Các trường ĐH có khó khăn khi phải về các địa phương tổ chức thi?(nguồn: internet)

Như vậy, thí sinh sẽ thi ngay tại tỉnh thành nơi cư trú chứ không phải di chuyển sang địa phương khác như năm 2015. Tuy nhiên, gánh nặng sẽ dồn về các trường ĐH, CĐ vì sẽ phải cử cán bộ giảng viên xuống các địa phương.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, với những tỉnh không có trường ĐH, theo nguyên tắc để đảm bảo chất lượng của kỳ thi, những cụm thi này phải do các trường ĐH uy tín phối hợp với Sở GDĐT địa phương tổ chức nên ở nhiều tỉnh sẽ có cán bộ giảng viên các trường ĐH xuống tổ chức kỳ thi.

Ông Nghĩa khẳng định: “Việc này sẽ khiến các trường có thêm khó khăn và vất vả, nhưng xã hội muốn giảm bớt áp lực cho học sinh thì dĩ nhiên phía các trường tổ chức sẽ phải gánh lấy phần áp lực đó. Thí sinh không phải di chuyển thì thầy cô phải đi đến địa phương”.

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết, việc các trường cử người về địa phương phối hợp tổ chức thi sẽ giúp giảm thiểu những phiền hà cho thí sinh, các em không phải đi xa nhưng khó khăn sẽ rơi vào các trường.

Tuy nhiên, các trường cũng đã xác định đây không phải là vấn đề lớn, các trường phải thực hiện nghĩa vụ xã hội đối với hoạt động đó. Với việc các trường ĐH về các tỉnh tổ chức thi cũng đáp ứng được yêu cầu liên quan đến vấn đề độ chắc chắn, tin cậy của kết quả kỳ thi. Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ tạo thuận lợi tốt hơn nữa cho thí sinh.

Ông Sơn nhận xét: “Đối với quy chế xét tuyển năm nay, việc thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến sẽ giải quyết được tính công bằng của thí sinh ở xa và thí sinh ở gần. Việc không cho các em nộp trực tiếp tại trường sẽ giúp tránh được tâm lý rằng các em ở gần được ưu tiên hơn các em ở xa.

Với 2 trường, 4 nguyện vọng, cơ hội đậu ĐH của các em vẫn còn rất nhiều, các em đỡ mất công thực hiện việc rút ra rút vào, đỡ tốn kém về thời gian, tiền của, công sức, đồng thời cũng giải quyết được bài toán liên quan đến công tác hướng nghiệp. Cơ hội đậu của các em không giảm nhiều lắm và với cách thức này, đòi hỏi các em phải có sự tổng hợp, phân tích kỹ hơn về mặt phương pháp để có được quyết định chọn trường sao cho tốt nhất, không thể chọn hú họa”.

Đồng thời, ông Phạm Thái Sơn cũng khuyên các thí sinh khi chọn trường, cần tham khảo điểm trúng tuyển của trường đó trong ít nhất 3 năm liên tiếp để từ đó có thể xác định được mức điểm chênh lệch khi trúng tuyển vào trường.


Theo Infonet, nguồn: http://infonet.vn/cac-truong-dh-co-kho-khan-khi-phai-ve-cac-dia-phuong-to-chuc-thi-post192435.info

Xem thêm thông tin về tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn