Bộ GD-ĐT xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023-2025 để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong thời gian vài năm sau.
Xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT mới cho phù hợp với tình hình dịch bệnh
Trong Báo cáo tới đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh (hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được tổ chức thành công, đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công bằng và an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020, khẳng định Kỳ thi dần đi vào ổn định, ngày càng đúng với bản chất Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với điều kiện dạy học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có sự phân hóa phù hợp, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, kết quả thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng và làm căn cứ để các địa phương tham khảo, điều chỉnh các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tổ chức thi còn nhiều khó khăn, phức tạp, phải tổ chức thi thành 2 đợt cách nhau 1 tháng; phải thực hiện đồng thời mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; vừa tổ chức thi nghiêm túc, khách quan. Điều này đã tạo áp lực cho học sinh, giáo viên nói riêng, toàn xã hội nói chung.
Công tác tổ chức thi còn một số điểm cần được điều chỉnh để làm tốt hơn cho những năm tiếp theo là tăng cường hơn nữa vai trò chủ động của địa phương trong các khâu của tổ chức Kỳ thi; có các biện pháp phù hợp để hạn chế, tiến tới không để xảy ra một số sai sót kỹ thuật trong các khâu tổ chức thi.
Bộ GD-ĐT đã công bố Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 theo hướng giữ ổn định phương thức tổ chức thi/tuyển sinh như các năm 2020, 2021; tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GDĐT và các địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi/tuyển sinh.
Theo Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã tham khảo ý kiến rộng rãi các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giáo viên và học sinh để xây dựng Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm, đảm bảo thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, tinh thần là cơ sở giáo dục đại học tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội.
Các trường đại học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu, từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh.
> Tùy tình hình dịch Covid-19, các địa phương tự quyết định thời gian kết thúc năm học
> Phương án tuyển sinh 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội
Theo Vietnamnet