“Oải” với tiếng Anh lớp 1
Không có giáo viên, chỉ ưu tiên HS bán trú, cơ sở vật chất thiếu thốn… khiến nhiều trường tiểu học không thể đảm bảo 100% HS lớp 1 được học tiếng Anh.
Từ tuần này chương trình học kỳ 2 của khối tiểu học cũng bắt đầu và theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP.HCM, tất cả học sinh (HS) lớp 1 sẽ được học tiếng Anh. Tuy nhiên, kế hoạch này không phải dễ thực hiện…
“Né” tiếng Anh tăng cường
Do phụ huynh trong trường phần lớn còn khó khăn nên Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp) đã đăng ký cho HS lớp 1 học tiếng Anh theo đề án của Bộ với bốn tiết/tuần để được miễn học phí. Tuy nhiên, trường cũng chỉ đáp ứng được cho 60% HS bán trú, số còn lại đành để “từ từ”. Ngoài ra, trường phải hợp đồng với một trung tâm ngoại ngữ khác để đưa giáo viên nước ngoài vào dạy cho HS hoặc cho các em không được học tiếng Anh sẽ có một vài buổi làm quen tiếng Anh.
Lớp tiếng anh Cambridge tại một trường ở Tp.HCM.
“Trường lo bán trú còn chưa xong, đâu dám cho HS học tiếng Anh đại trà được, tiếng Anh tăng cường lại càng không dám nghĩ tới. Trường xin mãi mới được thêm một giáo viên nữa cũng mới đủ ba người phụ trách tiếng Anh cho cả trường. Cố gắng vậy nhưng cũng chỉ là thử nghiệm thôi, nếu ổn mới làm tiếp” - bà Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng trường này, cho hay.
Chị HB, có con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, cho hay ngay từ đầu năm học có một đơn vị đến trường giới thiệu chương trình tiếng Anh tự chọn, thấy không hiệu quả nên chị đã đăng ký cho con học tiếng Anh tăng cường. Nhưng khi nghe giáo viên nói phải mua đủ sách tiếng Anh, hằng năm phải thi chứng chỉ mới được học tiếp nên chị hơi lo. Khi chị tính chuyển, nhà trường không đồng ý vì chị đã ký cam kết từ đầu năm.
Vừa học vừa lo
Ngay như quận Tân Phú, do tỉ lệ HS được bán trú thấp nên cũng chỉ có 25% số HS được học tiếng Anh theo đề án của Bộ và chỉ một phần nhỏ HS theo tiếng Anh tăng cường. Còn lại, 75% HS học tiếng Anh tự chọn do các trường hợp đồng với trung tâm bên ngoài với khoảng hai tiết/tuần. Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận này, cho hay hiện toàn quận chỉ có 30 giáo viên hưởng lương theo ngân sách Nhà nước để dạy tiếng Anh cho 200 lớp. Mỗi lớp bán trú sẽ học 2-4 tiết/tuần mà đã phải tính thêm một phần giờ phụ trội cho giáo viên, HS sẽ được học miễn phí nên rất khó để tăng tiết cho tiếng Anh tăng cường. Riêng tiếng Anh tự chọn sẽ do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận. Thời gian tới quận sẽ tiếp tục tuyển giáo viên để làm sao xóa dần tiếng Anh tự chọn.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 cũng than rằng HS lớp 1 năm nay ở trường quá đông, có lớp hơn 50 em, lớp học vừa thiếu vừa đang dần xuống cấp nhưng vẫn phải đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào. “Học tiếng Anh tăng cường phải có phòng ốc đủ tiện nghi, thuê giáo viên nước ngoài vào dạy, lớp phải ít HS… nhưng trường không thể dồn các lớp lại để có phòng học tiếng Anh. Phòng Giáo dục chọn thì trường phải làm theo chứ không hy vọng đạt chất lượng như mong muốn” - vị này thanh minh.
Tiếp tục… chờ
Học kỳ 2 dần bắt đầu nhưng một số trường tiểu học tại quận Tân Bình cũng đang chờ giáo viên tiếng Anh để về dạy cho trường. Như Trường Tiểu học Chi Lăng, đầu năm học đã được Phòng Giáo dục chọn để dạy tiếng Anh theo đề án của Bộ nhưng đến nay vẫn chưa có giáo viên về dạy. Ông Ngô Đình Ân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thời gian qua cả quận chỉ tuyển được hai giáo viên tiếng Anh để phân về các trường. Quận cũng ưu ái cho tuyển thêm diện KT3 nhưng không thấy ai về. Biên chế giáo viên tiếng Anh không có, các trường phải tự hợp đồng để trả lương nên càng khó khăn hơn. “Ai hỏi, tôi cũng tự hào trả lời là HS lớp 1 trường này được học tiếng Anh của Bộ nhưng đó chỉ là mong muốn. Cả học kỳ chờ đợi mà chỉ có một người đến xin dạy tiếng Anh nhưng… không đủ bằng cấp. Hiện trường phải hợp đồng với Công ty Trí Đạt để họ đưa giáo viên về cho HS làm quen tiếng Anh thôi chứ chưa biết khi nào HS mới được học chính thức” - ông Ân lo lắng nói.
Lãnh đạo một trường tiểu học khác tại quận 1 cũng cho hay năm nay khối lớp 1 không có tiếng Anh tự chọn nhưng lại có đến ba chương trình là tiếng Anh Cambridge, tiếng Anh tăng cường và theo Đề án của Bộ. “Trường có hơn 1.000 HS nhưng chỉ có năm giáo viên dạy tiếng Anh. Tính cả trường thì có đến bốn chương trình đan xen nhau. Chỉ riêng việc quản lý, ra đề thi, lên danh sách tài liệu cho phụ huynh cũng đã cực rồi, chưa nói đến chất lượng giảng dạy thế nào. Trường có liên kết với một số trường để cùng hợp đồng với giáo viên nước ngoài mà chưa thấy đâu. Nghe tên chương trình nào cũng hoành tráng nhưng rất oải để giữ nó lại” - vị này cho biết.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP, từ học kỳ 2 năm học 2012-2013, Sở đưa ra ba chương trình gồm tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh theo đề án của Bộ, tiếng Anh tự chọn để các trường lựa chọn tùy theo điều kiện của mình.
Mỗi Phòng Giáo dục chọn 1/4 số trường trong quận để tổ chức dạy tiếng Anh lớp 1 theo chương trình của Bộ (Đề án 2020). Đến năm 2015-2016 có 100% số trường có lớp 1 dạy tiếng Anh của Bộ và không còn chương trình tiếng Anh tự chọn; đến năm 2019-2020 không còn lớp nào học tiếng Anh tự chọn (ở các khối lớp).
Sở cũng khuyến khích các trường thỏa thuận với phụ huynh để có giáo viên bản ngữ dạy 1-2 tiết/tuần. Cuối các năm lớp 2, lớp 4, lớp 5, khuyến khích HS dự thi các cấp độ của Hội đồng Khảo thí Cambridge. Nếu HS đạt các yêu cầu và có nguyện vọng sẽ được chuyển sang học chương trình tiếng Anh tăng cường.
Việc cho HS lớp 1 học tiếng Anh là TP đang thực hiện theo đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020. Theo kế hoạch này, 100% trường tiểu học tổ chức học tiếng Anh cho HS lớp 1 chứ không phải 100% HS lớp 1 được học. Con số này chỉ mang tính khuyến khích để HS được tiếp cận tiếng Anh sớm.
Các trường, phụ huynh cùng tạo điều kiện cho HS lớp 1 được học qua các hình thức. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng trường để lựa chọn chương trình phù hợp theo các mức độ riêng. Ngay trong một trường cũng phải tùy điều kiện từng HS để đăng ký học khác nhau. Những trường xa, còn nhiều khó khăn sẽ thực hiện từ từ chứ không bắt buộc.
Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học,
Sở GD&ĐT TP.HCM
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Pháp luật Thành phố