Bộ GD-ĐT đã có thông báo về việc sinh viên có thể đăng ký học trước tín chỉ thạc sĩ từ ngày 15.10, nhằm rút ngắn thời gian học nếu muốn sau này học lên cao hơn.
Sinh viên có thể học trước tín chỉ để rút ngắn thời gian học thạc sĩ
Ngày 30.8 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT, trong đó có nội dung rất đáng chú ý là sinh viên ĐH có thể đăng ký học trước tín chỉ chương trình thạc sĩ. Thông tư này có hiệu lực áp dụng từ ngày 15.10 sắp tới.
Bộ GD-ĐT giải thích ra sao?
Cụ thể, khoản 2, Điều 4, Chương I của Thông tư số 23 có quy định: "Sinh viên đang học chương trình đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định được đăng ký học trước một số học phần của chương trình thạc sĩ tại cùng cơ sở đang học đại học. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ".
Ngoài ra, tại Điều 4 này cũng có quy định về việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ thạc sĩ giữa các chương trình với nhau. Cụ thể, khoản 1, Điều 4 có quy định người học được xem xét cộng nhận và chuyển đổi tín chỉ của một số học phần khi đã học một chương trình đào tạo thạc sĩ khác hoặc đẫ tốt nghiệp tốt chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù. Số tín chỉ được công nhận và chuyển đổi không vượt quá 30 tín chỉ.
Đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết điều 4 là "điểm sáng" và điểm mới của quy chế mới, tiếp cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các sinh viên có thành tích học tập vượt trội (học lực giỏi, có kế hoạch tốt cho việc học ở trình độ cao hơn).
Theo đại diện Vụ Giáo dục ĐH, để triển khai thực hiện được khoản 2 điều 4 thì nhà trường và người học phải đọc kỹ khoản 3 về các điều kiện bảo đảm chất lượng và khoản 4 là quyền tự chủ của cơ sở đào tạo cần quy định chi tiết việc tổ chức thực hiện khoản 2, khoản 3.
"Trong khoản 2 đã có điều kiện sinh viên phải có học lực khá trở lên và đáp ứng các điều kiện do nhà trường quy định cụ thể thì được đăng ký học trước tại một chương trình thạc sĩ cùng ngành hoặc ngành phù hợp ở cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được đăng ký học trước tối đa 15 tín chỉ (tương ứng với 1 học kỳ của chương trình đào tạo thạc sĩ 60 tín chỉ chia làm 4 học kỳ). Theo điểm a khoản 3 điều 4: “Đáp ứng chuẩn đầu ra, yêu cầu về giảng viên, khối lượng học tập và các yêu cầu khác của học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ”. Điểm này đặt ra các điều kiện về bảo đảm chất lượng của một chương trình đào tạo thạc sĩ như chuẩn đầu ra của chương trình thạc sĩ; giảng viên giảng dạy thạc sĩ phải là có trình độ tiến sĩ, các yêu cầu khác của từng chương trình đào tạo cụ thể. Vì vậy, trong thực tế triển khai, Nhà trường nên ban hành quy trình để cho phép một số sinh viên có thành tích học tập loại khá trở lên và đủ điều kiện đăng ký học trước một vài học phần (tối đa 15 tín chỉ) cùng với học viên đang học chương trình thạc sĩ", đại diện Vụ Giáo dục ĐH cho biết.
Cũng theo Vụ Giáo dục ĐH, Quy chế của các trường cần quy định chi tiết theo yêu cầu của điểm b khoản 4 Điều 4: “Điều kiện, quy trình sinh viên đăng ký học theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Sinh viên cần biết các điều kiện để được đăng ký học trước, quy trình đăng ký học trước. Mặt khác, Quy chế này giúp cho việc tổ chức thực hiện đào tạo liên thông giữa các trình độ của giáo dục ĐH. Căn cứ theo Điều 4 và các quy định khác ở Quy chế, cơ sở đào tạo có thể thiết kế chương trình đào tạo đại học và thạc sĩ để sinh viên có thể học liên thông lên chương trình đào tạo thạc sĩ.
Các trường đều tán thành
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thật ra nhà trường đã thực hiện điều này 2 năm vừa qua. Số lượng đăng ký học trước tín chỉ thạc sĩ đến nay cũng vài trăm sinh viên và có nhiều sinh viên đã chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ.
"Trường cho phép sinh viên đăng ký học trước tối đa 12 tín chỉ chứ không phải 15 tín chỉ. Lý do là xét theo điều kiện của trường, sinh viên sẽ khó có thể học nhiều hơn khi vẫn phải học tín chỉ bậc ĐH. Thường thì chương trình đào tạo thạc sĩ của trường là 60 tín chỉ. Nếu sinh viên học trước 12 tín chỉ thì chỉ còn lại 48 tín chỉ và chỉ cần học hơn 1 năm là tốt nghiệp thạc sĩ", PGS.TS Thắng chia sẻ.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, quy định này của Bộ GD-ĐT là rất có lợi cho sinh viên có nhu cầu học cao hơn rút ngắn thời gian học. Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ xem như là thí điểm thì việc áp dụng rộng rãi như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, sinh viên của các trường thành viên ĐHQG TP.HCM sẽ có lợi hơn các trường khác vì hiện nay, sinh viên của hệ thống có thể được công nhận tín chỉ lẫn nhau. Sinh viên học trước tín chỉ thạc sĩ ở trường này có thể sử dụng tín chỉ để học tại một trường thành viên khác. Tuy nhiên, con số này hiện nay còn rất hiếm hoi.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng nhà trường rất ủng hộ quy định thạc sĩ này. Nhà trường sẽ có thông báo cụ thể cho sinh viên đủ điều kiện đáp ứng có nhu cầu học thạc sĩ đăng ký học trước tín chỉ. Ở phạm vi nhà trường thì điều này thực hiện không có khó khăn. Tuy nhiên, nếu sinh viên muốn sử dụng tín chỉ học tại trường để học thạc sĩ ở trường khác thì có lẽ phải tùy vào trường ĐH tiếp nhận có đồng ý các tín chỉ này không.
> TS Phạm Hiệp cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hai trong một không còn phù hợp
> TS Lê Viết Khuyến nhận xét về những thay đổi trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Theo Thanh Niên