>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ có nhiều điểm mới nhưng đều triển khai trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và không làm “sốc” học trò,” ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc họp báo chiều ngày 15/4.

-Thưa ông, việc thay đổi cách xét công nhận tốt nghiệp bằng việc kết hợp giữa điểm thi và điểm tổng kết năm học sẽ giúp cho rất nhiều học sinh hệ giáo dục thường xuyên đã trượt tốt nghiệp ở kỳ thi năm 2013 có thể xét đỗ trong năm nay bằng kết quả bảo lưu từ năm ngoái mà không cần thi. Điều này có đảm bảo chất lượng và có đảm bảo công bằng với các thí sinh hệ trung học phổ thông khi các em không có quyền bảo lưu điểm thi như hệ giáo dục thường xuyên?

Tính nhân văn trong giáo dục

Ông Mai Văn Trinh: Năm ngoái chúng ta thi tốt nghiệp trung học phổ thông 6 môn, năm nay chỉ thi 4 môn. Năm ngoái xét tốt nghiệp chỉ căn cứ trên điểm thi, năm nay điểm thi chỉ chiếm 50%, 50% còn lại là điểm tổng kết năm học lớp 12.

Đúng là với những thay đổi này sẽ giúp cho nhiều em ở hệ giáo dục thường xuyên đã trượt kỳ thi năm 2013 có thể đỗ trong năm nay bằng kết quả bảo lưu. Thí sinh đã trượt tốt nghiệp năm ngoái có quyền chọn 4 môn thi năm nay trong số môn các em đã thi năm ngoái, và có thể với kết quả đó, có thể các em đủ điều kiện tốt nghiêp mà không cần thi lại.

Cần phải khẳng định rằng kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 diễn ra trong quy chế áp dụng cho cuộc thi này. Mọi thí sinh khi dự thi đều chiếu theo quy chế này. Và vì thế, chúng ta không thể tước quyền đó của các em. Chúng tôi cũng lưu ý các thí sinh trong trường hợp này cần cân nhắc thêm về kết quả điểm tổng kết năm học lớp 12 để có thể chọn môn phù hợp.

Hệ trung học phổ thông không được bảo lưu kết quả thi từ năm ngoái như hệ giáo dục thường xuyên do hai đối tượng này khác nhau. Hệ giáo dục thường xuyên là hệ vừa làm vừa học nên ưu tiên này phù hợp với thực tiễn nhu cầu và thể hiện tính nhân văn trong giáo dục.

Đổi mới thi tốt nghiệp nhưng không gây sốc cho thí sinh

Đổi mới thi tốt nghiệp nhưng không gây sốc cho thí sinh

Nhiều ý kiến lo ngại khi điểm tổng kết năm học lớp 12 chiếm đến 50% trọng số trong việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ dẫn đến tiêu cực như “chạy điểm” để nâng điểm tổng kết lên, nhằm tăng khả năng đỗ tốt nghiệp cho các em. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Mai Văn Trinh: Việc sử dụng kết quả lớp 12 vào xét tốt nghiệp là dựa trên cơ sở lý luận chặt chẽ, nhất là thực hiện chỉ đạo của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, làm dữ liệu để tuyển vào đại học, cao đẳng, kết hợp đánh giá giữa kết quả thi và cả quá trình học.

Về cơ sở thực tiễn, cũng đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng cách này.

Vấn đề những tiêu cực có thể nảy sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhìn thấy và chúng tôi đã làm việc với các sở. Hiện nhiều sở giáo dục và đào tạo đã triển khai quản lý điểm bằng phầm mềm nên việc sửa điểm không đơn giản.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra để giám sát, xử lý các sai phạm nếu có.

Mặt khác, hơn lúc nào hết, chúng ta phải có niềm tin mãnh liệt vào đội ngũ nhà giáo đồng thời khơi dậy tinh thần trách nhiệm của nhà giáo.

Biện pháp lâu dài vẫn là tăng cường thanh kiểm tra, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tự giác của nhà trường, giáo viên và học trò để có môi trường giáo dục thực học.

Thi tốt nghiệp ngoại ngữ thêm phần thi viết

Ban đầu Bộ dự định cho học sinh thi viết luận ở môn ngoại ngữ, sau lại đổi thành thi viết. Ông có thể giải thích rõ hơn về hai hình thức này?

Ông Mai Văn Trinh: Thi viết là phạm trù rộng hơn. Thi viết trong ngoại ngữ có nhiều dạng như chuyển từ câu chủ động thành bị động, điền từ vào chỗ trống, cho các từ sắp xếp thành câu… Đó là những dạng đơn giản của thi viết.

Khó hơn nữa là viết theo chủ đề như viết về bản thân, về gia đình em… Viết luận ở mức khó hơn nữa, thường là yêu cầu viết về một chủ đề xã hội nào đó.

Với tinh thần không làm khó học sinh thì Bộ quyết định là thí sinh sẽ thi ngoại ngữ theo hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm và thi viết.

Thưa ông, chỉ còn hai tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra nhưng Bộ vẫn liên tục công bố những thay đổi trong cách tổ chức thi, ra đề thi. Sự thay đổi này có quá gấp gáp và khiến cho học sinh, giáo viên thụ động?

Ông Mai Văn Trinh: Các thay đổi đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và trên nguyên tắc không làm “sốc” học trò, thay đổi từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao.

Việc thay đổi năm nay đã được thể hiện một cách tường minh trong các hướng dẫn mà Bộ ban hành gửi đến các sở giáo dục và các trường trong thời gian qua.

Năm nay, việc ra đề thi có thay đổi là môn văn có phần đọc hiểu và làm văn, môn ngoại ngữ có phần trắc nghiệm và thi viết.

Về vấn đề sớm hay muộn thì kỳ thi không phải chỉ để đánh giá năng lực của học sinh ở mức độ nào mà về lâu dài phải tác động ngược đến quá trình dạy và học.

Xin cảm ơn ông!./.

Theo tác giả Phạm Mai, Vietnamplus