Lớp 1 là giai đoạn học tập quan trọng của trẻ. Ở nhiều quốc gia, phụ huynh rất coi trọng thời gian này. Trong khi nhiều cha mẹ ở Việt Nam quan niệm cần cho con đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1, ở một số nước, chương trình học lớp 1 có sự khác biệt lớn.
Phần Lan không dạy chữ, làm toán ở lớp mầm non
Tại Phần Lan, trẻ bắt đầu học lớp 1 khá muộn. Khi con 7 tuổi, phụ huynh sẽ cho nhập trường, đánh dấu giai đoạn giáo dục bắt buộc. Trước khi học lớp đầu tiên của bậc tiểu học, các em ở mẫu giáo không cần phải học đọc, viết, mà chủ yếu vui chơi, sáng tạo, khám phá thiên nhiên.
Học sinh lớp 1 và nhiều cấp tại Phần Lan không cần làm bài tập về nhà. Ảnh: Qz.
Tại Phần Lan, không có bất kỳ cơ sở giáo dục mầm non nào dạy trẻ làm toán, tập đọc trước khi các em bước sang tuổi thứ 7. Theo Tiina Marjoniemi, người đứng đầu tổ chức "Day Care Centre Franzénia" tại Phần Lan, các chuyên gia giáo dục ở quốc gia này tin rằng trẻ dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để học các môn. Thay vào đó, các em cần thời gian để vui chơi, hoạt động thể chất và tăng khả năng sáng tạo.
Những nhà trẻ lập ra nhằm mục đích giáo dục trẻ làm quen xã hội, nâng cao sức khỏe, thể trạng. Các hướng dẫn xây dựng chương trình giáo dục mầm non vì thế cũng tập trung hoạt động thể chất (vui chơi ngoài trời ít nhất 90 phút/ngày), hướng tới niềm vui trong học tập.
Giáo dục bắt buộc tại Phần Lan chỉ kéo dài 9 năm. Sau khi hoàn thành lớp 9 (16 tuổi), trẻ được quyền tự chọn học tiếp hoặc theo đuổi các định hướng khác của bản thân.
Ngoài ra, ngày học của trẻ ở lớp 1 thường chỉ kéo dài 4 giờ. Mỗi tuần, giáo viên dành 30 giờ dạy trẻ, bao gồm thời gian chuẩn bị giáo án.
Các buổi học bắt đầu vào lúc 9h và kết thúc khoảng 14h-14h45. Sau mỗi 45 phút học, trẻ ở Phần Lan được nghỉ giải lao 15 phút. Một năm học có 190 ngày, bắt đầu từ tháng 8 và bế giảng vào tháng 6.
Một "đặc quyền" khác ở Phần Lan đó là học sinh không phải làm bài tập về nhà, không bị xếp hạng ở bậc tiểu học. Mỗi lớp có 12 học sinh với một giáo viên phụ trách giảng dạy.
Học sinh lớp 1 của Nhật Bản tự đi bộ đến trường
Nhật Bản rất chú trọng đầu tư giáo dục trẻ sớm. Các em được học mẫu giáo từ khoảng 2,5-3 tuổi. Học sinh Nhật Bản vào lớp 1 năm 6 tuổi. Đây là quy định bắt buộc. Năm học thường bắt đầu vào tháng tư và kết thúc vào tháng ba. Học sinh sẽ phải trải qua 6 năm tiểu học và 5 năm trung học cơ sở bắt buộc.
Tại lớp, mỗi tiết học sẽ kéo dài 45 phút. Một ngày học có 6 tiết. Khi đến lớp, các em sẽ gặp giáo viên chủ nhiệm và mở ba lô để được kiểm tra, nộp bài tập về nhà. Theo National Geographic, học sinh tại Nhật, ngay cả lớp 1, cũng phải học thư pháp.
Trẻ em tại Nhật Bản được rèn tính tự lập từ nhỏ. Lên lớp 1, các em có thể tự đi học. Ảnh: Unicef.
Dạy tính tự lập là bài học đầu đời cho trẻ. Ngay từ khi ở lứa tuổi mầm non, trẻ em Nhật Bản thường xuyên được cha mẹ cho ra ngoài. Vào lớp 1, trẻ em ở Nhật Bản có thể tự đi bộ đến trường. Tại nông thôn, một số học sinh có thể đi xe buýt.
Bài học đầu đời đóng vai trò quan trọng với trẻ. Do đó, một số trường mầm non thiết kế chương trình trải nghiệm tự lập cho học sinh.
Phụ huynh sẽ cho con lên chuyến xe buýt không biết trước điểm đến. Các con sẽ được đưa đến công viên, khu vui chơi... và tự mình khám phá xung quanh. Toàn bộ quá trình chuẩn bị cho chuyến đi, lên xe, lấy vé... đều không có sự trợ giúp của người lớn.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, đường đi có các biển chỉ dẫn. Cha mẹ cũng dạy con cách tự bảo vệ, xử lý khi gặp tình huống bất ngờ.
Chương trình giáo dục của Nhật Bản tương tự các quốc gia châu Á, có học chữ cái, tập đọc, viết và tính toán. Cha mẹ sẽ chuẩn bị cơm hộp cho các em. Đến bữa trưa, mỗi học sinh lớp 1 sẽ tự ăn tại căng tin. Giáo viên giúp đỡ các công việc liên quan học tập, còn lại, họ đều để trẻ tự làm.
Sau khi ăn trưa, trẻ sẽ thay phiên nhau dọn dẹp phòng ăn. Điều này nhằm giáo dục nguyên tắc "phân bổ sức lao động trên vai nhiều người, thay đổi kỳ vọng và dạy con trẻ cách dọn dẹp vệ sinh xung quanh", Bloomberg dẫn lời chuyên gia nhân học Dwayne Dixon.
Phụ huynh Mỹ cho con học bảng chữ cái trước khi vào lớp 1
Ngay từ lớp mẫu giáo lớn, trẻ em ở Mỹ đã được học bảng chữ cái, đánh vần cơ bản và có thể đếm số, làm phép tính đơn giản.
Tại Mỹ, phụ huynh phải trải qua quá trình chọn trường, nộp bảng điểm đầu vào lớp 1 cho con. Sau đó, giáo viên căn cứ trên bảng điểm để tư vấn lộ trình và những mục tiêu trong học tập.
Khi vào lớp 1, ngoài môn Toán, đọc, viết, con sẽ được học một số môn như Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, vẽ... Chương trình lớp 1 sẽ nối tiếp những gì bậc mẫu giáo lớn đã dạy, không lặp lại. Các giáo viên ở Mỹ phải tuân theo quy định mà cơ quan giáo dục bang đó đưa ra.
Mỹ chú trọng giảng dạy các môn năng khiếu cho trẻ ngay từ lớp 1. Ảnh: Freepik.
Ngoài ra, chương trình giảng dạy cho học sinh lớp 1 tại Mỹ khá đa dạng và khác nhau giữa các khu vực. Tuy nhiên, chúng vẫn tuân thủ nguyên tắc dành nhiều thời gian cho môn học năng khiếu, hoạt động ngoại khóa. Học sinh sẽ được thử những buổi biểu diễn trên sân khấu, soạn nhạc, văn học cổ...
Điểm đặc biệt của các tiết học là tính thực tế. Giáo án không chú trọng nhiều vào việc giáo viên giảng bài, học sinh lắng nghe mà tập trung ở những tiết học trải nghiệm. Trẻ sẽ được tham gia đóng kịch, tự sáng tác nhạc, chơi cờ vua, múa ballet... Giáo dục Mỹ quan niệm trẻ nên biết một bộ môn năng khiếu ngoài kiến thức thông thường.
Kính mời quý bạn đọc và phụ huynh chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gửi về Ban biên tập Kênh Tuyển sinh qua email [email protected]. Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh trên website Kenhtuyensinh.vn. |
Theo Zing News