Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Trong những nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết 29) đưa ra có ghi rõ “Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Điều này khá bất ngờ bởi trong tất cả các dự thảo đề án Đổi mới của Bộ GD-ĐT đề không “đả động” gì đến vấn đề này. Và trong nhiều văn bản quan trọng gần đây của ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng “bỏ qua” những chỉ tiêu về tăng quy mô sinh viên ngoài công lập (NCL).

Tiêu chí bị “bỏ quên”

Trong “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010” của Chính phủ nêu rõ Việt Nam phải “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường ngoài công lập, nâng tỷ lệ SV ngoài công lập lên khoảng 30%, nâng tỷ lệ SV/ vạn dân từ 118 (năm 2001) đến 200 (năm 2010)”.

Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập

Giải pháp tăng quy mô, chất lượng đại học ngoài công lập

Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg, đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 70 - 80% số SV được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng; 20 - 30% số SV được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu; 30 - 40% số SV học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Trong Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học ngoài công lập diễn ra cuối tháng 9/2013, theo GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết theo số liệu mới ngày càng ít sinh viên vào trường NCL, tỉ lệ sinh viên NCL chỉ đạt khoảng 12,7%. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của các trường cũng chỉ bằng 1/3 các trường công lập.

Tuy nhiên, ngày 26/6/2013 bản quy hoạch điều chỉnh được hoàn thiện và công bố (Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg) đã không còn đưa tiêu chí tỉ lệ SV NCL.

Hơn nữa, tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường, đơn vị trực thuộc được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27/12/2012, lãnh đạo Bộ còn công bố "Từ nay đến năm 2015 chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng, không giải quyết việc thành lập mới các cơ sở đào tạo và giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020".

Trong các bản dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” do Bộ GD-ĐT đưa ra trong thời gian qua cũng không đả động gì đến quy mô của các trường NCL.

Sẽ khó thực hiện?

Trước quan điểm được ghi rõ trong Nghị quyết 29, Ông Lê Trường Tùng, hiệu trưởng trường ĐH FPT nhận định việc đưa chủ trương này vào chiến lược đổi mới giáo dục là quan trọng. “Nếu được thực hiện tốt sẽ khác một loạt quan điểm được sửa đổi trong hai năm gần đây” – ông Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, để tăng được số lượng các trường NCL, sẽ phải có các giải pháp liên quan thúc đẩy. Nếu có những giải pháp phù hợp, các trường NCL sẽ phát triển xứng đáng. Điều này cũng liên quan tới sự phát triển hài hoà giữa công lập (CL) và NCL.

Phân tích cụ thể, ông Tùng cho rằng “Suất đầu tư của Nhà nước cho SV CL hiện nay không thể tăng khi đã bội chi. Tăng số lượng SV NCL đồng thời giảm số lượng SV CL, điều này là tiền đề để tăng chất lượng giáo dục. Khi thị phần, số lượng nguồn tuyển của NCL tăng lên thì khả năng lựa chọn của trường NCL nhiều hơn, có thể chọn được đầu vào tốt hơn. Giảm số lượng SV CL thì suất đầu tư của Nhà nước đối với SV CL sẽ tăng. Như vậy, về nguyên tắc cả hai phía đều tốt hơn.

Trong bối cảnh cân bằng hiện nay, tăng phía này đồng nghĩa với giảm phía kia. Đi theo quy luật chung, tỉ lệ NCL phải tăng”.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng không phải người nào cũng chia sẻ quan điểm này. Vì còn quan điểm xã hội hoá không phải là tăng số lượng NCL mà còn là sự chia sẻ học phí, SV CL sẽ đóng cao hơn. “ Quan điểm này cũng tốt, khi suất đầu tư cho SV nhờ bù đắp từ phần học phí mà tăng lên, chất lượng do đó cũng được tăng lên. Nhưng sẽ không tạo sự hài hoà cân đối giữa công và tư. Và quan trọng hơn là tạo ra sức ì của hệ thống CL” – ông Tùng nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Nhã, hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi cũng cho rằng: Các trường CL có xu thế chưa tích cực, năng động trong việc đổi mới, hoàn thiện. Vì vậy có thể nghĩ đến một tương lai ở Việt Nam những trường danh tiếng nhất là trường NCL, như ở các nước Mỹ, Anh… Nhưng trước mắt, Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu, ban hành chính sách sao cho sự bất bình đẳng giữa trường công – tư được thu hẹp lại.

Có lẽ BCH TƯ Đảng đã nhìn thấy tiềm năng ở những người tha thiết với giáo dục. Nếu trường CL không năng động sẽ có một lực lượng lao động bị già hoá, dẫn đến nguy cơ suy giảm tăng trưởng GDP. Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, việc mở trường NCL nói chung là đúng đắn”.

Ông Nhã cũng cho rằng việc tăng trưởng số lượng trường ĐH NCL là không dễ. “Có thể hiện nay vẫn còn có những trường NCL đi trái chiều, nhưng dòng chảy vẫn là hướng về chất lượng giáo dục.

Điều quyết định thành bại của chủ trương trên là chất lượng của đội ngũ làm giáo dục phải được nâng cao. Còn phía sau đó phải là cơ chế chính sách, sự kiểm tra giám sát và sự lèo lái của những người mang trọng trách điều khiển con thuyền giáo dục”.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nhận xét: Tạo điều kiện để ra đời các ĐH NCL là thể hiện đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, nhưng việc thực hiện không được nhất quán. Trong mấy năm qua, ngành giáo dục cho thành lập hàng loạt trường tư, nhưng gần đây chính ngành giáo dục lại phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các ĐH CL tầng trên, nơi sẵn có cơ sở vật chất và đội ngũ, điều này tạo cơ hội cho các ĐH tầng trên tuyển sinh lấn sân các ĐH tầng dưới, trong đó có các trường NCL.

Khi các trường ĐH NCL gặp khó khăn, một số quan chắc giáo dục đã vội tuyên bố sẽ giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh. Cách ứng xử như vậy là thiếu trách nhiệm. Ngành giáo dục cần có cách ứng xử mềm dẻo hơn, chẳng hạn yêu cầu các trường còn yếu có kế hoạch phấn đấu để nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng. Mặt khác Nhà nước cũng cần có sự giúp đỡ các trường NCL, thực hiện nhất quán đường lối xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Theo tác giả Chi Mai, VNN