Thực tế cho thấy, đa số các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ, đồng thời, đưa ra một số quy định riêng, các tiêu chí phụ để chọn lựa thí sinh phù hợp vào trường mình. Các tổ hợp môn thi truyền thống theo khối vẫn được sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất cho thí sinh.

Các phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2015

Năm nay, hầu hết các trường đều lấy chuẩn cứng là kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 để xét tuyển ĐH-CĐ. Ảnh minh họa: TTO

Xét tuyển ĐH, CĐ từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia

Trường ĐH Nông lâm TPHCM xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia với các khối thi truyền thống là A, A1, B và D1. TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm cho biết: “Điểm nhấn ở đây là ổn định cao nhất cho thí sinh và phụ huynh, do đó nhà trường vẫn giữ các môn thi tích hợp theo các khối thi truyền thống của trường là A, A1, B và D1. Trường tuyển sinh 100% chỉ tiêu tổng số là 5.300 chỉ tiêu cho 30 ngành với 54 chuyên ngành. Toàn bộ chỉ tiêu này đều dựa vào kết quả thi của kỳ thi THPT quốc gia và dựa trên quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT vừa ban hành”.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm kết hợp cả hai hình thức xét tuyển - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo cũng cho hay: “Trước tiên, trường vẫn giữ khối xét tuyển truyền thống như mọi năm. Đồng thời cũng mở thêm hướng cho thí sinh lựa chọn. Đối với hệ đại học sẽ xét thêm học bạ của học sinh khối trường chuyên theo đúng quy định của Bộ. Đối với hệ cao đẳng, trường xét học bạ bậc THPT của học sinh trên toàn quốc. Do năm đầu tiên thí điểm nên việc xét bằng học bạ này chỉ chiếm 10% chỉ tiêu”.

Nhiều trường cũng đưa ra nhiều quy định riêng trong việc xét tuyển vào trường mình như: Trường ĐH Y dược TPHCM xét tuyển dựa vào kỳ thi quốc gia các môn tương ứng khối B và ưu tiên cộng điểm cho học sinh tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi, đồng thời đưa ra tiêu chí phụ là xét môn chính đối với những thí sinh bằng điểm. Tương tự, trường ĐH Sư Phạm TPHCM xét tuyển các môn văn hoá và tổ chức thi riêng các môn năng khiếu, đồng thời yêu cầu hạnh kiểm đạt loại khá trở lên.

Theo quy chế tuyển sinh 2015, chỉ tiêu xét tuyển dành cho các tổ hợp truyền thống chiếm tối thiểu 75%, các tổ hợp bổ sung mới chỉ được chiếm tối đa 25% từng ngành. Do đó, nhiều trường đã mạnh dạn đưa một số tổ hợp môn thi mới để thí điểm xét tuyển thí sinh cho phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường mình. Chẳng hạn như Trường ĐH Sài Gòn đưa vào các tổ hợp môn thi mới như: Anh, Văn, Sử; Anh, Văn, Lý; Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ sung tổ hợp Toán, Văn, Lý; Toán, Văn, Hoá và Toán, Anh, Hoá…; Trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM xét tuyển thêm tổ hợp môn thi Toán, Hóa, Tiếng Anh. Ngoài ra, trường còn kết hợp nhiều hình thức xét tuyển đa dạng: kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và điểm trung bình học bạ, ưu tiên xét tuyển đối tượng học sinh trường chuyên, học sinh tốt nghiệp loại giỏi, điểm ngoại ngữ cao…

“Đặc điểm tuyển sinh của trường năm nay chủ yếu dựa vào kỳ thi THPT quốc gia, chỉ trừ ngành Công nghệ ô tô hệ đại trà xét 80% từ điểm thi THPT quốc gia và 20% theo học bạ dùng phương thức kết hợp. Các năm trước thường ở đợt 1 tuyển sinh hệ đại trà, còn các ngành chất lượng cao với mức học phí cao thường dành cho nguyện vọng bổ sung. Năm nay nhà trường đưa vào cho các em lựa chọn ngay từ đầu. Điểm mới thứ ba là trường có một số khối thi mới. Ví dụ, năm ngoái các ngành kỹ thuật tuyển khối A, A1, năm nay trường xét thêm khối D1 cho các ngành này. Điểm mới tiếp theo là các ngành kỹ thuật, môn Toán nhân hệ số 2”, . PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật cho biết thêm.

Xét tuyển thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT do các trường ĐH tổ chức

Còn tại các trường thành viên của ĐHQG TPHCM, các trường nhận xét tuyển thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT do các trường ĐH tổ chức. Đồng thời đưa ra ngưỡng xét tuyển là thí sinh phải đạt hạnh kiểm khá trở lên, điểm trung bình 5 học kỳ ở bậc phổ thông từ 6.0 điểm trở lên đối với hệ cao đẳng và 6.5 điểm đối với hệ đại học.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐHQG TPHCM, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành thuộc 2 đơn vị thành viên của ĐHQG để tăng cơ hội trúng tuyển.

“Trong phần xét nguyện vọng 1, thí sinh có khả năng sử dụng 4 nguyện vọng cho một cơ sở đào tạo. Ở ĐHQG là hệ thống có nhiều đơn vị đào tạo nên chúng tôi mở thêm cơ hội cho thí sinh. Thí sinh có thể sử dụng tối đa 3 nguyện vọng đầu trong nhóm nguyện vọng 1 cho một trường và nguyện vọng cuối cùng có thể đăng ký vào các trường còn lại thuộc ĐHQG. Như vậy, thay vì nộp cho một trường thì thí sinh có thể nộp tối đa cho 2 trường, mở rộng khả năng xét tuyển cho thí sinh”, ông Chính thông tin.

Có thể thấy hầu hết các trường đều lấy chuẩn cứng là kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 để xét tuyển ĐH-CĐ. Với mỗi phương thức tuyển sinh, các trường còn đưa ra những điều kiện, quy định khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường, đặc biệt là ngành nghề mình mong muốn được học để có những sự lựa chọn môn thi tốt nghiệp đúng đắn. Đó cũng là nhân tố quyết định gián tiếp đến việc chọn trường, chọn ngành ở bậc ĐH sau này.

Theo đài tiếng nói TP.HCM, tin gốc: http://www.voh.com.vn/khoa-hoc-va-giao-duc/mot-ky-thi-4-trong-1-voi-nhieu-phuong-thuc-tuyen-sinh-moi-175944.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia