Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Các địa phương cần nguồn nhân lực đa ngoại ngữ nhưng tiếng Anh lại chiếm ưu thế gần như độc quyền trong hệ thống giáo dục nước ta. Giải pháp là giao quyền tự quyết cho địa phương nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mỗi nơi cần mỗi kiểu

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục trường học Bộ GD-ĐT, hiện có đến 98% trong tổng số 7 triệu học sinh, sinh viên chọn tiếng Anh là môn học ngoại ngữ ở tất cả cấp học. Khoảng 2% còn lại theo học các tiếng Pháp, Nhật, Đức, Trung Quốc, Nga.

Ông Hoàng Văn Dương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết từ năm 1991-2000, tỉnh này chỉ dạy tiếng Anh trong tất cả các bậc học. “Tuy nhiên, Lào Cai là một địa phương phát triển du lịch và giáp với Trung Quốc nên có rất nhiều hoạt động giao thương. Người dân than phiền sao không dạy tiếng Trung và các ngoại ngữ khác trong nhà trường” - ông Dương nói. Vì thế, từ năm 2001, Lào Cai đã triển khai dạy thêm 1 ngoại ngữ khác trong trường học ở một số nơi có điều kiện nhưng chủ yếu là tiếng Trung Quốc.

Đề án ngoại ngữ quốc gia


Các đại biểu thống nhất nên giao việc giảng dạy ngoại ngữ thứ 2 cho địa phương tự quyết

Trong khi đó, ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết lãnh đạo tỉnh này nhiều lần đề nghị ngành giáo dục đưa chương trình tiếng Nga vào trường học vì tỉnh có nhiều người Nga sinh sống, làm việc và có chuyến bay trực tiếp đi Nga. “Nhưng ngành giáo dục cũng chịu vì không có kinh phí để đưa tiếng Nga vào dạy trong nhà trường. Tỉnh không có tiền trả cho giáo viên, cũng không thể thu thêm học phí từ học sinh” - ông Dũng bày tỏ.

Phải bảo đảm tính liên thông

Do nhu cầu đa dạng nên đa số đại biểu kiến nghị nên giao việc quyết định chọn ngoại ngữ khác trong nhà trường cho địa phương.

Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho rằng nếu dạy nhiều ngoại ngữ thì chỉ nên thực hiện ở một số trường. Theo ông Hóa, Kon Tum là địa phương còn nhiều khó khăn do địa hình cách trở, việc học 1 ngoại ngữ đã là chuyện không dễ nên nếu triển khai học nhiều thì chất lượng không có.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Dương cho rằng việc dạy nhiều ngoại ngữ chỉ nên áp dụng với những trường có điều kiện chứ không nên đào tạo tràn lan. “Học 1 ngoại ngữ nhưng dạy và học phải thật chất lượng” - ông Dương lưu ý.

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu, việc học nhiều ngoại ngữ cũng phải bảo đảm tính liên tục. “Không nên để tình trạng các cấp học dạy đủ các ngoại ngữ khác nhau mà phải liên thông giữa bậc học phổ thông với các trường CĐ, ĐH hay trường nghề” - ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, đề xuất.

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trường học, cho biết việc dạy ngoại ngữ thứ 2 có thể tiến hành ở bất kỳ cấp học nào và tùy theo nhu cầu của người học. Việc dạy nhiều ngoại ngữ không có lộ trình nhất định mà nên tùy thuộc vào địa phương. Bà Anh cho rằng ngành giáo dục nên thỏa thuận với lãnh đạo địa phương để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.

Quá tải cho học sinh

Ông Phan Văn Dũng cho rằng việc đưa vào dạy môn ngoại ngữ thứ 2 trong trường học cần phải tính toán đến chế độ chính sách và thời gian vì hiện chương trình học ở tất cả các cấp dường như quá tải. “Học sinh chúng ta đang phải vất vả với chương trình học hiện tại thì việc thêm 1 ngoại ngữ khác phải tính toán đến thời lượng để có thời khóa biểu hợp lý nhất; tránh tình trạng dạy nhiều nhưng chất lượng chẳng bao nhiêu” - ông Dũng cảnh báo.