Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia 2015

Sáng nay, 18/3, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia năm 2015 gửi các sở GD-ĐT. Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở tổ chức học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phổ biến quy chế thi đến phụ huynh, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.  Các đơn vị giáo dục cần chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của các sở GD-ĐT, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD-ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm GDTX thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi quốc gia năm 2015.

Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì viêc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian cho học sinh tự học. Các trường cần chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Bộ GD-ĐT yêu cầu, việc ôn tập cần chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại nhiệm vụ hướng dẫn năm học. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhà trường cần chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn; báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập.  Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.

Cũng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDTX chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Việc tổ chức học thêm nếu có để phục vụ ôn thi phải thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT và địa phương, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học”-hướng dẫn này nêu rõ. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng.

Ban hành cấu trúc đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển vừa ký ban hành định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo đó, đề thi có cấu trúc như sau:

 

Kỹ năng thi

Mục đích

Thời gian

Số câu hỏi/nhiệm vụ bài thi

Dạng câu hỏi/nhiệm vụ bài thi

Nghe Kiểm tra các tiểu kỹ năng Nghe khác nhau, có độ khó từ bậc 3 đến bậc 5: nghe thông tin chi tiết, nghe hiểu thông tin chính, nghe hiểu ý kiến, mục đích của người nói và suy ra từ thông tin trong bài. Khoảng 40 phút, bao gồm thời gian chuyển các phương án đã chọn sang phiếu trả lời. 3 phần, 35 câu hỏi nhiều lựa chọn Thí sinh nghe các đoạn trao đổi ngắn, hướng dẫn, thông báo, các đoạn hội thoại và các bài nói chuyện, bài giảng, sau đó trả lời câu hỏi nhiều lựa chọn đã in sẵn trong đề thi.
Đọc Kiểm tra các tiểu kỹ năng Đọc khác nhau, có độ khó từ bậc 3 đến bậc 5: đọc hiểu thông tin chi tiết, đọc hiểu ý chính, đọc hiểu ý kiến, thái độ của tác giả, suy ra từ thông tin trong bài và đoán nghĩa của từ trong văn cảnh. 60 phút, bao gồm thời gian chuyển các phương án đã chọn sang phiếu trả lời. 4 bài đọc, 40 câu hỏi nhiều lựa chọn Thí sinh đọc 4 văn bản về các vấn đề khác nhau, độ khó của văn bản tương đương bậc 3-5 với tổng số từ dao động từ 1900-2050 từ. Thí sinh trả lời các câu hỏi nhiều lựa chọn sau mỗi bài đọc.
Viết Kiểm tra kỹ năng Viết tương tác và Viết luận (viết sản sinh). 60 phút 2 bài viết Bài 1: Viết một bức thư/ thư điện tử có độ dài khoảng 120 từ. Bài 1 chiếm 1/3 tổng số điểm của bài thi Viết.

Bài 2: Thí sinh viết một bài luận khoảng 250 từ về một chủ đề cho sẵn, sử dụng lí do và ví dụ cụ thể để minh họa cho các lập luận. Bài 2 chiếm 2/3 tổng số điểm của bài thi Viết.

Nói Kiểm tra các kỹ năng Nói khác nhau: tương tác, thảo luận và trình bày một vấn đề. 12 phút 3 phần Phần 1: Tương tác xã hội

Thí sinh trả lời 3-6 câu hỏi về 2 chủ đề khác nhau.

Phần 2: Thảo luận giải pháp

Thí sinh được cung cấp một tình huống và 3 giải pháp đề xuất. Thí sinh phải đưa ra ý kiến về giải pháp tốt nhất trong 3 giải pháp được đưa ra và phản biện các giải pháp còn lại.

Phần 3: Phát triển chủ đề

Thí sinh nói về một chủ đề cho sẵn, có thể sử dụng các ý được cung cấp sẵn hoặc tự phát triển ý của riêng mình. Phần 3 kết thúc với một số câu hỏi thảo luận về chủ đề trên.

Theo quy định của Bộ Giáo dục, mỗi kỹ năng thi: Nghe, Đọc, Viết và Nói được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 10, làm tròn đến 0,5 điểm. Điểm trung bình của 4 kỹ năng, làm tròn đến 0,5 điểm, được sử dụng để xác định bậc năng lực sử dụng tiếng Anh.

Tin gốc:

  • http://vtc.vn/bo-gd-dt-cong-bo-huong-dan-on-tap-ky-thi-thpt-quoc-gia-2015.538.545355.htm
  • http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/ban-hanh-cau-truc-de-thi-danh-gia-nang-luc-tieng-anh-3157105.html