Ngày 30/8, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã kiểm tra công tác triển khai thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT tại tỉnh Hoà Bình.

Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo dục thường xuyên phải lấy chất lượng làm mục tiêu số 1 - Ảnh 1

Chương trình đào tạo giáo dục thường xuyên có gì thay đổi?

Sẵn sàng triển khai GDTX cấp THPT theo chương trình GDPT 2018

Báo cáo của Trung tâm GDTX tỉnh Hoà Bình cho thấy, đến nay, Trung tâm đã sẵn sàng thực hiện triển khai chương trình GDTX cấp THPT theo chương trình GDPT 2018 năm học 2022-2023.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Trung tâm hoàn thành các chương trình tập huấn, bồi dưỡng các cấp. Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, bao gồm cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức dạy học chương trình mới; phương án tổ chức lớp 10, bố trí giáo viên theo kế hoạch dạy học.

Năm học mới, Trung tâm có 10 lớp, với 422 học viên theo chương trình GDTX cấp THPT. Trên cơ sở điều kiện về đội ngũ giáo viên, Trung tâm đã xây dựng phương án để học viên đăng ký lựa chọn môn học, đăng ký chuyên đề học tập, đăng ký môn học tự chọn ngoài các môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Lịch sử và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Từ đó, Trung tâm phân được 4 lớp 10 với 179 học viên. Trung tâm dự kiến mua 20 bộ sách giáo khoa cho 20 học viên có hoàn cảnh khó khăn mượn để học.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường cho biết, ngoài Trung tâm GDTX tỉnh, toàn tỉnh còn có 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX, 151 Trung tâm học tập cộng đồng, … 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên.

Thiết bị dạy học và sách giáo khoa được đảm bảo. 100% Trung tâm Học tập cộng đồng đều có máy tính, nối mạng internet phục vụ khai thác tài liệu hoạt động chuyên đề, kết nối với nhà văn hoá xã. Năm học vừa qua, các Trung tâm đã huy động được gần 35.700 lượt người tham gia các chuyên đề, hoạt động.

Năm học mới 2022-2023, theo kế hoạch, các Trung tâm GDTX huy động được hơn 4.500 học viên chương trình GDTX cấp THPT. Sở GDĐT chỉ đạo các Trung tâm tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài tham gia đầy đủ hoạt động tập huấn các cấp, cán bộ, giáo viên GDTX cũng tích cực tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các công tác chuẩn bị cho năm học mới về cơ bản đã được hoàn tất.

Ưu tiên chất lượng, chăm lo giáo viên và quản lý sự thay đổi

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ GDTX Hoàng Đức Minh cho rằng thực hiện chương trình GDTX cấp THPT theo chương trình GDPT mới cần lưu ý định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Nhiệm vụ này có thể gặp khó khăn về đội ngũ, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng cao nhất ngay trong năm đầu triển khai. Theo đó, giáo viên phải có kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng và cấp quản lý đánh giá, giám sát chặt chẽ. Vụ trưởng đề nghị địa phương quan tâm đến giáo viên để vừa thực hiện đổi mới tốt theo chương trình GDPT mới với yêu cầu kiểm tra đánh giá mới, vừa đảm bảo duy trì chương trình hiện hành.

Đánh giá cao sự quan tâm của Bộ GDĐT đối với công tác GDTX, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Chương khẳng định, tỉnh Hoà Bình đặt chất lượng lên hàng đầu, coi nâng cao chất lượng người dạy là giải pháp quan trọng và quyết tâm thực hiện. Tới đây, tỉnh sẽ có chỉ đạo về cơ chế, chính sách để GDTX hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực và kết quả của công tác GDTX tỉnh Hoà Bình, đặc biệt là tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên GDTX.

Thứ trưởng lưu ý, thời gian tới, hoạt động của GDTX linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng. Đối tượng của GDTX rất lớn, cần chăm lo kỹ càng, từ phổ cập xoá mù chữ, phổ cập trung học đến mọi người dân có nhu cầu học tập. "Đây là những đối tượng quyết định xây dựng xã hội học tập", Thứ trưởng khẳng định và cho rằng, quan trọng nhất là thiết chế xã, phường học tập, tạo cơ hội cho mọi người dân học tập suốt đời. Mọi người dân có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ học tập. Mọi cơ quan tổ chức phải tạo mọi điều kiện cho người dân có cơ hội học tập.

Thứ hai, thực hiện chương trình GDTX cấp THPT theo chương trình GDPT mới, việc chọn tổ hợp môn học phải hài hoà, phù hợp với điều kiện từng nhà trường và nguyện vọng của học sinh. Theo đó, lưu ý rà soát nhu cầu của học sinh, dự kiến tổ hợp phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên nhà trường và công tác tư vấn hướng nghiệp.

Thứ trưởng nhấn mạnh sự khác biệt giữa chương trình hiện hành và chương trình mới. Chương trình hiện hành được gọi là "chương trình bao cấp" còn chương trình mới là "chương trình phân cấp". Phân cấp trực tiếp cho Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học bộ môn. Vì vậy, Giám đốc có vai trò quyết định sự đổi mới dạy học của Trung tâm GDTX.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp dạy học, thông qua tập huấn, bồi dưỡng, lựa chọn giáo viên thỉnh giảng vững vàng chuyên môn. Để hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh, giáo viên cần đảm bảo 6 nguyên tắc: đảm bảo yêu cầu cốt lõi và cơ bản; phương pháp dạy học tích cực; học sinh được trải nghiệm, thực hành; dạy học theo hướng tích hợp; dạy học phân hoá; đổi mới cách đánh giá.

Thứ ba, hướng đến một nền giáo dục có chất lượng, những lớp học chất lượng mới thu hút người dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với tất cả các lớp học, tập huấn, bồi dưỡng. "Mọi hoạt động đều phải lấy chất lượng làm mục tiêu số 1. Phải biến mọi nguồn lực thu được thành chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch để phụ huynh tin tưởng, đồng thuận", Thứ trưởng chỉ đạo.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Hoà Bình tiếp tục quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; yêu cầu cán bộ quản lý GDTX phải được tập huấn về quản lý sự thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chương trình GDTX cấp THPT theo chương trình GDPT mới.

Thiếu giáo viên khắp cả nước: Bộ GD&ĐT không giải quyết được

Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp