Chọn ngành học theo đúng sở thích của bản thân là một trong những điều quan trọng dành cho du học sinh.
Hiện nay, nhiều gia đình chọn hình thức du học để mở rộng kiến thức, tầm nhìn, sự tự tin và quan trọng là tương lai cho con cái. Tuy nhiên, việc tìm ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của con mà vẫn theo đúng xu hướng của thị trường khi học tập tại nước ngoài trở thành vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu. Ba tiêu chí dưới đây sẽ giúp phụ huynh có lựa chọn hợp lý trước "ma trận" ngành học.
Tránh chọn ngành theo tâm lý đám đông
Phần lớn phụ huynh chọn ngành học cho con theo các tiêu chí như dễ kiếm việc làm, mức lương cao hay đơn giản ngành đó được nhiều du học sinh chọn nhất, thay vì dựa trên sự yêu thích và năng lực của con mình.
Điển hình như trường hợp của chị Thúy Anh (quận 3, TP HCM), phụ huynh có con du học ngành truyền thông tại Australia. Chị cho biết con của chị mất hai năm loay hoay với ngành tài chính vì lựa chọn theo nhóm bạn thân cùng du học. Do không có đam mê với các con số, việc học của em đã bị gián đoạn nửa chừng. Cuối cùng, con của chị phải bắt đầu lại với đam mê về truyền thông đa phương tiện. Nhờ chọn ngành học đúng thế mạnh và sở thích nên hiện em không chỉ đạt kết quả học tập tốt mà còn xin được một vị trí thực tập trong công ty truyền thông tại "xứ sở chuột túi".
Tìm hiểu những ngành thiếu nhân lực trong tương lai
Ngoài việc chọn ngành dựa trên sở thích và thế mạnh của con, các bậc phụ huynh cũng cần tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động trong tương lai trong nước hoặc tại quốc gia đó để giúp các em không bị "thất sủng" sau khi tốt nghiệp.
Đối với thị trường trong nước, nhóm ngành kinh tế như tài chính, kế toán, ngân hàng... tuy tỷ lệ nhu cầu tuyển dụng vẫn ở mức cao (30% trong cơ cấu tuyển dụng) nhưng tình trạng cung vượt cầu vẫn khá lớn. Cụ thể, ngành kế toán - kiểm toán tại TP HCM, cung chiếm 16,56 % - cầu chỉ cần 3,3%. Trong khi đó, tại Hà Nội, cung vượt cầu đến 11,8 lần (số liệu từ Bộ Lao động thương binh - xã hội và Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM).
Thay vào đó, những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao hiện nay tại trang tuyển dụng CareerBuilder là kinh doanh - bán hàng, công nghệ thông tin - phần mềm, tiếp thị - marketing, điện - điện tử - điện lạnh, cơ khí - ô tô - tự động hóa... Theo thống kê của mạng việc làm và tuyển dụng CareerBuilder, nguồn cung lao động hiện nay chỉ đáp ứng được ở ngành bán hàng - kinh doanh và tiếp thị - marketing, các nhóm ngành còn lại ở tình trạng thiếu hụt đáng báo động. Riêng ngành công nghệ thông tin - phần mềm, các thống kê cho thấy số lượng công việc ngành này tại Việt Nam tăng trung bình 47% một năm nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng 8% một năm. Nếu vẫn giữ mức tăng trưởng nhân sự như vậy cho đến 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 kỹ sư công nghệ một năm.
Với năng lực giỏi, các du học sinh khi tốt nghiệp không chỉ tìm được công việc đúng ngành mà còn có mức lương cao. Theo báo cáo của Adecco Việt Nam năm nay, cấp quản lý của các bộ phận nhân sự (7 - 12 năm kinh nghiệm) có mức lương từ 60 đến 110 triệu đồng một tháng. Giám đốc phụ trách khách hàng, giám đốc sáng tạo của các công ty, tập đoàn về truyền thông quảng cáo (4 - 7 năm kinh nghiệm) có mức lương dao động 46 - 80 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, vị trí quản lý ngành marketing (5 - 10 năm kinh nghiệm) có mức lương dao động 35 - 120 triệu đồng một tháng.
Chọn ngành là điểm mạnh đào tạo của quốc gia du học
Việc chọn ngành học cũng nên tận dụng thế mạnh đào tạo của từng nước. Đơn cử như Mỹ và Australia là hai quốc gia phát triển mạnh về kinh tế tài chính. Khi tham gia các ngành học này, du học sinh có cơ hội học tập với những giảng viên là các CEO nổi tiếng. Môi trường học tập tại hai nước này cũng năng động, có cạnh tranh cao sẽ giúp học sinh nâng cao việc tư duy phản biện sắc sảo và nhạy bén khi tiếp cận thị trường. Trong khi đó, y khoa lại là thế mạnh của Vương quốc Anh - đất nước phát minh ra máy chụp CT, điện tâm đồ (ECG) cũng như đào tạo nhiều nhân tài trong nghiên cứu y học, các nhà khoa học và cả chủ nhân của giải Nobel uy tín.
Bà Nguyễn Đoan Thục - đại diện Trung tâm tư vấn du học ILA chia sẻ: "Với vai trò là người định hướng, tư vấn cho các em trong việc chọn ngành khi đi du học, các bậc phụ huynh nên xem xét nhiều khía cạnh từ sở thích, năng lực của con, nhu cầu thị trường lao động cũng như thế mạnh đào tạo của từng quốc gia. Nhờ đó, các em không chỉ phát huy được hết năng lực trong quá trình học mà còn dễ dàng phát triển sự nghiệp tương lai".
Theo VnExpress