩn bị tài chính

Cho dù có một số trường không yêu cầu chứng minh tài chính nhưng bạn và gia đình cần đảm bảo ngân sách đủ trả hết chi phí du học Úc các năm đi học, nếu “đứt gánh giữa đường” thì chỉ phí công học.

  • Thứ tư, xác định tư tưởng

Ứng viên du học Úc cần vạch rõ kế hoạch du học Úc của mình và cả hướng đi trong tương lai: học hay kiếm tiền để từ đó chọn con đường cho đúng và chọn trường, ngành.

Cách giải quyết những "ca khó" trong hồ sơ du học ÚcCách giải quyết những "ca khó" trong hồ sơ du học Úc

Làm gì khi hồ sơ du học Úc có một số điểm hạn chế?

1. Kỹ năng tiếng Anh kém

Ngoại ngữ là yếu tố hết sức quan trọng khi du học Úc vì nếu điểm tiếng Anh hay cụ thể là điểm các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL không đạt thì cơ hội để bạn được nhận dường như là con số 0. Nhìn chung, để vào học thẳng chương trình Đại học tại Úc, bạn phải thỏa mãn được yêu cầu điểm IELTS không có môn nào dưới 5,5 – tùy trường.

Do vậy, nếu bạn đang gặp vấn đề về tiếng Anh thì cách duy nhất là chăm chỉ, miệt mài “cày” môn này. Tuy nhiên vẫn có một số con đường khác dành cho ứng viên du học Úc không giỏi tiếng Anh:

  • Một số trường nghề bên Úc không yêu cầu trình độ tiếng Anh đầu vào, sang đó có thể vào học luôn cũng được, nên xin thư nhập học cũng dễ, miễn sao thỏa mãn các điều kiện của họ. Vậy là việc sang Úc không có khó khăn gì lớn nếu nộp hồ sơ vào những trường này.
  • Còn một cách khác nữa đó là các bạn tìm các chương trình có “Conditional Admission” (Nhập học có điều kiện), tức là bạn sẽ được nhận vào trường nhưng với điều kiện bạn phải đến trường sớm hơn thời gian nhập học chính thức để hoàn thành một khóa học tiếng Anh đầu vào do trường tổ chức. Tuy nhiên, điểm bất cập ở đây là chi phí khá đắt đỏ, từ 10.000 – 15.000 USD mỗi học kỳ nên các bạn nên cân nhắc xem mình có điều kiện du học Úc hay không.
  • Trường hợp thứ ba là nộp vào những trường nổi tiếng như các trường trong nhóm G8 mà Anh văn quá yếu không đủ, học mấy kỳ Anh văn mà thi cũng không đủ IELTS đầu vào. Những trường như thế họ rất chặt, không đủ Anh văn thì không bao giờ vào học chính được, nên nhiều người thường chọn cách đi vòng. Tức là họ nộp vào một trường nào đó yêu cầu Anh văn dễ hơn, để được sang đây học, học được một kỳ rồi thì xin chuyển trường, chuyển sang trường mong muốn học. Cách này cũng hay nhưng rủi ro thì hơi cao.

2. Khả năng tài chính không tốt

  • Chọn trường không yêu cầu chứng minh tài chính

Khả năng tài chính không tốt (hay yếu), sang Úc với mục đích đi làm kiếm ít vốn về Việt Nam hoặc muốn đi chơi miễn phí mấy tháng cũng được nhưng phải tự làm để trả chi phí ăn ở. Đối với những bạn này thì xin visa du học Úc hơi khó khăn hơn một chút.

Chứng minh tài chính du học Úc thì nên lựa những trường không yêu cầu chứng minh tài chính mà nộp hồ sơ, vấn đề đó giải quyết được. Cái quan trọng bây giờ là xin thư nhập học của trường, vì mục đích là sang đi làm kiếm ít vốn nên chắc chắn trường tốt hay dở, ngành gì không quan trọng, miễn sao được qua Úc, đó là mục tiêu chính cần phải đạt được. Vì Úc đã thương mại hóa giáo dục nên sẽ có những trường không yêu cầu cao để đáp ứng nhu cầu của dạng này. Bạn nên liên hệ các dịch vụ tư vấn du học để có thêm nhiều thông tin.

Những ai học giỏi ở Việt Nam, hoặc đang học đại học ở Việt Nam mà có kết quả tốt, trình độ tiếng Anh khá, tốt thì nên xin học bổng du học Úc vì hiện nay ở một số trường bên Úc có cấp học bổng toàn phần một số ngành mà ở Úc có ít người học như kinh tế học, và một số ngành bên sư phạm. Những ngành này đang rất cần sinh viên, vì thế có khả năng cao là sẽ được cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho sinh viên quốc tế.

Nếu muốn nhận học bổng thì nên chịu khó lên trang web từng trường ớ Úc để tìm hiểu về ngành nào của trường họ cần sinh viên và cơ hội họ trao học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế. Nhưng bù lại cũng phải cân nhắc giá phải trả khi học một thứ gì đó mà người ta ít người học.

3. Điểm học tập thấp

Để ứng tuyển vào các trường Đại học Úc, hầu hết điểm trung bình của bạn tối thiểu phải là 7.5/10 hoặc 3/4. Tuy nhiên, có một số trường không đặt nặng điểm trung bình học tập, thay vào đó, Hội đồng xét tuyển chú trọng đến một số môn học chuyên ngành.

Nếu đó là một ngành nghiên cứu, chắc chắn điểm học tập sẽ chiếm một trọng số cao trong bộ hồ sơ du học Úc, vì nó phản ánh khả năng học tập, nghiên cứu của bạn. Ngược lại, nếu chọn học ngành ứng dụng, điểm trung bình góp một trọng số thấp hơn.

Nói chung, để giải quyết điểm hạn chế này bạn cần lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

4. Kinh nghiệm hoạt động xã hội không được phong phú

Hãy tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ cộng đồng hoặc các hoạt động ngoại khóa nơi mà bạn có thể thể hiện hoặc phát triển được khả năng của mình. Ban giám khảo luôn đánh giá rất cao những đóng góp xã hội của thí sinh, vì vậy việc tham gia nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng là một điểm cộng rất lớn đối với hồ sơ du học Úc của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không có bề dày về thành tích hoạt động ngoại khóa thì chú ý những điều sau:

  • Hãy chọn lọc những hoạt động mà bạn nhiệt huyết, tâm đắc và dành nhiều thời gian nhất từ năm lớp 9 tới lớp 12.
  • Kỹ năng lãnh đạo, là điều admission officers muốn thấy trong học sinh tương lại của mình. Đừng ngại ngần ứng cử bản thân mình làm cán bộ lớp, cán bộ Đoàn nếu như bạn tin rằng mình có khả năng.
  • Lòng đam mê! Nếu như bạn không có một “chức danh” lãnh đạo nào trong hồ sơ của mình, đừng lo sợ! Hãy bộc lộ cho admission officers thấy được niềm đam mê trong những hoạt động của mình, có thể là qua bài essay?

5. Không biết chọn ai là người viết thư giới thiệu

Thư giới thiệu là một lá thư từ một người nào đó đủ điều kiện để chứng thực khả năng học tập và tiềm năng của bạn có thể phát huy tốt trong khóa học sắp tới. Mỗi trường đại học Úc có một yêu cầu khác nhau đối với thư giới thiệu. Một số trường chỉ đánh giá cao thư giới thiệu từ những giảng viên, nhà nghiên cứu có uy tín, một số khác lại mong muốn nhận được thư giới thiệu từ những công ty mà bạn đã làm việc trước đó

Nếu bạn có thư giới thiệu từ một doanh nhân nổi tiếng sẽ tạo được ấn tượng nhưng nếu người đó không biết gì về bạn thì cũng không kém phần nguy hiểm. Vậy nên chọn người giới thiệu như thế nào? Lời khuyên tốt nhất cho các ứng viên là hãy tìm đến những người biết bạn là ai, đã hợp tác với bạn ít nhất một năm và có thể chỉ ra những điểm mạnh giúp bạn nổi bật trong hàng nghìn bộ hồ sơ.

6. Nỗi ám ảnh bài luận (essay) và Resume

Nếu điểm trung bình hay là các hoạt động xã hội của bạn chưa thực sự tốt thì các bạn nên chuẩn bị thật tốt Resume và bài luận của mình. Có một điều cần lưu ý là các trường ở Úc rất coi trọng vấn đề tỷ lệ sinh viên chắc chắn nhập học tại trường nếu được nhận vì đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu để các trường cạnh tranh xếp hạng với nhau.

Các trường thường có một hạn ngạch nhất định trong khi tuyển chọn hồ sơ để đảm bảo rằng những hồ sơ đã được nhận vào thì gần như sẽ chắc chắn nhập học. Vì vậy, nếu hồ sơ của bạn chưa được “sáng” lắm về thành tích nhưng bạn thể hiện được sự chắc chắn, sáng tạo hay thú vị qua bài Essay và Resume thì cơ hội được chọn du học Úc vẫn có thể cao vì bạn đã tạo được sự tin tưởng cho bên tuyển chọn rằng bạn sẽ chắc chắn nhập học nếu được chọn.

Vì thế, các bạn phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về các trường, ngành học của mình cũng như tìm tòi, học hỏi và sáng tạo cách để làm bài luận, viết Resume. Để hỗ trợ cho việc này, các bạn đừng quên liên hệ các cựu sinh viên du học Úc, họ đã từng trải qua, có khi còn là chuyên gia, tư vấn viên trong lĩnh vực này, bạn sẽ học hỏi được kha khá kinh nghiệm tuyệt vời đấy!

Những gạch đầu dòng đáng chú ý khi viết bài luận du học Úc:

  • Chia sẻ mục đích của bạn. Các bên xét tuyển mong muốn nhìn thấy tiềm năng của bạn, vì vậy, họ cần thấy được kế hoạch rõ ràng của bạn, mục đích của bạn là gì khi đăng ký học ở trường họ.
  • Hãy cố gắng kết nối những mục đích của bạn với ngành học mà bạn đang xin học và chứng minh cho họ thấy bạn sẽ học tốt cũng như có thể thành công với lĩnh vực bạn chọn.
  • Chia sẻ nhiệt tình kinh nghiệm của bạn trong bài luận du học Úc, giám khảo muốn nhìn ra liệu bạn đã có những kinh nghiệm gì trong cuộc sống để hỗ trợ, tạo dựng nên mục tiêu của bạn cũng như quyết tâm, khát khao và cả những chuẩn bị của bạn cho mục tiêu đó như thế nào để đánh giá được tiềm năng của bạn.
  • Hãy biến bài luận thành một câu chuyện hấp dẫn. Bài luận không phải là liệt kê hay khai trình lý lịch của bạn. Đó là cách bạn tái hiện lại mọi thứ một cách logic và thuyết phục. Đừng chỉ kể không thôi những kinh nghiệm cuộc sống mà hãy làm nó trở thành một câu chuyện có diễn biến thú vị. Chẳng hạn như: Điều gì dẫn bạn tới việc lựa chọn mục tiêu như vậy? Điều gì làm bạn quan tâm tới những mục tiêu đó? Bạn có điểm gì nổi trội và nhờ kinh nghiệm gì mà có nó? Những thách thức gì mà bạn gặp phải và đã vượt qua nó như thế nào hay đã chuẩn bị để vượt qua nó như thế nào?
  • Cuối cùng, hãy sắp xếp bài luận của mình thật logic để tạo lối mạch lạc và thu hút cho người đọc.

Cuối cùng, hãy luôn bình tĩnh, tự tin vào quyết định cũng như mọi thứ mà bạn đã chuẩn bị cho hành trình du học Úc. Chúc các bạn thành công trên con đường du học Úc của mình!

Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.