Tháng 6/2014, hàng nghìn người trên khắp thế giới sẽ tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ CFA các cấp độ. CFA (viết tắt của từ Chartered Financial Analyst) là một chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính.
Theo Financial Times, các số liệu lịch sử cho thấy hơn một nửa trong số những người dự thi sẽ trượt. Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ không cao và khối lượng kiến thức khổng lồ mà các thí sinh phải tiếp thu đang bắt đầu chứng tỏ rằng người sở hữu chứng chỉ này có thể nhận được thành quả tương xứng.
Và, trên thực tế, một số người còn lập luận rằng người nào hoàn thành cả 3 cấp độ và được đặt 3 chữ cái CFA sau tên của họ sẽ có được lợi thế lớn hơn cả những người có bằng MBA.



Xu hướng chọn CFA - Ảnh 1

Mark Shackleton, giáo sư ngành tài chính tại ĐH Lancaster, cho rằng trong ngành tài chính, CFA sẽ sớm có tầm ảnh hưởng lớn hơn so với MBA. Quá ấn tượng với xu hướng này, trường Lancaster mới đây đã triển khai một chương trình đặc biệt nhằm giúp sinh viên chuẩn bị cho kỳ thi CFA Level I.
Khóa học của Lancaster là khóa học toàn thời gian kéo dài 1 năm và mỗi năm chỉ lấy 30 sinh viên đạt tối thiểu 650 điểm GMAT. Trong kỳ học cuối, học viên sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia đến từ Fitch Learning – tổ chức chuyên cung cấp đào tạo tài chính chuyên nghiệp.
Dẫu vậy, không phải sinh viên nào cũng được khuyên là nên tham gia kỳ thi CFA kể cả khi họ đã hoàn thành khóa học nói trên. Theo Nitin Mehta, giám đốc điều hành khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Viện CFA, trên toàn thế giới, 1/4 số người đăng ký học CFA không xuất hiện tại các kỳ thi. Ông cho biết thêm chương trình học quá gian khổ khiến nhiều người cảm thấy họ chưa sẵn sàng. “Chỉ có 1 trong 5 người tham gia vào con đường này trở thành CFA charter holders, tức là hoàn thành cả 3 cấp độ”.
Điều này trái ngược hoàn toàn với các chương trình MBA. Rất khó để trúng tuyển vào một số chương trình MBA được đánh giá cao, nhưng học viên có thể tự tin rằng chương trình chắc chắn sẽ kết thúc.



Xu hướng chọn CFA - Ảnh 2

Năm 2003, trên toàn thế giới có tổng cộng 50.647 người hoàn thành cả ba cấp độ, phần lớn trong số đó là người Mỹ. 10 năm sau, con số tăng hơn gấp đôi, lên 108.888
người, hơn 1/3 không phải là người Mỹ.
Con số này đã đủ lớn để khẳng định chất lượng của chứng chỉ CFA nhưng cũng đủ nhỏ để tạo nên sự khác biệt. Trên toàn cầu có tới hơn 1 triệu người có bằng MBA. Nhiều người cho rằng chương trình học MBA đem lại lợi thế về kết nối mạng lưới. Tuy nhiên, Viện CFA cho rằng họ có thể đem đến giá trị khác thay thế cho điều đó. Khi đã trở thành charter holder, bạn có thể tham gia Viện CFA – tổ chức toàn cầu mang đến cơ hội kết nối với nhiều chuyên gia trong ngành tài chính thông qua nhiều sự kiện được tổ chức hàng năm.
Ở cấp độ thấp hơn, các thí sinh có thể gia nhập JobLine và tiếp cận với nhiều cơ hội nghề nghiệp trong ngành tài chính.
Chi phí cũng là yếu tố được đưa ra để cân đo đong đếm. Chi phí tham dự kỳ thi tại mỗi cấp bậc vào khoảng 1.000 USD. Hơn nữa, bạn vẫn có thể vừa học vừa làm. Ngược lại, các chương trình MBA thường buộc bạn tạm nghỉ làm việc trong 1 – 2 năm. Chi phí có thể lên đến hàng trăm nghìn USD.
Cuối cùng thì, lựa chọn của bạn nên phù hợp với kế hoạch nghề nghiệp và bạn đang ở nấc thang nào của sự nghiệp. Nếu bạn muốn gây dựng sự nghiệp trong ngành tài chính, CFA là một ý tưởng tốt trong khi MBA là lựa chọn tốt hơn nếu bạn muốn làm quản lý.

Theo Trí thức trẻ