TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC

Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp: Rộng nhưng chưa sâu

Học sinh Trường THPT Võ Trường Toản tìm hiểu về ngành nghề trong một buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh.

Cùng với các tiết học về hoạt động hướng nghiệp theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện, các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố còn tổ chức thêm nhiều tiết học ngoài giờ lên lớp để cung cấp thêm cho học sinh nhiều thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh.

 

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo Nguyễn Thống Nhất cho biết: Cùng với công tác hướng nghiệp theo chương trình khung của Bộ, nhà trường thường tổ chức các tiết học hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Trong các giai đoạn học sinh chuẩn bị nộp hồ sơ dự thi vào các trường cao đẳng và đại học (CĐ và ĐH), nhà trường càng đẩy mạnh hoạt động này. Các thông tin mà trường tập trung chủ yếu là chọn ngành, chọn trường nào phù hợp với năng lực, sở thích của các em, chỉ tiêu các trường, cách làm hồ sơ dự thi, ôn tập như thế nào đạt hiệu quả và chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi...

 

Chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh THPT

Chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh THPT

Bên cạnh việc tổ chức hướng nghiệp tại trường, hầu hết trường THCS và THPT đều đưa học sinh ở các lớp cuối cấp tham quan các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp hay các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương... để các em hiểu rõ hơn về ngành nghề mà các em sẽ lựa chọn.

Ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp quận Bình Tân cho hay: "Chúng tôi thường tổ chức cho học sinh tham quan các cơ sở sản xuất ở quận, bên cạnh những nhà máy lớn thì các em còn được tham quan một số cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, các hộ gia đình làm nghề thủ công... Ngoài ra, trên địa bàn quận có Trường cao đẳng Phú Lâm, chúng tôi liên kết chặt chẽ với trường để đưa các em tham quan cũng như tham gia các ngày hội hướng nghiệp do Trường cao đẳng Phú Lâm tổ chức".

 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Thanh cho biết: "Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Một số quận như Bình Tân, Tân Phú, quận 8... đã làm rất tốt công tác này bằng cách phối hợp với doanh nghiệp, gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cùng thực hiện".

 

Ngoài ra, với một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, không thể không kể đến là các công ty tổ chức sự kiện, các cơ quan báo, đài... Hằng năm, cứ mỗi mùa tuyển sinh đến (khoảng từ tháng 1 đến tháng 4) các cơ quan này lại rầm rộ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh tại hàng loạt trường THPT trên địa bàn thành phố. Lực lượng này đã góp phần không nhỏ trong việc giải đáp các thắc mắc về chọn ngành, chọn trường cho học sinh lớp 12.

Mặc dù đã được giáo viên trường tư vấn trực tiếp và đưa học sinh đi tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng cứ đến những ngày hội tư vấn, các chuyên gia tư vấn vẫn "lắc đầu" trước những thắc mắc hết sức mơ hồ về ngành nghề của các em.

 

Chẳng hạn, mới đây, tại buổi tư vấn hướng nghiệp ở một trường THPT thuộc quận Gò Vấp, một thí sinh đã thẳng thắn đặt câu hỏi: "Xin ban tư vấn cho em biết giữa chọn ngành và nghề nghiệp sau này có liên quan gì đến nhau hay không?". Hay câu hỏi chung chung của một học sinh ở quận 11: "Em học khối A, em nên thi trường nào?" hay "Em thích ngành y nhưng em không có năng lực, em phải làm như thế nào để thi tuyển"...

Các tiết học hướng nghiệp ở THPT chưa đạt hiệu quả cao

Một trong những lý do khiến một số học sinh vẫn không hiểu sâu về ngành nghề là do các tiết học hướng nghiệp ở trường THPT chưa đưa lại kết quả cao. Hầu hết, đội ngũ giáo viên tư vấn hướng nghiệp ở trường là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn chuyển qua cho nên chưa được đào tạo bài bản, chưa có chuyên môn. Thầy Nguyễn Thống Nhất cho biết: "Các tiết học hướng nghiệp được phân cho một nhóm giáo viên chủ nhiệm, trong đó nhóm trưởng là giáo viên dạy môn sinh học. Các giáo viên thường tham khảo thông tin trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh cao đẳng, đại học hay trên in-tơ-nét để tư vấn cho học sinh".

 

Người dạy hướng nghiệp không có chuyên môn, chưa được tập huấn kỹ về kỹ năng, kiến thức, họ thường là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy thiếu tiết tư vấn cho học sinh là chủ yếu cho nên giáo dục hướng nghiệp cho học sinh chưa sâu sát là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, đưa học sinh đến các cơ sở sản xuất hay các trường CĐ và ĐH để tham quan là việc làm rất hữu ích trong công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, mỗi năm, học sinh chỉ tham quan được một vài cơ sở là quá ít để các em hiểu về ngành, nghề. Chính vì thế, một trong những mục tiêu của thành phố là phấn đấu đến năm 2015, toàn thành phố sẽ có 70% số người lao động phải qua đào tạo (hiện nay mới chỉ đạt 50%) sẽ rất khó thực hiện do học sinh chưa hiểu sâu sát về ngành nghề.

Kenhtuyensinh

Theo: bao giao duc

tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, ti le choi, tỉ lệ chọi 2013, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn trường,tuyển sinh khối a1, diem thi, diem thi dai hoc, diem chuan, diem chuan dai hoc, diem thi tot nghiep, dap an de thi tot nghiep, dap an de thi dai hoc