>> Tuyển sinhĐiểm thi tốt nghiệp 2014điểm thi

HOT- Tỉ lệ chọi năm 2014 cập nhật mới nhất- nhanh nhất: Tư vấn thông tin tuyển sinh lớp 10 - tuyển sinh ĐHCĐ: 1900 2171

Gia đình khó khăn, cả xóm vài trăm hộ nhưng cũng chỉ có duy nhất đứa con ông Bế Văn Thu đến tuổi dự thi đại học, xuống Hà Nội ông đã bán thóc để có tiền.

Gom thóc bán cho con đi thi

Vượt qua hơn 300 km, ông Bế Văn Thu, quê ở Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đưa con về Hà Nội dự thi. Ông tâm sự, gia đình ông quanh năm chỉ trông chờ vào 7 xào ruộng, bấy nhiêu ruộng cho 5 khẩu ăn. Chia sẻ với chúng tôi ngay khi bước xuống chuyến xe khách mà bố con ông phải ngồi hơn 4 tiếng đồng hồ, ông Thu cho biết để đưa con xuống Hà Nội dự thi gia đình đã phải dành dụm tiền từ rất lâu rồi, cũng khó khăn lắm mới có được bấy nhiêu tiền.

Đây là lần đầu tiên ông Thu và con xuống Hà Nội, mọi thứ đều rất bỡ ngỡ, đường xá không biết, mọi thứ đều phải nhờ các em sinh viên tình nguyện có mặt tại bến xe giúp đỡ. Điều lo lắng nhất với ông khi xuống Hà Nội là việc đi lại làm sao thuận tiện nhất để cho con đi thi.

“Ở nhà cũng nghĩ xuống Hà Nội nhiều thứ lạ lẫm, thôi cứ đi tới đâu hỏi tơi đó, vì cũng có xem qua tivi thấy các cháu sinh viên tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn rất cẩn thận nên cũng cảm thấy yên tâm phần nào” ông Thu cho hay.

Chia sẻ thêm, ông Thu bảo để có tiền cho con đi thi, gia đình ông đã phải bán đi gần 1 tấn thóc mới có được hơn 3 triệu đồng, trong khi hàng năm với 7 xào ruộng, nếu lúa tốt, thuận mùa cũng chỉ thu về khoảng hơn 1 tấn thóc.

Cảm động người cha bán cả tấn thóc để cho con dự thi đại học

Cảm động người cha bán cả tấn thóc để cho con dự thi đại học

Công việc hàng ngày của ông và vợ ngoài làm ruộng còn chăn nuôi, hiện gia đình có khoảng gần 10 con lợn thịt, mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa hơn 10 triệu đồng, nếu tính tiền cám và rau cũng không được bao nhiêu, nhưng đây là số tiền đủ để chang chải cho sinh hoạt trong năm của gia đình.

Nói với phóng viên, ông Thu cho biết với sức học của con mình (em Bế Thị Linh) thuộc diện khá nên gia đình cũng rất kỳ vọng vào đợt thi này.

Tới ngày 3/7 em Bế Thị Linh sẽ tiến hành làm thủ tục dự thi tại địa điểm thi đại học của Linh tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Do địa điểm dự thi ở xa nên bố con ông Thu đã được lực lượng sinh viên tình nguyện tại bến xe Giáp Bát hỗ trợ xe ôm và tìm nhà trọ giá rẻ. Giữa cái oi bức của tiết trời Hà Nội, bố con ông Thu vẫn lặng lẽ ngồi chờ xe ôm trở về nơi trọ do đội sinh viên tình nguyện tỉnh Thái Bình giúp sức, như để muốn nói điều gì ông Thu nhìn ra xa và lẩm bẩm: “Không biết đợt hai có nên ở lại không vì nếu thi xong đợt 1 rồi về, rồi lại xuống rất tốn kém, ở lại càng tốn kém nên phải tính xem có thi tiếp trường nữa hay không? (trường Linh dự thi đợt 2 là Đại học Hà Nội)”.

Một mình vượt hơn 500 km về Hà Nội dự thi

Tại bến xe phía Bắc (Mỹ Đình), vượt qua quãng đường hơn 500 km, Cao Thị Hậu – học sinh lớp 12 Trường THPT huyện Điện Biên, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên một mình xuống Hà Nội dự thi đại học.

Cô học trò nhỏ bé, khuôn mặt hiền lành, có phần trẻ con nép mình đứng một góc nơi bến xe tấp nập người qua lại. Hỏi ra mới biết, Hậu đang chờ một người quen đến đón để đưa đề thi về luyện cấp tốc, do điều kiện miền núi nên chưa được làm đề dưới này.

Hậu cho biết, trên trường cấp 3 em học cũng không có điều kiện được ôn nhiều, xuống đây tranh thủ chút nào hay chút đó. Nói chuyện lâu với Hậu mới thấy em là một cô bé mạnh mẽ hơn nhiều qua vẻ ngoài trẻ con của mình. Hoàn cảnh sống đặc biệt khiến Hậu trưởng thành hơn cái tuổi 18 của mình, chín chắn, già dặn trong suy nghĩ, có phần bạo dạn trong hành động.

Trò chuyện lâu mới biết, Hậu thiếu thốn tình yêu thương của bố, em sống trong vòng tay che chở của mẹ. Mẹ Hậu là công nhân công trường, nay đã nghỉ hưu. Từ nhỏ, Hậu hay phải sống xa mẹ. Công nhân công trường vẫn phải nay đây mai đó, sống, ăn, ngủ, nghỉ theo công trình.
Hậu kể: “Có những khi em phải bắt xe hơn trăm cây số để lên với mẹ. Từ nhỏ đã đi như vậy rồi nên em cũng quen, không sợ say xe, không sợ đi ô tô”.

Quen với việc tự lập từ nhỏ, nên thi đại học này, Hậu một mình tay xách nách mang về thủ đô dự thi. “Ở nhà không có ai, nên mẹ phải ở nhà trông nhà. Một mình em xuống thi thôi. Em xuống Hà Nội từ sáng 30/6, sau đó bắt xe buýt xuống Hưng Yên tìm nhà trọ. Qua tìm hiểu trên mạng, em có liên hệ trước với các anh chị sinh viên tình nguyện tại trường Đại học Tài chính Quản Trị Kinh doanh, đăng kí ở trong KTX của trường” – Hậu cho biết.

Khi được hỏi một mình xuống Hà Nội Hậu không sợ sao, Hậu mạnh mẽ nói: “Người ta đi được thì mình cũng đi được”, nhưng trong đôi mắt Hậu không giấu được nỗi buồn, trong giọng nói vẫn như nghèn nghẹn “Phải cố gắng khắc phục thôi chị ạ, chứ cũng không biết làm sao được” – Hậu nói.
Thi đại học đợt 1 khối A vào Trường Tài chính Quản trị Kinh doanh, đợt 2 khối B Trường Đại học Y Thái Bình, Hậu được mẹ dành dụm cho hơn 1 triệu tiền ăn ở, đi lại trong những ngày này. Chia sẻ thêm, Hậu cho biết: “Em đăng kí ở trong KTX cũng không lo, thi đợt 2 ở Thái Bình em có cô quen ở đó. Bao giờ xuống dưới thi, cô sẽ đón về nhà cô ở nên cũng không phải lo chi phí gì”.

Dưới thời tiết tháng 7 Hà Nội mưa nắng thất thường, cô gái nhỏ vội vàng áo nắng, tay xách đồ lững thững bước ra ngoài cổng chính bến xe.

Theo Giáo dục, http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ban-ca-tan-thoc-de-con-duoc-thi-dai-hoc-post146784.gd