TIẾNG ANH | NGỮ PHÁP TIẾNG ANH | TIẾNG ANH DU HỌC | TRUNG TÂM ANH NGỮ

“Rối” như học tiếng Anh

Chưa lúc nào lại có nhiều chương trình tiếng Anh cùng tồn tại trong một trường học nhiều như hiện nay, nhiều phụ huynh “rối” không biết chọn con đường nào cho con em mình?!

Dù theo lý giải của các trường là để học sinh (HS) được quyền chọn học tiếng Anh theo năng lực nhưng quá trình giảng dạy thiếu liên thông từ bậc này lên bậc khác khiến việc dạy môn ngoại ngữ này hiện nay tại các trường vừa rối vừa không hiệu quả.

Một trường ít nhất ba chương trình

Ở bậc tiểu học đang cùng lúc áp dụng ba chương trình tiếng Anh gồm: tiếng Anh tăng cường (TATC), tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh theo đề án của Bộ GD&ĐT. Chưa kể, ở nhiều trường có điều kiện còn triển khai thêm chương trình tiếng Anh Cambridge.

TATC là chương trình được ghi nhận có sức cuốn hút do có thời lượng học nhiều: 8 tiết/tuần, mức học phí cũng vừa phải: 80.000 đồng/tháng, được đa số phụ huynh chọn lựa. Thế nhưng khi đến bậc THCS, do TATC chưa phủ kín tại tất cả các trường nên những HS đã học ở tiểu học buộc phải dừng giữa chừng hoặc phải lựa chọn chương trình tiếng Anh khác. Chính vì chưa có sự liên thông này nên nhiều phụ huynh lo lắng khi chọn chương trình tiếng Anh cho con. Chị Nguyễn Thị Phương Mai, phụ huynh một trường tiểu học tại quận 9, lo lắng: “Không có sự liên thông, tiếp nối giữa các cấp học nên dù đang cho con học TATC, tôi vẫn không khỏi băn khoăn vì liệu lên bậc THCS, nếu điều kiện con tôi không vào được trường có tổ chức dạy TATC thì sao? Mỗi cấp học có một chương trình khác nhau, liệu kiến thức có thống nhất? Mỗi chương trình dạy mỗi kiểu thì HS sẽ rối loạn vì chẳng biết sẽ tiếp thu theo phương pháp nào.


hoc tieng anh, tieng anh, giao vien tieng anh, day tieng anh, tieng anh trong truong hoc, phap luat thanh pho

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM.

Theo giải thích của Sở GD&ĐT TP.HCM, sau năm 2015 sẽ chỉ còn hai chương trình tiếng Anh cho bậc tiểu học TATC và tiếng Anh theo đề án của Bộ GD&ĐT nhưng trước mắt vẫn cần nhiều chương trình để phụ huynh lựa chọn. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đang áp dụng bốn chương trình tiếng Anh là TATC, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo đề án và tiếng Anh Cambridge. Nhiều trường tiểu học tại quận 5 cũng đang áp dụng các chương trình tiếng Anh này.

Theo nhiều hiệu trưởng lý giải, chương trình Cambridge với mức học phí cao, chỉ số ít trường triển khai; ba chương trình còn lại, hầu hết các trường tiểu học tại TP.HCM đều tổ chức thực hiện.

Nhiều chương trình nặng tính dịch vụ

Chương trình tiếng Anh tự chọn được áp dụng tại hơn 500 trường tiểu học ở TP.HCM là chương trình cơ bản về tiếng Anh, HS nào cũng có thể theo học. Nhưng từ khi TATC xuất hiện thì nhiều hình thức dịch vụ cũng từ đó phát sinh theo dù TATC yêu cầu về trình độ cao hơn. Điển hình là có sự phân hóa mức đóng góp và điều kiện thụ hưởng của HS. Nếu TATC quy định sĩ số chỉ 30 HS/lớp, học 8 tiết/tuần thì những lớp tiếng Anh tự chọn, sĩ số và điều kiện học lại tùy nhà trường nên có những lớp 45-50 HS với thời lượng chỉ 2 tiết/tuần. Chính sự phân hóa rõ rệt này nên nhiều phụ huynh dù biết con mình không có khả năng theo học lớp TATC vẫn bằng mọi cách chạy cho con vào lớp này.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), cho biết: “TATC được học với sĩ số ít hơn (35 HS/lớp) và mỗi tuần có một tiết học với giáo viên người nước ngoài, trong khi tiếng Anh tự chọn thì sĩ số cao hơn và chỉ học với giáo viên trong nước”.

Chính sự khác biệt đó nên mặc dù đầu năm học mới Sở GD&ĐT có thông báo HS được tùy chọn chương trình tiếng Anh nhưng trên thực tế, theo một số hiệu trưởng lý giải mục đích là để tiện xếp lớp, một số trường quy định học TATC mới được bán trú khiến phụ huynh tìm mọi cách để “chạy” cho con vào lớp TATC. Hiện có 13 trường tiểu học ở TP.HCM đang thực hiện chương trình Cambridge, với mức học phí từ lớp 1 đến lớp 3 là 150 USD/tháng; lớp 4, 5 đóng 200 USD/tháng. Các lớp Cambridge có sĩ số chỉ khoảng 25-30 HS/lớp. Mới đây, một số trường THPT tổ chức dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh khiến cơn sốt chương trình Cambridge ở các bậc học khác lại rộ lên. Học ở trường không đủ, nhiều phụ huynh còn đưa con đi học thêm tại các trung tâm.

Phụ huynh nặng gánh

Trường hợp chị NLT ở quận 3, con chị đang học lớp 1 Cambridge đầu năm học vừa đóng 11.520.000 giờ lại đóng tiếp ba tháng gần 9.500.000 đồng. Cơm áo hằng ngày chị còn chưa gánh nổi, giờ chỉ vì muốn cho con “được như con người ta” phải nặng gánh thêm khoản tiền này. Mà Cambridge chỉ thu trước không cho nợ.

Theo các chuyên gia giáo dục: Các trường chỉ nên thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh khi đã tổ chức giảng dạy tốt một chương trình và phục vụ lợi ích cho đa số HS. Nhiều chương trình nặng tính dịch vụ du nhập vào trường học khiến những phụ huynh không có điều kiện tài chính cảm thấy chạnh lòng. Xa hơn nữa là họ có thể tìm mọi cách chạy cho con vào những lớp tiếng Anh dịch vụ như thế mà bỏ qua chất lượng thì còn nguy hiểm hơn. Đối với những HS có điều kiện thì đi học bên ngoài. Nhiều trường quá ôm đồm nhiều chương trình mà cái nào cũng chỉ lớt phớt, cưỡi ngựa xem hoa khiến việc giảng dạy tiếng Anh hiện nay quá rối và không hiệu quả.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Pháp luật Thành phố

tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, ti le choi, tỉ lệ chọi 2013, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn trường,tuyển sinh khối a1, diem thi, diem thi dai hoc, diem chuan, diem chuan dai hoc, diem thi tot nghiep, dap an de thi tot nghiep, dap an de thi dai hoc