Trong kỳ tuyển sinh 2021, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi vào ngày 27.4 - 11.5 theo như thông báo của Bộ GD-ĐT. Các thí sinh cần có chiến lược đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào Đại học hoặc Cao đẳng.

hình thức tuyển sinh

Chuyên gia các trường đại học đưa ra lời khuyên trong việc đăng ký nguyện vọng

Những thông tin này đã được đại diện các trường ĐH, CĐ chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chọn ngành học cho tương lai” với chủ đề “Đăng ký nguyện vọng thông minh” ngày 15.4.

Nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết trong 3 năm gần đây mỗi năm quy chế có điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật tạo điều kiện hơn cho thí sinh (TS) khi xét tuyển vào các trường. Năm nay, việc cho phép TS được điều chỉnh nguyện vọng (NV) tối đa 3 lần cũng là một điểm mới theo hướng có lợi cho người học. Dù vậy năm nào cũng có những TS có học lực tốt nhưng không trúng tuyển NV mong muốn. Trong đó có những TS đăng ký duy nhất một NV nhưng không trúng tuyển và mất luôn cơ hội trúng tuyển vào trường khác dù điểm thi rất cao.

Điều chỉnh nguyện vọng vào lúc nào thì hợp lý?

Có cần thiết phải điều chỉnh NV là vấn đề được chia sẻ nhiều trong chương trình.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ TS điều chỉnh NV năm ngoái khoảng 50%. Tiến sĩ Võ Văn Tuấn khuyên: “Suy nghĩ và có chiến lược ngay từ đầu, đừng để phải điều chỉnh NV. Chỉ cần xác định được ngành học yêu thích thì có thể đăng ký vào nhiều trường khác nhau và nguyên tắc này áp dụng giống nhau ở tất cả các phương thức”.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương bổ sung: “Sẽ có nhiều TS xem điểm chuẩn mọi năm làm căn cứ quan trọng để điều chỉnh NV hay không. Tuy nhiên cần căn cứ thêm các cơ sở quan trọng khác là số lượng đăng ký dự thi vào ngành bao nhiêu, phổ điểm theo tổ hợp môn xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT ra sao…”. Tiến sĩ Lê Xuân Trường nói, sau khi công bố điểm thi có thể tổ hợp môn có sai lệch so với dự tính ban đầu. Nếu điều này xảy ra, mới cần tính đến việc thay đổi các NV.

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, các trường xét tuyển đồng thời nhiều phương thức khác nhau, vì vậy TS cần tận dụng đồng thời các phương thức khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển. Ở phương thức xét tuyển điểm kỳ thi THPT, TS ở thời điểm này nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất để xét tuyển. Sau khi có kết quả thi, nếu việc chọn lựa này chưa chính xác có thể sử dụng quyền điều chỉnh NV để thay đổi.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, khuyên: “TS được đăng ký không giới hạn số lượng NV nhưng dù bao nhiêu NV cũng nên lưu ý chọn cùng một ngành ở nhiều trường. Quy chế cho phép mỗi TS có tối đa 3 lần điều chỉnh nhưng TS nên cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn NV ngay từ đợt đầu tiên này. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ mới nên sử dụng quyền điều chỉnh”.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, phân tích nội dung quan trọng nhất khi làm hồ sơ đăng ký dự thi là xác định rõ mục đích sử dụng kỳ thi này xét tốt nghiệp hay cả xét tuyển ĐH, CĐ. Việc điền nhiều NV vừa tốn nhiều tiền của bản thân, vừa góp phần làm tăng tỷ lệ TS ảo ở các trường.

Còn thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nói: “Không giới hạn NV nhưng chỉ được trúng tuyển một ngành, nên việc sắp xếp NV để trúng tuyển ngành thực sự yêu thích là quan trọng. Đăng ký 3 - 5 NV là vừa, đồng thời nên tận dụng thêm các phương thức khác.

Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, khuyên: “Đầu tiên phải chọn ngành đúng với NV mình yêu thích nhất, những NV sau có thể chọn thêm một vài ngành gần với ngành đó.

Bên cạnh đó, TS cũng có thể đăng ký bằng các phương thức khác nhau cho cùng một ngành. Trong cùng một phương thức có thể vừa chọn chương trình đại trà, vừa chất lượng cao. Như vậy chỉ riêng 2 phương thức, 2 chương trình khác nhau, TS đã có thể có 4 NV khác nhau vào cùng một ngành học”.

Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cũng nói dù có đăng ký 20 NV thì cũng chỉ được xác nhận trúng tuyển một NV duy nhất sau khi lọc ảo toàn quốc. Do vậy, TS nên có những lựa chọn thông minh và phù hợp để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Sắp xếp thứ tự nguyện vọng ra sao?

Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, việc đăng ký bao nhiêu NV không quan trọng mà quyết định là việc sắp xếp thứ tự các NV hợp lý. Theo ông Phương, thay vì chỉ khăng khăng chọn 1 ngành duy nhất cho nhiều NV thì có thể đăng ký thêm các ngành gần với ngành mình yêu thích, đặc biệt là ở những ngành có nhiều TS lựa chọn.

“TS có thể đăng ký và trúng tuyển nhiều phương thức, NV nhưng chỉ có thể chọn 1 ngành ở 1 trường”, thạc sĩ Phương lưu ý. Về điểm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải khuyên TS không nên đăng ký mỗi phương thức 1 ngành khác nhau. Theo quy định, khi xét tuyển các NV được xét ngang nhau nhưng TS nếu đã trúng tuyển NV trên sẽ không xét tiếp NV sau đó. “TS cần đặc biệt lưu ý việc xếp thứ tự NV, ngành yêu thích nhất xếp trên và giảm dần cho các NV tiếp theo, tránh tình trạng trúng tuyển ngành học không yêu thích”, ông Hải chia sẻ.

Để đăng ký NV thông minh, theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, TS cần ưu tiên đầu tiên là sở thích và năng lực bản thân, cần định vị được bản thân mình, cần xác định được sở thích và năng lực trong lựa chọn ngành nghề. Hơn nữa, việc định vị thị trường lao động tương lai khi lựa chọn ngành nghề cũng là việc làm cần thiết.

Trong khi đó, tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, khuyên TS không nên “thả trứng ra tất cả các rổ” mà nên lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất. Theo tiến sĩ Hải, việc chọn NV thông minh cần xuất phát từ việc chọn ngành thông minh theo các tiêu chí cụ thể.

Tuyển sinh 2021: Những điều bạn cần biết khi đăng ký nguyện vọng

Tuyển sinh 2021: ĐH Sư Phạm Hà Nội công bố phương án xét tuyển

Theo Thanh Niên