>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường
Đến nay nhiều trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu, nhiều ngành rất ít thí sinh và có ngành buộc phải ngừng đào tạo.
Ngày 30-10 kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Tuy nhiên, những quy chế, thông tư của Bộ GD&ĐT được ban hành chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng đến cả kỳ thi. Cũng trong kỳ thi này, mặc dù nhiều trường thông báo một số ngành học được miễn học phí, được ưu tiên giảm 1 điểm so với điểm sàn… nhưng vẫn tuyển không được thí sinh.
Chậm ban hành mức thu lệ phí tuyển sinh
Hồi tháng 1-2013, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, tại Hội nghị tuyển sinh do Bộ GD&ĐT tổ chức, các trường đã kiến nghị Bộ phải sớm có hướng dẫn mức thu lệ phí tuyển sinh. Tuy nhiên, đến ngày 8-3, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính mới ký thông tư liên tịch về hướng dẫn thu lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó, lệ phí hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí thi từ 80.000 đồng tăng lên 105.000 đồng.
Tuyển sinh 2013 còn nhiều điểm bất cập
Điều đáng nói, ngày 11-3, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi và hạn chót nộp hồ sơ vào ngày 22-4, trong khi thông tư có hiệu lực từ ngày 25-4. Nghịch lý này ngay từ đầu đã khiến các nơi thu nhận hồ sơ của Sở GD&ĐT và các trường THPT lúng túng không biết thu như thế nào. Tiếp theo, Bộ GD&ĐT ra văn bản yêu cầu thu theo mức cũ 80.000 đồng, còn 25.000 đồng còn lại sẽ thu trong ngày thí sinh làm thủ tục dự thi tại trường. Quy định quá chậm trễ của Bộ khiến thí sinh và các trường tổ chức thi phải mướt mồ hôi trong ngày làm thủ tục dự thi, vì vừa phổ biến quy chế thi, chỉnh sửa sai sót hồ sơ lại vừa thu thêm lệ phí dự thi.
Miễn học phí vẫn khó tuyển
Năm nay, dù nhiều ngành học có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn và được miễn học phí nhưng các trường vẫn phải xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu ở nguyện vọng bổ sung. Tại các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Học viện Báo chí - Tuyên truyền… các ngành lịch sử Đảng, triết học Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, Hán Nôm được miễn học phí nhưng vẫn thiếu thí sinh.
Trong khi đó, hàng loạt trường như ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Đồng Tháp, ĐH Tiền Giang, ĐH Trà Vinh, ĐH Đồng Nai, ĐH Quảng Bình, ĐH Quảng Nam, ĐH Tây Nguyên… chỉ tiêu từng ngành rất nhiều nhưng ở một số ngành, số thí sinh dự thi chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn. Cá biệt, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) phải ngừng đào tạo ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp do chỉ có hai thí sinh trúng tuyển trong khi chỉ tiêu 50. Đây là năm thứ hai ngành này phải ngừng đào tạo. Trước đó, cũng tại trường này, hai ngành nhiều năm khó tuyển là sư phạm kỹ thuật nông nghiệp và giáo dục quốc phòng - an ninh cũng đã ngừng tuyển trước khi kỳ thi diễn ra.
Còn nhiều hồ sơ ảo
Những năm trước, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng đủ điều kiện tham gia xét tuyển sẽ được cấp tối đa sáu giấy chứng nhận để tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Năm nay, theo quy định mới, thí sinh sẽ được cấp tối đa chín giấy chứng nhận (sáu giấy chứng nhận kết quả ĐH và ba giấy chứng nhận CĐ). Chính vì vậy, khi đăng ký xét tuyển, rất nhiều thí sinh nộp 2-3 ngành cùng một lúc. Như vậy, tình trạng số lượng “ảo” xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm nay rất nhiều. Nhiều trường không tính toán kỹ đã rơi vào tình trạng hồ sơ nhiều, điểm trúng tuyển cao nhưng thí sinh trúng tuyển nhập học ít. Chính vì vậy mà năm nay, các trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Luật TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TP.HCM… phải xét tuyển thêm nhiều đợt nguyện vọng bổ sung vì hồ sơ “ảo”.
Đến thời điểm này, các trường ĐH ngoài công lập như ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Cửu Long, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Dân lập Hải Phòng… chỉ nhận được vài trăm hồ sơ trong khi chỉ tiêu từ 600 đến 1.000. PGS-TS Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt, nói: “Không biết thí sinh chạy đi đâu, trong khi điểm vào trường chỉ bằng điểm sàn, thí sinh lại được ưu đãi giảm 1 điểm so với điểm sàn”.
Lại ban hành thông tư cập rập
Ngày 4-7, khi kỳ thi tuyển sinh chính thức diễn ra môn thi đầu tiên thì Bộ GD&ĐT lại ban hành Thông tư 24 về sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên và thông tư này có hiệu lực từ ngày 19-8. Tuy nhiên, ngày 24-7, Bộ GD&ĐT lại ra thông báo hướng dẫn việc nhận hồ sơ bổ sung để hưởng ưu tiên trong tuyển sinh: “Từ ngày 26-7 đến hết ngày 9-8-2013, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên (theo Thông tư 24 - PV) nộp cho trường đăng ký dự thi (qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường) bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Nhiều trường cho rằng vì sao trong thời điểm đó mới ban hành thông tư mà không phải trước đó hoặc năm sau, bởi mọi điều chỉnh đã được các trường chỉnh sửa, bổ sung cho thí sinh trong ngày đầu làm thủ tục dự thi và được cập nhật vào phần mềm tuyển sinh. Chưa kể thời điểm quy định thí sinh nộp hồ sơ bổ sung cũng là lúc các trường đã công bố điểm thi và gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT để Bộ thống kê công bố điểm sàn.
Theo Quốc Dũng, Báo phapluattp