ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC 2013

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã kết thúc. Mùa tuyển sinh năm nay có nhiều điểm tiến bộ hơn, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những băn khoăn lo lắng.

Nỗi lo thi nhờ

Cách đây không lâu, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyên bố thẳng thừng không cho thí sinh những trường không tổ chức thi được thi nhờ. Ngay lập tức, trường nhận được phản ứng không tích cực từ phía người học cũng như phía cơ quan quản lý.

Ở ngoài nhìn vào thì thấy rõ ràng quyết định này của ĐH Bách khoa Hà Nội là không nhân văn, không biết chia sẻ, không vì mục tiêu chung của ngành.  Nhưng nếu không là người trong cuộc sẽ không biết được nỗi khổ của các trường khi có thí sinh thi nhờ.

Năm nay, ĐH Công đoàn có 6.000 hồ sơ đăng ký thi nhờ. Thậm chí trong số hồ sơ đăng ký dự thi liên thông vào trường cũng có tới gần 1/3 là thi nhờ.  Với con số quá lớn như thế này, ngoài việc lo tổ chức thi cho thí sinh của trường (cũng trên 10.000 hồ sơ) trường cũng phải lo cho những thí sinh đăng ký thi nhờ, lo đội ngũ cán bộ làm công tác thi, lo chuẩn  bị cơ sở vật chất…

ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng là một địa chỉ tin cậy để các thí sinh đăng ký thi nhờ năm nay. Không chỉ có thế, hầu như trường nào tổ chức thi cũng có thí sinh đến thi nhờ.

Từ năm 2012, Viện ĐH Mở Hà Nội thông báo không tổ chức thi tuyển sinh. Trong khi đó, hàng năm, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường này thường chiếm con số rất lớn. Vì trường đào tạo đa ngành, không tổ chức thi, đồng nghĩa với việc những thí sinh muốn vào trường phải thi tứ tán khắp nơi để có được bảng điểm mang về trường xét tuyển.

điểm thi đại học 2013

Kiểm tra số báo danh tại điểm thi của trường Đại học Công đoàn (ảnh: T.Xuân)

Khi được hỏi, các trường không tổ chức thi đều cho rằng không đủ năng lực hoặc để giảm tải cho xã hội. Nhưng xét ở khía cạnh nào đó, thì chính những trường này đang đẩy gánh nặng trách nhiệm cho trường khác. Chính vì vậy một vị phó hiệu trưởng một trường đã phải thốt lên rằng: trường nào có đủ năng lực đào tạo thì phải có đủ năng lực tổ chức thi.

Liên thông: chờ “phán quyết” của Bộ

Là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các thí sinh nếu chưa tốt nghiệp CĐ, TCCN đủ 3 năm muốn liên thông phải thi chung đợt, chung đề với các thí sinh dự thi ĐH, CĐ chính quy. Đây là quy định nhằm giảm đường vòng vào ĐH của một lượng lớn thí sinh hiện nay.

Qua khảo sát, ở các trường đều có một số lượng nhất định thí sinh đăng ký dự thi liên thông. ĐH Kinh doanh và Công nghệ năm nay đón trên 2000 hồ sơ đăng ký dự thi liên thong; ĐH Công đoàn có 432 hồ sơ… Vấn đề ở chỗ, trong khi hệ chính quy, từ khi chưa thi đã được rục rịch bàn đến điểm sàn, điểm chuẩn thì đến giờ phút này, điểm sàn, điểm chuẩn của liên thông thế nào vẫn chưa có văn bản của Bộ GD-ĐT hướng dẫn. Hỏi các trường, các trường đều nói chờ Bộ.

Chính vì vậy, đối với những thí sinh dự thi liên thông, “số phận” của mình như thế nào phải chờ “phán quyết” sau cùng, trước mắt chỉ biết đi thi và làm bài cho thật tốt.

Không tổ chức thi ở tiểu học: Bất khả kháng

ĐH Nông nghiệp chỉ tính riêng đợt 2, trường đã có 44 điểm thi. Không chỉ thuê điểm thi trong khu vực Hà Nội mà trường phải sang cả khu vực tỉnh bạn như huyện Mỹ Hào, Phố Nối, TP Hưng Yên.

Chuyện các điểm thi của ĐH Nông nghiệp phải sang tận tỉnh khác cũng không có gì lạ từ vài năm trở lại đây khi số lượng hồ sơ đăng ký vào trường cả hai đợt thi lên đến trên 3 vạn hồ sơ.

điểm thi đại học 2013

Còn tại ĐH Công đoàn, Hiệu phó nhà trường, bà Đinh Thị Mai, cho biết đợt hai trường có trên 11.000 hồ sơ. Khó khăn trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất của trường đó là trường nằm trong “quần thể” các trường ĐH thuộc quận Đống Đa (Ngoại thương, Thủy lợi, Ngoại giao, Luật…). Kế tiếp, quận “bạn” là gồm các trường Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân (quận Hai Bà Trưng), lui xuống chút nữa là quận Thanh Xuân với các trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Tự nhiên, Kiến trúc, An ninh… Chính vì vậy, để thuê được điểm thi, trường phải  vào tận Hà Đông hoặc lên quận Tây Hồ, thậm chí thuê cả trường tiểu học làm điểm thi.

Trao đổi về vấn đề liệu sang năm không thuê trường tiểu học trường có lo đủ chỗ cho thí sinh dự thi không? Bà Đinh Thị Mai cho biết trường sẽ cố gắng nhưng không thể nói trước. Bởi với thực tế như năm nay, công tác vận chuyển đề đã rất vất vả. Đó là chưa kể, dù chuẩn bị kỹ nhưng xe cộ có thể hỏng hóc giữa đường… Hơn nữa, để có được chỗ thuê, trường đã phải cử cán bộ đến các “mối” cũ của mình “giấm” trước từ Tết nguyên đán.

Không phải thuê địa điểm là trường tiểu học do có cơ sở rộng rãi, nhưng ông Nguyễn Cảnh Lương, Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ khó khăn với các trường khác. Theo ông Lương, nếu không tổ chức thi tại trường tiểu học thì các trường sẽ phải thuê ở đâu trong khi lượng trường THPT, THCS có hạn?

Có thể nói, khó có thể yêu cầu các trường ĐH, CĐ không thuê địa điểm là trường tiểu học để tổ chức thi trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

 

Theo Châu Bình, Toquoc - Xem tin gốc