Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời về vấn đề giáo dục tại các địa phương. Theo đó, ông đề nghị không vì lo lắng dịch Covid-19 mà hoãn việc học trực tiếp và không thể chờ trẻ tiêm vắc xin mới cho đến trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội vào sáng 10/11
Chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề ở thành phố, người lớn đã đi làm nhưng trẻ em chưa được đến trường.
"Liệu có sự thận trọng quá mức cần thiết khiến trẻ em gặp thiệt thòi do phải học trực tuyến nhiều tháng nay, gây khó khăn cho gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà?", bà Thủy đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết liên quan vấn đề trẻ em chưa được đi học, Bộ Y tế đã có một số trao đổi, Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn đối với các địa phương.
Ngày 8/11, hai bộ tổ chức hội nghị triển khai với 63 địa phương về triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó đề cập một số vấn đề.
Ông Long đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá về dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp, nhất là với trẻ em đầu cấp như lớp 1.
Ông cũng cho biết bộ đã có hướng dẫn đối với trường học để vừa cho học sinh đến lớp vừa đảm bảo các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19.
"Chúng ta không nên đợi chờ vaccine vì vaccine hiện nay chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 5, 6 tuổi đến 11 tuổi không thể đợi chờ vaccine được. Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như ở lứa tuổi lớn", ông Long cho hay.
Vì thế, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho trẻ em đi học, nhất là những vùng, xã, huyện, tỉnh được xác định ở cấp độ dịch 1, 2.
Theo tư lệnh ngành y tế, Nghị quyết 128 đã nêu rất rõ tại địa phương có dịch cấp độ 1, học sinh đi học bình thường. Nhưng đến nay, 22 địa phương có kế hoạch này.
Địa phương ở cấp độ 2 áp dụng tương tự. Địa phương ở cấp độ 3 mới hạn chế học sinh đến lớp, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Ông Long cho rằng Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu rất rõ. Tuy nhiên, ông nói thêm vấn đề này không chỉ ở nước ta, không phải tất cả nước khác đều cho học sinh đi học. Ở một số nước, học sinh vẫn chủ yếu học trực tuyến.
Dù vậy, người đứng đầu ngành y tế mong muốn tới đây, các địa phương sẽ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn việc cho trẻ em đến trường.
Liên quan vấn đề cho học sinh đến lớp, trong tháng 10, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định Hà Nội có phần dè dặt khi chưa cho trường học mở cửa. Ông đánh giá ở thời điểm đó, với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng thấp, trẻ em ở Hà Nội gần như không có nhiều nguy cơ mắc Covid-19.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng khi phụ huynh đã tiêm chủng đầy đủ, trẻ em có nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Vì thế, ông Dũng nêu quan điểm xét giữa nguy cơ và lợi ích, Hà Nội nên cho sinh viên, học sinh tiểu học và trẻ mẫu giáo trở lại trường ngay, còn học sinh trung học có thể tới lớp với số lượng 50%.
Cuối tháng 10, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng Hà Nội nên cho học sinh đến trường ngay. Về lo ngại phát sinh ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ông khẳng định không thể so sánh Hà Nội với các địa phương vừa bùng phát dịch vì tỷ lệ tiêm vaccine ở Hà Nội cao.
Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định nếu tiêm vaccine cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học, phụ huynh còn phải chờ rất lâu. Chưa kể khi có vaccine, một số người vẫn không đồng ý cho con tiêm.
Ông Nga nói thêm vấn đề bây giờ là phải cân nhắc tác hại của việc ở nhà. Các loại rối loạn tâm lý, bệnh về mắt, béo phì ở trẻ cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, chất lượng học online lại chưa được như kỳ vọng.
> Bộ GD&ĐT: Việc học trực tuyến với học sinh tiểu học gặp khó khăn
> Covid-19: Số lượng trường học mở cửa cho học sinh học trực tiếp đang giảm dần
Theo Zingnews